Thầy giáo của dự án học Văn với những cảnh đời đẫm nước mắt

(Dân trí) - Tác giả của dự án học Văn “Chuyện đời quanh em” tại Trường THCS Văn Lang (quận 1, TPHCM) đưa đến những rung cảm cho người học, “tiếp lửa” cho những số phận và cũng như cách học văn mới là thầy Hoàng Long Trọng - một người không ngại xê dịch.

Học trò “lăn” vào đời học Văn

"Bung” khỏi khuôn khổ bốn bức tường trong lớp học, những giờ thầy đọc - trò chép hay những buổi học thêm, dự án học Văn “Chuyện đời quanh em” của Trường THCS Văn Lang đưa đến cho học sinh học bằng trải nghiệm qua những câu chuyện, số phận có thực trong đời sống.

Dự án với sự tham gia của hơn 160 học sinh khối 8 và 9, các em chia thành từng nhóm nhỏ để thực hiện những nhiệm vụ thực tế. Các em tự tìm những mảnh đời khốn khó rồi liên hệ, gặp gỡ, phỏng vấn để thực hiện các sản phẩm phóng sự ảnh, clip, truyện ngắn, viết nhật ký hành trình thay cho những bài làm văn theo cách học thông thường.

Nhân vật hai bà cháu bé vé số trong dự án học Văn Chuyện đời quanh em của học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM
Nhân vật hai bà cháu bé vé số trong dự án học Văn "Chuyện đời quanh em" của học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM

Nhiều nhân vật có thực với số phận éo le được tái hiện trong tác phẩm của các em. Đó là cô giáo bị khuyết tật với chuyện đời và chuyện tình nhiều đau thương; chú thương binh với đời sống khó khăn bên chiếc ghe ở gầm cầu vẫn ngập tràn tình yêu thương với vợ con; hay bà cháu bán vé số ở vỉa hè...

Học sinh cùng xây dựng kế hoạch thực hiện, đi thực tế, thể hiện khả năng của bản thân như giao tiếp, nói chuyện, chụp ảnh, quay phim, viết bài... Không dừng lại ở đây, dự án còn có giai đoạn “Lan tỏa”, thầy và trò cùng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, kết nối để đưa đến những hỗ trợ về vật chất, tinh thần phù hợp cho nhân vật.

Lần đầu tiên được học Văn theo cách “lăn xả” vào đời, dự án này đã tạo nên một sức sống mới trong việc học văn cho học trò. Học không phải để có những bài văn tròn trĩnh, không trông chờ vào những cuốn văn mẫu dày cộp... mà các em viết lên những tác phẩm bằng chính quan sát, trải nghiệm, suy nghĩ của mình, bằng những giọt nước mắt với cảm xúc chân thật.

Thầy giáo không ngại xê dịch

Phải nói, dự án Văn học “Chuyện đời quanh em” tại Trường THCS Văn Lang thổi một luồng không khí mới đối với việc dạy học môn Văn. Điều không nhiều người biết là dự án này được thực hiện bởi một thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết và không ngại xê dịch - thầy Hoàng Long Trọng.

Thầy Hoàng Long Trọng chia sẻ trong buổi tổng kết dự án học Văn Chuyện đời quanh em
Thầy Hoàng Long Trọng chia sẻ trong buổi tổng kết dự án học Văn "Chuyện đời quanh em"

Tốt nghiệp ĐH Vinh, suốt 4 năm ở giảng đường, thầy Trọng luôn được công nhận là sinh viên xuất sắc. Ra trường, lăn lộn xin việc ở quê Thanh Hóa không được, thầy ra Quảng Ninh dạy cho một trường dân lập. Thầy cũng từng đi phục vụ ở nhà hàng, quán cà phê trước khi vào TPHCM. Vào vùng đất mới sôi động, có nhiều lời mời làm truyền thông, kinh doanh với thu nhập ổn định hơn nhưng những cơ hội đã không “lái” được ước mơ với nghề giáo, khát khao truyền lửa cho thế hệ học trò của thầy Trọng.

