Quảng Nam:

Thầy cô nuôi heo, gà gây quỹ giúp học sinh nghèo

(Dân trí) - Câu chuyện cảm động tình thầy trò vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam); thầy cô giáo lặn lội xuống đồng bằng xin kinh phí, rồi tự đi mua heo, gà giống về nuôi bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ các học sinh nghèo.

Cứ 6 giờ sáng, thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn, Hiệu phó trường Phổ thông dân tộc Bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Nguyễn Văn Trỗi, lặn lội ra chợ huyện mua vài bó rau lan chở về cho đàn heo của mình.

14 con heo cỏ trị giá khoảng 20 triệu đồng là một tài sản quý mà thầy cùng với các thầy cô ở đây gầy dựng nên từ đầu năm học này. Số heo giống này do câu lạc bộ “Sức trẻ” ở TP Đà Nẵng hỗ trợ. Mục đích là nuôi lớn rồi bán để gây quỹ hỗ trợ cho các học sinh nghèo, học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn.

Chuồng nuôi heo (lợn) của thầy cô ở vùng cao Tây Giang
Chuồng nuôi heo (lợn) của thầy cô ở vùng cao Tây Giang

Thầy Tuấn cho hay mình công tác địa bàn miền núi trên 10 năm, thấy học sinh khó khăn, nghèo khó mà thương. “Những năm trước mình thường xin hỗ trợ từ đoàn từ thiện ở Đà Nẵng, HCM… quần áo, sách vở rồi gạo, dầu ăn… nhưng năm nay, mình quyết định xin tiền hỗ trợ để mua heo, gà về nuôi. khi nào lớn đem bán gây quỹ”, thầy Tuấn nói.

Để triển khai “dự án” này, các thầy cô ở đây tự đi chặt cây, mua lưới về làm chuồng trại, rồi thành lập ra hai “tổ chăn nuôi” do các thầy cô và em học sinh nội trú đảm nhận. Mỗi tổ có khoảng 5 em học sinh (lớp 8, lớp 9) và 3 thầy cô giáo. Những học sinh học buổi sáng thì buổi chiều cùng thầy cô đi lấy rau, nấu cám, quét dọn chuồng trại, tắm heo. Những học sinh học buổi chiều thì buổi sáng đảm nhận.

Lúc đầu công việc chưa quen, các em còn bỡ ngỡ thì được các thầy cô chỉ bảo, hướng dẫn, sau dần thành quen. Mục đích của “dự án” này không chỉ có tiền để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo mà cái quan trọng không kém là giúp các em rèn luyện kỹ năm tự lập, tính siêng năng lao động, chịu khó, khi ra đời nhanh trưởng thành hơn.

Em Bríu Thị Nương (học sinh lớp 9/3) tâm sự: “Các thầy cô ở đây thương học sinh lắm. Ngoài việc dạy chúng em thì các thầy, cô còn lo cho chúng em từng bữa ăn, giấc ngủ. Được tham gia “tổ chăn nuôi” em thích lắm, dù mệt nhưng mà vui vì mình đã làm được việc có ích”.

Mô hình nuôi heo, nuôi gà gây quỹ của trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi
Mô hình nuôi heo, nuôi gà gây quỹ của trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi

Không chỉ nuôi heo, các thầy cô nơi đây còn nuôi gần 300 con gà. Thức ăn cho gà từ gạo tấm, lúa, bột công nghiệp và tận dụng cả cơm thừa từ bếp ăn nội trú. Để có được đàn gà, các thầy về tận đồng bằng mua chở lên lên bằng xe máy. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cộng với việc được tiêm phòng nên đàn gà không dịch bệnh nên con nào cũng lớn nhanh. “Nhìn heo gà lớn nhanh mình thích lắm, dự tính nuôi đến tết là có thể bán được, có tiền sẽ mua quần áo mới cho các em vui Tết”, thầy Tuấn nói.

Không riêng gì trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi, các trường khác như Nguyễn Bá Ngọc, Lý Tự Trọng; trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ch’ơm cũng triển khai mô hình này. Thầy Nguyễn Viết Trường, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng, cho biết hằng năm nhà trường đều tăng gia sản xuất nuôi gà, vịt xiêm và nuôi heo. Khi heo lớn thì cứ vào cuối tháng thầy trò lại mổ một con. Một phần bán cho các thương lái, bán cho Đồn biên phòng Axan để gây quỹ, phần còn lại phụ vụ cho học sinh và giáo viên. Hằng năm, nhà trường nuôi trên 20 con heo. Số tiền bán heo cũng được hàng chục triệu đồng, từ số tiền này nhà trường hỗ trợ học bổng, mua quần áo tặng cho các em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng giáo dục huyện Tây Giang, nhận xét là huyện miền núi nên việc dạy học ở các trường vùng cao Tây Giang còn nhiều khó khăn. Học sinh đa số là hộ nghèo. Ngoài việc, dạy học các thầy cô ở đây còn phải lo sách vở, bút viết, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh. Việc nuôi heo gây quỹ giúp học sinh nghèo là mô hình hay mà nhiều trường học được từ các trường phía Bắc. Qua việc làm này, tình thầy trò vùng biên sẽ gắn kết hơn.

C.Bính-Đ.Hiệp

Dòng sự kiện: 34 năm Ngày Nhà giáo VN