Thầy giỏi tiết lộ cách làm bài thi Hóa, Địa 2008

Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như thi vào ĐH, CĐ đang gần kề. PGS.TS Trần Thành Huế, chuyên gia Hóa học của Trường ĐHSP HN và thầy Vũ Quốc Lịch, giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam có một vài lời khuyên đối với môn Hóa học và Địa lý.

Làm bài trắc nghiệm không bỏ sót câu hỏi (PGS.TS Trần Thành Huế, Khoa Hóa học, Trường ĐH Sư phạm HN, nhiều năm liền tham gia luyện đội tuyển thi Olympic Hóa học quốc tế)

 

Theo kinh nghiệm dạy và học, tôi có một vài gợi ý cho các em học sinh (HS) trước thềm mùa thi năm 2008 đối với bộ môn Hóa học. Đó là, các em hãy học theo SGK, nếu được, hãy học thuộc SGK.

 

Có nhiều căn cứ khác nhau để phân loại đề thi nhưng có thể khái quát là: Tự luận và Trắc nghiệm. Tôi cũng xin nói ngay, dùng từ trắc nghiệm là không đúng, vì trắc nghiệm được luận ra từ test của tiếng Anh, khái niệm này rất rộng. Ở đây là hình thức đề thi Câu hỏi nhiều lựa chọn, tiếng Anh là Multiply Choice Questions, viết tắt là MCQ. Theo tôi, cần sửa cái sai này để ta hội nhập thế giới tốt hơn.

 

Môn Hóa học đã được thi theo MCQ từ các năm trước. Hình thức đề thi nào cũng có mặt mạnh, mặt yếu nhưng xét tổng thể trong kì thi tú tài này, hình thức MCQ cho môn Hóa học nhiều ưu điểm hơn Tự luận. Do thi theo MCQ nên thí sinh càng phải nắm vững kiến thức cơ bản, tức là... học thuộc SGK.

 

Bất cứ thi theo hình thức nào, khi làm bài thí sinh cũng phải: a) Nắm vững đề bài, hiểu đề bài; b) Phân tích (nhanh chóng) đề bài, tìm ra câu trả lời. c) Khi làm bài: dễ trước, khó sau (khi làm bài theo MCQ, các em HS đừng dại bỏ sót câu hỏi; nếu còn thời gian, nên kiểm tra lại bài làm của mình để tránh sai sót đáng tiếc.

 

Khi thi theo MCQ thí sinh thường mắc các lỗi chủ yếu sau: a) Bỏ sót câu trả lời; b) Có từ 2 câu trả lời trở lên cho một câu hỏi (cần nhớ chỉ được 1 câu trả lời thôi); c) Không đủ độ đậm của nét bút đánh dấu câu trả lời; d) Không kiểm tra lại được bài đã làm;

 

Các em HS phải rèn luyện để khoẻ cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, ý chí và nghị lực mới vượt qua được thử thách của cuộc sống, trong đó có các kì thi.

 

Học sinh phải chú ý đến phương pháp làm bài (thầy Vũ Quốc Lịch, môn Địa lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam)

 

Trước đây, thi Địa lý, điểm 10 không có, điểm 8, 9 rất ít, chủ yếu là điểm trung bình. Cách đột phá để HS thay đổi được số điểm của mình là cần quan tâm đến cách làm bài.

 

 

Mặc dù giáo viên giảng đi cua lại kiến thức đến 3-4 lần, HS thuộc bài làm nhưng vẫn không được điểm cao. Do đó, giáo viên cũng cần phải chú ý đến phương pháp làm bài cho HS.

 

Điểm yếu của HS: chăm học và khá thuộc bài nhưng làm bài lại viết tràn lan. Đề ra không chú ý đọc đề, phân loại đề.

 

+ Phần lý thuyết: trình bày, diễn giải (ví dụ: Nhà nước Việt Nam, tình hình sản xuất lúa của đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long...); phân tích, chứng minh (ĐBSCL là vùng trọng điểm lúa quan trọng nhất của nước ta); so sánh (điều kiện sản xuất lúa ở 2 đồng bằng lớn của nước ta); giải thích (ĐBSCL là vùng trọng điểm lúa). Mỗi một lệnh đề, HS cần có cách huy động kiến thức khác nhau. Không viết tràn lan.

 

Vào phòng thi, HS phải phân loại và định hướng huy động kiến thức để không lạc đề. Điểm thi không cân đo bằng độ dài của bài.

 

+ Thực hành: vẽ lược đồ và điền đối tượng; vẽ biểu đồ; phân tích bảng số liệu... câu này thường được từ 3-3,5 điểm.

 

HS dễ bị sa ngã vào phần vẽ (đến 30 phút) mà phần đó lại chiếm rất ít điểm (khoảng 0,5 điểm), ngoài ra HS phải phân tích. Do đó, HS phải rèn luyện kỹ năng vẽ: chính xác, thẩm mỹ và nhanh.

 

Sau khi phân loại đề phải phác thảo đề cương câu hỏi. HS hay nghĩ làm đề cương mất thời gian nên thường bị lạc đề, thiếu ý.

 

Cụ thể, cách làm bài là: tách ý trong câu hỏi thành những ý nhỏ, rõ ý, giúp thuận lợi cho người chấm, dễ được điểm cao. Tránh viết lan man, không ngắt câu, ngắt ý, người chấm phải lọc ý, có khi tìm không sát hết ý của thí sinh nên thí sinh dễ bị mất điểm. Do đó, HS cần phải làm rõ ý của mình và thể hiện bằng 1, 2, 3 hoặc a, b, c,... hoặc gạch đầu dòng.

 

Phân bố thời gian làm bài: căn cứ vào điểm của câu hỏi, nếu không HS tự cảm nhận và có ý thức dàn đều câu hỏi, không nghiêng về một câu nào.

 

Cách học: học lại và nắm chắc kiến thức cơ bản. Tập hợp thành các vấn đề: nếu đưa ra vấn đề này cần trình bày cái gì và lập ra các chủ đề.

 

Ví dụ: Việt Nam hội nhập - vấn đề nông nghiệp - công nghiệp cần trình bày: điều kiện, tình hình, phương hướng...

 

Yêu cầu trình bày rõ ý, cách diễn đạt, cách sắp xếp ý trình bày.

 

Lỗi thường gặp: lỗi lạc đề, viết rất dài nhưng không được điểm do trình bày không đúng ý. Viết ngắn, sơ sài, đủ ý lại được điểm cao. Phân loại đề ra mới biết cách huy động kiến thức: phân tích khác chứng minh khác giải thích.

 

Về thực hành, HS thường vấp phải kỹ năng vẽ. Mỗi một cách vẽ có những quy định khác nhau. Ví dụ: Biểu đồ tròn phải bắt đầu từ số 12, lưu ý viết tỷ lệ % vào trong ô, điểm này HS hay quên; biểu đồ cột, cột đầu tiên cách trục tung 0,5cm; đồ thị, điểm đầu tiên bắt đầu từ trục tung. Biểu đổ phải làm đủ thủ tục các bước làm và làm nhanh. Các ký hiệu phân biệt, giải thích, tên...

 

Bảo Anh (ghi)

Theo Vietnamnet

Dòng sự kiện: Bí quyết làm bài thi