Bạn đọc viết:

Thầy cô hãy là tấm gương sáng cho học trò

(Dân trí) - Người thầy đứng lớp có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục các em học sinh, không chỉ về tri thức mà còn định hình cho các em về nhân cách, lẽ sống, biết yêu thương, sống có trách nhiệm cho bản thân, gia đình và xã hội. Những hành động, cử chỉ, lời lẽ của người thầy có tác động to lớn đến sự phát triển trí tuệ và nhân cách của học trò.

Song, bên cạnh những người thầy nghiêm khắc, sống có đạo đức, trách nhiệm với nghề, với công việc, hết lòng yêu thương học trò thì chúng ta vẫn bắt gặp những trường hợp giáo viên chỉ làm tròn nhiệm vụ “hết ngày đầy công”, vô cảm trước việc hình thành nhân cách của các em. Có những thầy cô kiến thức sư phạm còn nhiều hạn chế nên khi đứng lớp chưa có sự khéo léo, khích lệ học sinh.

Học sinh thời nay được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhiều luồng thông tin nên những thuần phong mỹ tục truyền thống cũng bị ảnh hưởng, mai một ít nhiều. Hơn nữa, tuổi các em còn chưa đủ chín nên có những hành động, lời lẽ thiếu kiềm chế, bột phát và thiếu suy nghĩ. Nếu giáo viên không khéo sẽ rất dễ dẫn các em tới những hành động bột phát, thiếu suy nghĩ. Chúng ta đã từng chứng kiến hiện tượng học sinh nhảy lầu tự tử, cắt mạch máu tay… để phản đối thầy cô, những  sự việc này ít nhiều cũng là do phần ứng xử không khéo léo, vụng về của người giáo viên đứng lớp.

Có thầy cô gặp những phiền muộn, bực tức từ bên ngoài, nhưng đến khi vào lớp cứ bê nguyên nét mặc bực dọc lên lớp. Học sinh chỉ cần làm phật ý là người thầy “giận cá chém thớt” đổ lên đầu học sinh. Có những trường hợp mà mâu thuẫn giữa thầy và trò kéo dài đằng đẳng cả tháng trời. Thầy bảo vệ ý kiến của thầy, học trò bảo vệ ý kiến học trò. Mặc cho đoàn thể đã nhiều lần dàn xếp nhưng khoảng cách giữa tình thầy trò luôn trong tình trạng ác cảm với nhau. Thầy vào lớp chỉ dạy cho mau hết kiến thức bài học, có tiếng trống báo hết giờ là bước ra. Trò đã không thích thầy thì thầy giảng kệ thầy, trò làm việc riêng kệ trò. Thầy - trò nhìn thấy nhau mà xa cách vời vợi…

Thời kinh tế thị trường, tình thầy trò cũng mang nhiều sắc thái khác nhau, những đạo lý truyền thống ít nhiều bị mai một. Có những người thầy sống quá thực dụng, coi trọng đồng tiền, của cải vật chất để đối xử với học sinh. Thầy cô tìm mọi cách lôi kéo học sinh đến học thêm với mình. Có những giáo viên không giữ được hình ảnh của người thầy để đòi hỏi những phi lý trong giáo dục, dẫn đến tình trạng học trò quay phim, ghi âm, lưu tin nhắn điện thoại thầy rồi tung lên mạng, làm ảnh hưởng đến nhân cách của người thầy. Cả nước có hàng triệu giáo viên đang đứng lớp, phần lớn trong số này đang phát huy khả năng, đang truyền tri thức, nhiệt huyết, tình yêu thương cho học trò. Nhưng, đôi lúc những “con sâu” trong ngành lại gây nên những tai tiếng, dẫn đến những lời thị phi và ảnh hưởng chung đến hình ảnh người thầy trong xã hội.

Người thầy đứng lớp được ví như một nghệ sĩ trên sân khấu, nhưng những “kịch bản” đôi lúc lại nằm ngoài giáo án của thầy. Chính vì thế ngoài sự khéo léo truyền đạt cho các em về kiến thức bài vở, người thầy cần nhấn mạnh đến ý thức học tập, ý thức bản thân trước gia đình và xã hội. Để qua mỗi bài giảng, mỗi lời nói, cử chỉ của thầy có những tác động tích cực đến những tâm hồn thơ trẻ của các em. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, người thầy phải vị tha, biết rắn, biết mềm trong những trường hợp thích hợp để các em vừa kính trọng, nể phục và yêu quý người thầy. Từ đó, giúp các em tiếp cận với tri thức và đạo lý làm người.

Nguyễn Cao

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn  . Xin trân trọng cảm ơn!