Thay đổi quy chế thi HSGQG - nhiều điều còn bỏ ngỏ

(Dân trí) - Việc có những thay đổi về cung cách ra đề, không chia bảng thi... của kì thi HSGQG là điều cần thiết để chọn được nhân tài xứng đáng cho đất nước. Tuy nhiên, việc không tuyển thẳng học sinh giỏi vào các trường ĐH, CĐ đang là nỗi bức xúc của không ít học sinh, những người sẽ tham dự kì thi học sinh giỏi năm 2007.

Hai vấn đề nổi cộm trong việc thay đổi trong kì thi học sinh giỏi đang được xã hội đặc biệt quan tâm, đó là: có thể sẽ không có học sinh lớp 11 tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12, đồng thời không tuyển thẳng học sinh có thứ hạng cao ở kì thi này vào các trường đại học, cao đẳng.

 

Bỏ qua những nhân tài?

 

Theo như lời giải thích của TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT thì nếu học sinh lớp 11 dự thi thì sẽ phải học vượt để hoàn thành chương trình môn chuyên lớp 12 ngay từ vài ba tháng đầu của lớp 11 (thi học sinh giỏi sẽ tổ chức vào cuối học kỳ I hằng năm); điều này gây sức ép lớn, làm cho nhiều học sinh học lệch các môn khác.

 

Tuy nhiên nếu nhìn nhận các kì thi học sinh giỏi trước đây, việc cho các em học sinh học lớp 11 tham dự kì thi học sinh giỏi lớp 12 lại có những thành công nhất định. Nhiều nhân tài trẻ đang học lớp 11 đã lộ diện và là thành phần quan trọng của đội tuyển Olympic quốc gia những người đã góp phần mang vinh quang về cho đất nước ở các kì thi olympic Quốc tế .

 

Chẳng hạn, như ở kì thi olympic quốc tế lần thứ 47 vừa qua hầu hết ở các môn dự thi đoạt giải đều có sự hiển diện của các học sinh lớp 11, điển hình như em Nguyễn Xuân Thọ học sinh lớp 11 chuyên Toán trường chuyên Vĩnh Phúc đoạt huy chương bạc môn Toán,  em Nguyễn Quang Huy, học sinh lớp 11 chuyên Lý trường ĐHKHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội đoạt huy chương đồng môn Lý...

 

Với việc nhiều em học sinh lớp 11 sớm thể hiện được mình thì đây cũng là tiền đề để bồi dưỡng các nhân tài nhằm có kết quả cao hơn ở kì năm sau.

 

Nhân tài bức xúc

 

Theo quy chế cũ thì những học sinh đoạt giải ở kì thi HSGQG sẽ được tuyển thẳng vào vào các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước. Với việc thay đổi quy chế ở kì thi học sinh giỏi năm 2007 là không tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ đã làm cho nhiều học sinh lớp 11 nhưng lại đoạt giải ở kì thi học sinh giỏi lớp 12 năm 2005-2006 không khỏi bức xúc.

 

Ngay trên diễn đàn Edu.net.vn cũng có nhiều topic nóng hổi bàn luận sôi nổi về vấn đề này. Một học sinh với nickname Mythi đã trình bày quan điểm của mình với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và Trưởng cục khảo thí Nguyễn An Ninh:

 

Là một học sinh đạt giải quốc gia năm học 2005-2006, bản thân em hiểu rõ hơn ai hết kì thi này không chỉ là chuyện bỏ ra sức lực, thời gian, trí tuệ mà thực sự với em (và nhiều bạn khác) đó còn là hi vọng và niềm tin muốn khẳng định mình. Chúng em đã từng mong đợi giải thưởng này biết bao nhiêu. Khi cầm trên tay tấm bằng công nhận của Bộ, thầy có biết không có bạn đã khóc đấy ạ! Bao nhiêu công sức bỏ ra giờ đã được đền đáp.

 

Vừa rồi thông tin trên báo cũng như trên mạng đã thực sự làm chúng em thất vọng, không phải chúng em sợ thi đại học đâu (kì thi nào mà chả có vinh quang của nó), nhưng điều mà chúng em muốn nói là cách làm việc của Bộ khiến mọi người xoay như chong chóng. Tại sao Bộ đã từng đưa ra quyết định tuyển thẳng HSGQG nay dự kiến sẽ dừng lại?

