Thầy giáo vùng biên dạy học trò bằng 5 thứ tiếng

(Dân trí) - 15 năm công tác ở vùng biên, thầy Hiệp gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số như Thanh, Khơ Mú, Thái nhưng nhiều nhất vẫn là học sinh người Mông ở xã Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An). Năm 2015, thầy Nguyễn Hồng Hiệp là 1 trong 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu được vinh danh toàn quốc.

Đường lên trường của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An (ảnh NVCC).
Đường lên trường của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An (ảnh NVCC).

Ngôi trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) nằm cheo leo, heo hút trên những bản làng lâu đời của người Mông. Cách trung tâm huyện chưa đến 50km nhưng đó là một trong những cung đường hiểm trở và vất vả nhất mà các thầy giáo ở đây phải vượt qua để đến được điểm trường của mình. Con đường cheo leo bám theo sườn núi, mùa khô bụi tung mù mịt, mùa mưa thực sự là “nỗi ám ảnh” dù là những tay lái “lụa” nhất. Bùn đỏ sục quánh, quết dính vào bánh xe, dù có ga hết cỡ có khi bánh cũng chỉ xát vào đường đến tóe khói mà xe không nhích được đoạn nào.

“Như thế này cũng là khá hơn trước nhiều lắm rồi. Cách đây hơn chục năm xe máy chưa vào được chúng tôi hầu như chỉ cuốc bộ vào trường. Đường đi lại cách trở nên mỗi năm chỉ về được 2 lần, vào dịp Tết và nghỉ Hè. Giờ thì đã có đường xe máy chạy vào đến tận trường dù cũng phải “mướt mồ hôi”, thầy Nguyễn Hồng Hiệp chia sẻ. Cũng bởi đường xá cách trở, sóng điện thoại chưa có mà năm 2003, người thân qua đời nhưng mãi 2 tháng sau, đúng dịp nghỉ Hè, về nhà thầy Hiệp mới biết tin.

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT trong lễ vinh danh giáo viên cắm bản.
Thầy Nguyễn Hồng Hiệp nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT trong lễ vinh danh giáo viên cắm bản.

Con đường vào trường quá gian khổ nên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có 100% là giáo viên nam. Để vào được tới trường, bên cạnh giáo án, quần áo, trong ba lô của các thầy luôn có sẵn xích sắt và bộ đồ sửa xe. “Nhiều khi có quấn xích vào bánh xe cũng không ăn thua nên 2-3 thầy phải cùng đẩy hoặc khiêng xe lên dốc. Không chỉ dạy học tốt mà các thầy giáo ở đây cũng thành thợ sửa xe chuyên nghiệp rồi. Nhưng có sửa giỏi đến đâu thì với địa hình này chỉ 3-4 năm là xe cũng không trụ nổi, phải thay”, thầy Hiệp nói.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp 37 tuổi, quê ở xã Quế Sơn, Quế Phong có 15 năm công tác trong nghề, hầu hết là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có hơn 10 năm ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Khu vực trường đứng chân 100% là đồng bào người Mông, nơi đây từng là thủ phủ của cây thuốc phiện, không đường ô tô, không sóng điện thoại, không internet... “Ở đây cái gì cũng thiếu, trừ khó khăn nhưng ở lâu, quen rồi lại chẳng thấy khó khăn nữa”, thầy Hiệp hài hước.

Thầy Hiệp giao lưu với các đồng nghiệp tại lễ vinh danh...
Thầy Hiệp giao lưu với các đồng nghiệp tại lễ vinh danh...

Sau khi ra trường, thầy Hiệp được phân công dạy ở xã Nậm Nhóong rồi lên xã vùng biên Tri Lễ 4. Năm 2005, thầy Hiệp được chuyển về công tác gần nhà tại xã Quế Sơn. Tuy nhiên sau đó, thầy đã xung phong được trở lại trường Tiểu học Tri Lễ 4. Từ đó đến nay đã gần 10 năm thầy gắn bó với bản nghèo người Mông bằng cái tâm của người thầy giáo và hơn hết đó chính là tình yêu với học trò.

Đi qua nhiều bản làng vùng biên, từng công tác tại các bản làng của người Thanh, người Thái, người Khơ-mú, rồi người Mông, nên thầy Hiệp có thể nói thông thạo được ngôn ngữ của đồng bào. Với thầy đây là thuận lợi, là con đường ngắn nhất để giúp các em học sinh tiếp nhận được kiến thức.

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, thầy Hiệp còn vận động các nhà hảo tâm mang áo ấm cho trẻ em nghèo nơi mình công tác.
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, thầy Hiệp còn vận động các nhà hảo tâm mang áo ấm cho trẻ em nghèo nơi mình công tác.

“Thực ra thì không phải là chỉ thầy dạy trò mà ngược lại trò cũng dạy thầy. Nhiều em vẫn chưa thông thạo tiếng phổ thông nên để các em có thể tiếp thu được nội dung bài học chúng tôi phải “chuyển thể” sang tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Thanh hay tiếng Khơ-mú. Chính sự ngây thơ, trong sáng, ham học hỏi của các em tiếp thêm sức mạnh để những giáo viên cắm bản như chúng tôi vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong công tác”, thầy Hiệp chia sẻ.

Thương học trò khó khăn, thiếu thốn, thầy Hiệp cùng các đồng nghiệp vận động các tấm lòng hảo tâm quyên góp quần áo ấm, sách vở, bút giấy. Những ngày mùa đông rét buốt, học trò người Mông ở đây ấm lòng hơn nhờ tình cảm và sự chân tình của những người thầy.

Tâm sự về nghề, đôi lúc thầy giáo trẻ cũng không tránh khỏi những tâm tư. Công tác tại vùng cao, tuần hoặc vài tuần mới có thể về thăm nhà được một lần nên hầu hết từ công việc gia đình nội ngoại hai bên, việc nuôi dạy con cái vợ thầy đều phải gánh vác giúp chồng. “Năm nay thằng lớn vào lớp 1, mình đi dạy quanh năm nhưng lại chẳng dạy con được buổi nào”.

Thầy giáo trẻ luôn trăn trở về sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, vùng biên giới.
Thầy giáo trẻ luôn trăn trở về sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, vùng biên giới.

Với nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác, nhiều năm liền thầy Nguyễn Hồng Hiệp đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2015 thầy Hiệp đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là một trong những giáo viên tiêu biểu được huyện Quế Phong đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen.

Tháng 11/2005, thầy Hiệp vinh dự là 1 trong 2 giáo viên của tỉnh Nghệ An trong tổng số 64 giáo viên cắm bản tiêu biểu của cả nước được Bộ GD-ĐT vinh danh. Nói về niềm vui này, thầy Hiệp tâm sự: “Đó là niềm vinh dự, tự hào cũng là trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục giao phó cho chúng tôi”.

Hoàng Lam