Sóc Trăng:

Thầy giáo dạy Văn đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian

(Dân trí) - Nhiều người biết thầy Trần Minh Thương không phải chỉ vì thầy là giáo viên có uy tín, giảng dạy đạt chất lượng cao mà còn biết thầy ở niềm đam mê nghiên cứu vốn văn hóa dân gian ở miền Tây Nam Bộ.

Thầy Trần Minh Thương sinh năm 1971 trong một gia đình nông dân ở thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), nơi có chợ nổi Ngã Năm nổi tiếng.

Sinh ra ở một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và cũng là nơi giàu truyền thống văn hóa, ngay từ nhỏ, thầy Thương đã được nghe những câu chuyện, những câu hò, điệu hát mang đậm chất văn hóa dân gian vùng đất sông nước cuối trời Tổ quốc nên lòng yêu thích, nỗi đam mê vốn văn hóa dân gian đã thấm vào máu thịt, trở thành một phần không thể thiếu của cuộc đời thầy.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Trần Minh Thương đăng ký thi vào ngành Sư phạm Văn của Trường Đại học Cần Thơ. Sau 4 năm miệt mài kinh sử ở đất Tây Đô, năm 1993, chàng tân cử nhân Sư phạm ngữ Văn hăm hở khăn gói trở về quê hương, trở về với Trường THPT Mai Thanh Thế thân yêu của mình để thực hiện “ước mơ xanh”, góp phần vào giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh của vùng đất Ngã Năm. Đồng thời, thực hiện ước nguyện nghiên cứu vốn văn hóa dân gian của vùng đất Ngã Năm, vùng đất Sóc Trăng nói riêng, vùng đất ĐBSCL nói chung, cả về văn hóa người Kinh, người Hoa và người Khmer.

Trong giảng dạy, thầy giáo Trần Minh Thương rất nhiệt tình với học sinh. Nhiều học sinh dù đã rời xa mái trường nhưng vẫn nhớ về thầy Trần Minh Thương với giọng giảng bài lúc nào cũng rổn rảng, say mê. Mỗi tác phẩm văn học trong chương trình, trước khi đến với học sinh, bao giờ thầy Thương cũng đầu tư nghiên cứu rất kỹ để tìm ra nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Với nhiều thành tích trong giảng dạy và công tác, thầy Trần Minh Thương đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng nhiều Bằng khen; 2 lần được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng huy chương “Vì thế hệ trẻ” vào năm 1999 và 2003.

Thầy Trần Minh Thương.
Thầy Trần Minh Thương.

Trong những năm công tác tại Trường THPT Mai Thanh Thế, thầy Trần Minh Thương đã dành tâm huyết của mình để nghiên cứu vốn văn hóa dân gian địa phương. Kết quả, sau nhiều năm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, thầy Thương đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu đạt kết quả cao.

Cụ thể, thầy đã có các công trình như: “Đố Thai Mỹ Xuyên - Sóc Trăng”; “Ca dao - dân ca Tây Nam Bộ”; “Văn hóa phi vật thể huyện Ngã Năm - tỉnh Sóc Trăng”; “Văn hóa phi vật thể người Khmer Sóc Trăng”; “Diện mạo văn hóa nghệ thuật Khmer Sóc Trăng”; “Trò chơi Khmer Sóc Trăng”; “Chợ nổi Ngã Năm Sóc Trăng”; “Nhìn về chợ nổi miền Tây”; “Văn hóa ẩm thực Sóc Trăng” (viết chung).

Trong số các công trình trên, thầy Trần Minh Thương cho biết: “Tôi tâm đắc nhất là công trình Văn hóa phi vật thể người Khmer Sóc Trăng bởi người Khmer là một cộng đồng có đông người sinh sống ở Sóc Trăng cũng như vùng đất Tây Nam Bộ. Văn hóa của người Khmer có nét rất đặc trưng khiến tôi và không ít người ngẩn ngơ khi tiếp xúc. Vì vậy, tôi đã quyết định đầu tư nghiên cứu về văn hóa phi vật thể của người Khmer với mong muốn góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương”.

Các công trình nghiên cứu của thầy Trần Minh Thương đã được các cơ quan chuyên môn nghiệm thu, xuất bản thành sách và có nhiều công trình đạt giải cao. Cụ thể, công trình “Văn hóa phi vật thể người Khmer Sóc Trăng” đạt giải Ba; công trình “Diện mạo văn hóa Khmer Sóc Trăng” đạt giải Khuyến khích của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Thầy Trần Minh Thương cho biết thêm: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã quyết định tài trợ kinh phí để thầy tiếp tục hoàn thành 2 công trình nghiên cứu là “Trò chơi Khmer Sóc Trăng” và công trình “Văn hóa phi vật thể huyện Ngã Năm”. Tổng kinh phí cho 2 công trình này là 25 triệu đồng.

Nói về công việc nghiên cứu vốn văn hóa dân gian của mình, thầy Trần Minh Thương cho biết: “ Sóc Trăng là nơi có ba dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng. Đến với văn hóa dân gian Sóc Trăng, tôi cảm thấy như mình được sống quá khứ thời mở cõi của tiền nhân và kí ức tuổi thơ của đời mình. Khi môi trường sống thay đổi quá nhanh kéo theo sự thay đổi về thị hiếu, thẩm mĩ, cộng với ý thức hiện đại hóa của con người làm cho bản sắc văn hóa bị giao thoa, bị mai một nên tôi cũng như nhiều người cũng có một thoáng bâng khuâng pha nỗi lo lắng bởi những giá trị văn hóa truyền thống đó đang có nguy cơ bị mai một. Nếu không kịp sưu tầm, biên khảo, giới thiệu có lẽ một tương lai rất gần những câu hò, điệu lý, những trò chơi dân gian, nghi lễ… những biểu hiện của văn hóa thời tự túc tự cấp sẽ mất đi. Đó là một thiệt thòi không nhỏ cho hậu thế. Vì thế, tôi dành nhiều thời gian cũng như công sức cho nghiên cứu vốn văn hóa dân gian ở địa phương. Trong khả năng cho phép, kết hợp với niềm yêu thích và say mê của mình, tôi chỉ mong góp một phần rất nhỏ để ghi lại, góp phần gìn giữ di sản của cha ông”.

Thầy Hoàng Văn Thái - Hiệu trưởng Trường THPT Mai Thanh Thế nhận xét: “Thầy Trần Minh Thương là một giáo viên rất nhiệt tình trong giảng dạy và trong các công tác khác của nhà trường. Không chỉ đầu tư giảng dạy có hiệu quả cao, thầy Thương còn dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu văn hóa dân gian ở địa phương và có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao. Chúng tôi rất vui và tự hào khi giáo viên của mình đạt được những kết quả như vậy”.

Được biết, người bạn đời của thầy Trần Minh Thương cũng là bạn học chung khóa, chung lớp ở Trường Đại học Cần Thơ, hiện đang giảng dạy tại Trường THPT Mai Thanh Thế. Người bạn đời của thầy đã tạo mọi điều kiện để thầy dành thời gian, công sức cho nghiên cứu của mình.

Bạch Dương