Thầy giáo triệu đô ở Hàn Quốc

(Dân trí) - Áp lực học tập nặng nề và khối lượng kiến thức khổng lồ khiến cho nhiều thầy giáo ở Hàn Quốc trở thành triệu phú, thậm chí là người nổi tiếng nhờ việc mở trường dạy thêm và các khoá học online.

“Thầy giáo ngôi sao”

Cha Kil Yong là một giáo viên Toán giỏi nổi tiếng, tuy nhiên anh không dạy học ở trường mà điều hành một hagwon- nghĩa là lò luyện thi, có tên gọi SevenEdu, tập trung vào việc ôn luyện kiến thức cho bài thi SAT- một bài thi Toán có giá trị tương đương với kỳ thi đại học.

Thầy giáo triệu đô ở Hàn Quốc

Năm ngoái, thu nhập của Cha Kil Yong lên tới 8 triệu đô. Văn phòng của anh được đặt tại Gangnam- khu vực dân cư giàu có ở Seoul mà nhiều người đã biết tới qua ca khúc Gangnam style. “Thầy giáo ngôi sao” này” thậm chí còn thu âm một ca khúc song ca với nữ diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Clara, với tựa đề là “SAT jackpot” (tạm dịch: thành công với SAT) và quay quảng cáo những sản phẩm như sâm đỏ có tác dụng bổ não, tăng hiệu quả học tập.

Thành công của Cha Kil Yong không chỉ đến từ kỹ năng dạy học mà còn vì thầy giáo trẻ này luôn biết cách làm cho bản thân nổi bật với việc quảng bá thương hiệu cá nhân và phương pháp dạy học thú vị, sáng tạo, như một ngôi sao giải trí thực thụ.

Không chỉ có Cha Kil Yong, Kwon Kyu Ho- một thầy giáo dạy văn cũng có thu nhập mỗi năm lên đến hàng triệu đô và cho rằng, thời đại này giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy học theo cách thức thông thường. Các giáo viên ngày càng để ý đến vẻ ngoài hơn, tăng cường quảng bá tên tuổi của bản thân qua các kênh thông tin và kiếm thu nhập chủ yếu từ các lò luyện hagwon được mở ra ngày một nhiều

Điều gì làm nên thời đại của những thầy giáo triệu đô?

Có một sự thật là ở Hàn Quốc, áp lực của việc học tập là vô cùng lớn. Đó là một xã hội buộc những đứa trẻ phải luôn luôn nỗ lực ngay từ khi còn học mẫu giáo để có thể đặt chân vào những trường tiểu học, cấp hai, cấp ba “điểm”, thi đậu một trường đại học danh tiếng, kiếm được một việc làm lương cao cùng một vị hôn phu xứng tầm. Thậm chí, ở Hàn còn có một cụm từ có nghĩa là helicopter mother- bà mẹ trực thăng, dùng để miêu tả một cách hài hước về những bà mẹ luôn “lao thẳng” vào phòng học đòi gặp giáo viên để thắc mắc về điểm số hoặc yêu cầu xếp chỗ ở những hàng ghế đầu cho con mình.

Bên cạnh đó, hiện nay còn có một xu thế đó là nhiều gia đình ở Hàn sau khi ly dị thì người bố ở lại Hàn Quốc để làm việc và người mẹ thì đưa lũ trẻ sang Mĩ định cư vì ở đó nền giáo dục tốt hơn và bọn trẻ có cơ hội vào được những trường đại học danh tiếng như Harvard. Tất cả những áp lực này khiến cho bài thi SAT càng lúc càng trở thành một cột mốc quan trọng đối với học sinh Hàn Quốc.

Trước đây, phần lớn các lớp luyện thi hagwon được mở vào buổi chiều tối, sau giờ học chính thức. Tuy nhiên thời gian gần đây với sự phát triển của công nghệ thông tin thì các lớp học online đã xuất hiện ngày càng nhiều. Có khoảng 300,000 học viên theo học lớp online luyện thi SAT của Cha Kil Yong, học phí là 39$ cho một khoá học dài 20 giờ đồng hồ (mức học phí ở các trường luyện thi thông thường có thể lên đến 600$ cho một khoá học). Đổi lại, họ sẽ được thầy giáo dạy các thủ thuật khi làm bài thi, cách giải quyết các bài toán một cách ngắn gọn nhất. Ước tính, ngành công nghiệp hagwon đem về cho Hàn Quốc 20 tỷ đô la mỗi năm. Đất nước này cũng trở thành quốc gia nằm trong top đầu về phát triển các kỹ năng đọc hiểu, toán học và khoa học.

Tuy nhiên, theo như bảng xếp hạng gần đây nhất từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển thì học sinh Hàn Quốc lại xếp bét về mức độ hạnh phúc ở trường học và tỷ lệ tự tử ở Hàn cũng rất cao, với nhiều nguyên nhân xoay quanh vấn đề điểm số và áp lực học tập.

Một số chính trị gia và các nhà giáo dục đã đặt dấu chấm hỏi cho sự thái quá này. Nhưng ngay chính những phụ huynh không đồng tình với việc bắt ép con em đi học thêm cũng phải đầu hàng vì những đứa trẻ sau đó sẽ phàn nàn rằng không đi học thêm thì không thể theo kịp được bài vở trên lớp.

Mới đây, Tổng thống Park Geun Hye đã đề xuất rằng để phát triển lên một tầm cao mới thì Hàn Quốc cần một “nền kinh tế sáng tạo”, và nhiều chuyên gia đã cho rằng nền giáo dục cũng cần được cải tổ theo chiều hướng sáng tạo.

Sự thống trị của các lò luyện thi hagwon có quá nhiều mặt tiêu cực, và nguyên nhân được cho là xuất phát từ kỳ thi đại học mà vốn dĩ nên đánh giá năng lực của học sinh không chỉ qua kết quả của một bài kiểm tra mà còn trên nhiều phương diện như các hoạt động ngoại khoá và bài luận giống như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Như ông Lee Ju Ho- cựu Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc đã nói: “Chúng ta thực sự cần phải thay đổi”.

Thuỳ Linh Hà ( Theo The Guardian )