Thầy giáo Thuần và “khoá học 7 ngày” rèn chữ đẹp

(Dân trí) - Ở thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn (Quốc Oai, Hà Tây), những lớp dạy chữ “siêu tốc", chỉ với 7 ngày, trở thành “sự kiện mùa hè 2006” bởi đã có những lứa học sinh được cấp “chứng chỉ” hoàn thành khoá học viết chữ đẹp.

Sự khởi đầu “bất đắc dĩ”

 

Người làm nên sự kiện đó là thầy giáo Nguyễn Hữu Thuần, hiện là giáo viên Trường THCS Thị trấn Quốc Oai. Bắt đầu mở "lớp" tại gia đầu tiên vào ngày 18/5/2005, đến hết tháng 6/2006, thầy đã cấp "chứng chỉ" hoàn thành 4 "khoá học" với 51 học viên, mỗi "khoá" chỉ có một lớp, từ 11-12 em. Lớp thứ 5 cũng đã bắt đầu học tập với sĩ số lên đến 16 em.

 

Thầy Thuần là người viết chữ đẹp có tiếng trong ngành giáo dục Quốc Oai nhưng việc mở lớp dạy viết chữ đẹp hoàn toàn tình cờ. Một người bà con có cháu học gần hết bậc tiểu học nhưng chữ quá xấu đã than phiền với thầy và ngỏ ý "hay là chú giúp cho...". Thế là mọi sự bắt đầu. Ngay cái chuyện mỗi "khoá" chỉ học trong 7 ngày cũng không định trước, thầy Thuần đã tự đặt ra cho mình một "khoảng thời gian thách thức" như thế và đã thành công.

 

Đối tượng học sinh cứ mở rộng dần. Ban đầu chỉ có mấy cháu học tiểu học, sau là học sinh THCS, rồi học sinh THPT (Nguyễn Chí Hùng, lớp 12, quê Sài Sơn, Quốc Oai; Nguyễn Văn Tuấn, lớp 12, quê ở Thị trấn Quốc Oai...). Trong số đăng ký học tiếp theo còn có cả những em sau khi thi đại học sẽ trở lại.

 

Không chỉ có học sinh trong xã, trong huyện mà có cả học sinh ở rất xa như em Nguyễn Tuấn Mạnh, học lớp 9; em Nguyễn Thị Quỳnh Anh, đều ở Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội); em Phan Thị Nga, đang học Trường Amxtecđam (Hà Nội)... Tiếng lành đồn xa, thầy Thuần rất vui nhưng đang lo vì không biết sau 3 tháng hè sẽ tiếp tục như thế nào để đáp ứng được một nhu cầu rất chính đáng của đông đảo phụ huynh và học sinh.

 

"Mệt nhưng bù lại rất vui vì được phụ huynh tin tưởng và biết mình đang làm được một việc hữu ích!" - thầy Thuần nói.

 

Ba kinh nghiệm rèn chữ

 

Mở đầu "khoá học" là phần khảo sát. Tuy không phải 100% học sinh đến học đều viết quá xấu nhưng tất cả đều có cố tật nên không thể viết đẹp được. Thầy Thuần đã đúc kết  và chỉ ra 3 lỗi chính ở các em.

 

Thứ nhất là cách cầm bút chưa đúng. Đa số các em co tất cả các ngón tay vào lòng bàn tay; cầm bút thấp, sát với ngòi bút nên không thể định hướng được nét bút, lại bẩn tay vì viết bút mực. Các em không chú ý đến ngón chủ đạo là ngón trỏ; ngón đeo nhẫn và ngón út thì không chạm vào mặt giấy nên nét bút run, không đẹp. Còn khi viết bảng, các em lại để cho cả bàn tay chạm vào mặt bảng nên rất khó viết, nét không chắc chắn, chữ không đều, không đẹp.

 

Thứ hai là cái sai trong khoảng cách nhìn bảng, nhìn giấy viết. Nhiều em để gần quá nên không bao quát được trang viết và dễ bị cận thị. Khoảng cách hợp lý phải là khoảng 35-45cm, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.

 

Thứ ba là tư thế ngồi viết: Có em xoay ngang giấy, có em xoay dọc giấy và hầu hết không có tờ giấy lót tay nên mồ hôi tay làm ướt giấy, khi viết chữ dễ bị nhoè.

 

Vài gợi ý với các nhà khoa học giáo dục

 

Cách rèn chữ của thầy Thuần là đi vào cụ thể, chi tiết từng em. Trước hết cho các em tập viết trên bảng, chữ to, sau đó mới viết vào vở với trình tự viết nháp, sau đó viết từ, cụm từ, câu, đoạn thơ, văn.

 

Thứ tự hướng dẫn là tập viết chữ cái, viết các nét cơ bản của từng con chữ. Đặc biệt là dạy cách viết các nét hất của các con chữ. Kích cỡ chữ cao 2,5mm (các chữ h, g, b); 1,5 - 2mm (chữ t); các chữ còn lại cao 1mm.

 

Thầy giáo Thuần và “khoá học 7 ngày” rèn chữ đẹp  - 1

Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy Thuần có cả học sinh ở nhiều địa phương khác xin về “đầu quân”.

Có hai chi tiết khác so với các lớp một ở tiểu học mà thầy Thuần hướng dẫn cho học sinh thành công: Một là, viết "chắp nét" chứ không yêu cầu viết liền nét ngay. Chẳng hạn, khi viết chữ "nh", học sinh viết xong chữ "n", có nét hất ngắn, sau đó từ chỗ kết thúc nét hất của chữ "n" các em viết tiếp chữ "h", tức là chắp nét từ nét hất của chữ cái thứ nhất sang nét chữ cái thứ hai, không đưa liền nét cả hai con chữ, do đó, độ cao và bề rộng của con chữ "h" thường đảm bảo các yêu cầu, không bị quá gầy, quá mập, không bị cong queo và qua nhiều lần luyện tập, nét chữ ổn định dần và các em có thể viết đẹp được.

 

Hai là, khi viết chữ số thì chỉ viết 1,5mm (ở trường Tiểu học quy định là 2mm): Ví dụ khi viết cụm từ và số "năm 2006" thì các em viết các chữ "năm" cao 1mm, còn số 2006 cao 1,5mm, như thế nhìn tương xứng hơn giữa phần chữ và số. Tuy nhiên, đây chỉ là kinh nghiệm riêng, thầy Thuần mong các nhà khoa học giáo dục xem xét thêm.

 

Những bức thư không dễ có

 

Em Tạ Đức Quyền, lớp 6E, Trường THCS Thị trấn Quốc Oai, lúc mới đến lớp chữ viết mất nét và rất xấu, khi "tốt nghiệp" đã viết gửi thầy một bức thư ngắn: "... Thầy đã kèm cặp, rèn nết cho em thành người vì nét chữ là nét con người... Em không bao giờ quên được nét chữ đầu tiên mà thầy đã dạy cho em". Chữ viết của Quyền chưa thật đẹp như nhiều em khác nhưng theo thầy Thuần, nếu em tiếp tục luyện viết thì hoàn toàn có thể viết đẹp được.

 

Thư của em Nguyễn Bảo Trung có đoạn: "... Một tuần đã trôi qua. Nghĩ tới ngày mai là buổi học cuối, ngày em được cấp bằng tốt nghiệp mà em thấy lòng mình thật khó tả... Em thấy mình may mắn hơn một số bạn. Em thấy rất vui vì chữ mình đã đẹp hơn trước rất nhiều nhờ sự dạy dỗ tận tình của thầy, thầy đã uốn từng nét chữ cho em. Và hơn cả là em đã học được nhiều đức tính tốt đẹp từ thầy... Em rất muốn học thêm nữa... Em sẽ rèn chữ hàng ngày để có thể tự tin mỗi khi viết hay viết thư..."

 

Còn đây là thư của thầy Thuần gửi cho em Phùng Thị Ngọc Huyền, lớp 8A, Trường THCS Kiều Phú (Quốc Oai). Thư của thầy được em Huyền chép lại, coi như bài tập báo cáo "tốt nghiệp", nét chữ rất đẹp. Thư viết: "... sự quyết tâm rèn chữ tới mức cao nhất của các em nhắc nhở thầy phải cố gắng hơn nữa... Tuy số buổi học không nhiều song thầy đã gửi gắm và nhắn nhủ cả tấm lòng mình vào từng nét chữ các em viết. Điều mong mỏi của thầy vẫn chỉ là: Từ nét chữ này sẽ đi vào kí ức của các em như một điều gì đáng nhớ trong đời, để rồi từ nét chữ hôm nay mà ngày mai các em có tất cả.

 

Cũng có lẽ bắt đầu từ giờ phút này với các em mọi công việc hàng ngày sẽ cẩn thận và chu đáo hơn... Các em sẽ sống tốt lên, hiểu rõ hơn công cha nghĩa mẹ sinh thành đã vì mình mà hi sinh tất cả, mong ta khôn lớn nên người... Thầy mong các em sẽ trưởng thành nhiều hơn, ngoan lên từ nét chữ... Bắt đầu từ nét chữ".

 

Thầy Thuần dự định sẽ đóng tập cẩn thận những bài viết, những bức thư của các em để làm kỷ niệm mà "một đời dạy học may mắn có được".

 

Đỗ Quốc Bảo