 

Trong kì thi HSGQG vừa qua, các anh chị lớp 12 năm học 2005-2006 đã nghiễm nhiên vào đại học. Còn chúng em, những học sinh lớp 11 đã đạt giải Quốc gia với cùng đề đó, đáp án đó, thang điểm đó lại không được tuyển thẳng mà phải vòng vèo qua một kì thi nữa sao? Có quá bất công với chúng em không thầy?

 

Bên cạnh đó không ít bậc phụ huynh có con em  thi học sinh giỏi cũng không khỏi boăn khoăn khi nghe thông tin thay đổi của Bộ:

 

Việc ban quyết định, như nhiều năm qua chúng ta thấy là việc của các quan chức, hậu quả ra sao thì con em chúng ta ráng chịu. Thôi thì đành phải tìm cách tự lo cho chúng vậy. Vậy học sinh lớp 12 có nên theo đuổi kỳ thi HSGQG không nhỉ? Năm nay các cháu phải trải qua nhiều cuộc thi, nào thi tốt nghiệp, nào thi ĐH. Nếu tham gia thi HSG, để đạt được giải chắc chắc sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng cũng chỉ được cái tờ giấy chứng nhận HSGQG vô nghĩa. Mà nếu không đạt giải, thì cái giá phải trả cho sự phiêu lưu khi đã “trót dại” tham gia kỳ thi HSGQG thì khó mà đoán trước được.

 

Hay là chúng ta khuyên các cháu hãy thực dụng hơn, dồn sức ôn thi ĐH vừa nhàn hạ lại đảm bảo chắc chắn có cái bằng vào tương lai, đừng dại dột theo đuổi cái đam mê của mình rồi đến lúc hối không kịp. Mà nếu các cháu có đủ tư chất để tham gia thi học sinh giỏi thì chắc chắn cũng thừa khả năng để tăng cường vốn ngoại ngữ, cũng như vượt qua các kỳ thi để có thể xin học bổng du học các nước có nền giáo dục tiên tiến. Phương án này có vẻ cũng rất hợp với tâm tư nguyện vọng của các thanh niên ngày nay". Phụ huynh có nickname Obsever tâm sự.

 

Thay đổi liệu có bất cập?

 

Cho dù một vài thay đổi trong kì thi HSGQG vẫn chưa ngã ngũ, tuy nhiên sự đổi mới cho kì thi đang gặp nhiều ý kiến trái ngược. Liệu những sự thay đổi này có thế làm thay đổi những cách ra đề “sáo mòn” như các kì thi học sinh giỏi trước đây? Việc luyện thi học sinh giỏi liệu có chấm dứt? Hay sự thay đổi này sẽ là một bài toán lựa chọn cho các em... thi học sinh giỏi hay tập trung học để thi đại học.

Đến lúc nào thì các em sẽ không phải suy nghĩ: Kì thi học sinh giỏi Quốc gia bây giờ càng trở nên quá mạo hiểm, nó giống như bong bóng xà phòng, đẹp thật, nhưng mà dễ vỡ. Có ai dám chắc mình có thể cầm trên tay bong bóng xà phòng đâu? Chúng em không thể vì một vài điểm cộng mà mạo hiểm với tương lai của mình.

 

Tiêu cực? Chúng em không hề tiêu cực. Có chăng tiêu cực chỉ có ở các nhà quản lí giáo dục và những người thiếu lương tâm, trách nhiệm trong nghề giáo. Vậy mà người chịu trực tiếp hậu quả lại là chúng em”.

 

Kì thi học sinh giỏi quốc gia cũng đã bắt đầu được khởi động, trong khi đó quy chế thay đổi đang làm cho không ít học sinh đắn đó để lựa chọn. Vậy với sự dao động như thế này liệu ở kì thi Olympic quốc tế sắp tới với cương vị là nước chủ nhà chúng ta sẽ thể hiện sao đây?  

P.V