Dự án “Chuyện đời quanh em” bắt nguồn từ việc không chịu ngồi yên, không chấp nhận những tồn tại của thầy. Là người trực tiếp dạy học, hơn ai hết, thầy Trọng thấy rõ thực trạng dạy học môn Văn trong nhà trường khi giáo viên ngại đổi mới, học sinh thì chán ngán. Cũng như nhiều giáo viên, thầy Trong luôn tự hỏi: Tại sao học sinh lại không thích học Văn? Làm thế nào để các em có hứng thú với bộ môn?

Vào buổi tổng kết năm học 2015-2016, thầy Trọng cùng các giáo viên trong trường ngồi trao đổi, nói chuyện về trường lớp, về học sinh. Hầu hết học sinh ở trường THCS Văn Lang đa số là con em lao động, hoàn cảnh rất khó khăn. Có em buổi ngày đi học, buổi tối đi rửa chén bát thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình; có em buổi tối đi bán nước mía; hay nhiều em bố mẹ chia tay... những câu chuyện làm thầy cô cũng xúc động, mủi lòng.

“Lúc đó chúng tôi nhận ra những câu chuyện có thật, chất liệu cuộc sống ở ngay quanh mình... mới dễ dàng đưa đến những cảm xúc thật, mới thể hiện được tinh thần “Văn học là nhân học” mà M. Gorki đã nói. “Chuyện đời quanh em” ra đời như thế”, thầy Trọng chia sẻ.

Để “thả” các em học bằng đời thực một cách hiệu quả, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động tạo tiền đề như cung cấp kiến thức từ các môn học; mời các chuyên gia giáo dục, tâm lý đến truyền tải về 12 giá trị sống; cũng như mời các nhà nhiếp ảnh, nhà báo... đến chia sẻ với các em về các kỹ năng chụp ảnh, viết bài; trang bị kiến thức, kinh nghiệm cơ bản về việc đi thực tế cho học sinh.

Hiệu quả lớn nhất từ dự án, theo thầy Trọng chính là tình cảm và sự trưởng thành của học trò
Hiệu quả lớn nhất từ dự án, theo thầy Trọng chính là tình cảm và sự trưởng thành của học trò

Trong quá trình thực hiện dự án, thầy Trọng cũng “chạy đua” không ngơi nghỉ dù "đứng sau lưng quan sát" học trò, nhất là việc kết nối với rất nhiều đơn vị, cá nhân để thực hiện hoạt động hỗ trợ nhân vật. Như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Hường trong bài viết “Cuộc gặp đẫm nước mắt ngay trong giờ Văn” chính thầy Trọng cùng học sinh “tổ chức” cuộc gặp bí mật cho mẹ con cô Hường, thầy chủ liên hệ xin vé máy bay cho mẹ và hai cô con gái vào thăm cô.

Thành quả thầy trò gặt hái được từ dự án là học trò đã thật sự tìm được sự hứng thú với môn Văn; thông qua cách học thực tế các em tiếp nhận được kiến thức của môn Văn, Giáo dục Công dân, Tin học, 12 giá trị sống của Unesco; có thêm nhiều kỹ năng về làm phim, chụp ảnh, viết truyện... Và đặc biệt, niềm vui lớn nhất của thầy là nhìn học sinh biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương nhiều hơn với mọi người bằng chính sự cảm nhận và sự trưởng thành của mình.

Ngôi trường khó khăn nhất quận

Cô Phùng Thị Ngọc Mai, Tổ trưởng bộ môn Văn quận 1, TPHCM cho biết, Trường THCS Văn Lang là một trong những ngôi trường khó khăn nhất quận. Khi thực hiện dự án, thầy trò thiếu thốn đủ thứ, những điều thầy trò làm được là nỗ lực, cố gắng được thôi thúc từ mong muốn phải thay đổi.

Tổ Văn của quận đã lấy dự án này tổ chức chuyên đề cho các trường trong quận để các trường có thể thực hiện, nhân rộng mô hình học Văn mà theo cô Mai, các em học như thế nào, viết những bài Văn ra làm sao không còn quan trọng bằng chính với cảm xúc, cảm nhận về cuộc sống, về con người, về lòng nhân ái trong mỗi học trò trong quá trình học văn bằng trải nghiệm.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục