Thầy hiệu trưởng hai lần được gặp Bác Hồ

(Dân trí) -Từng cắt tay lấy máu viết đơn xin đi bộ đội, băng mình trong bom đạn chiến tranh, một mình chiến đấu tới cùng với cả một đại đội địch, vậy mà, người cựu chiến binh gan dạ hiện là hiệu trưởng trường THPT lại không giấu được xúc động mỗi lần nhắc đến Bác Hồ.

Đó là ông Nguyễn Quang Long, hiện là hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Ông Long chia sẻ rằng ông sống có chí hướng, có lý tưởng hơn sau mỗi lần gặp Bác. Người cựu chiến binh ấy, nay tóc đã điểm sương, vẫn luôn canh cánh nhớ Người trong tình cảm thiêng liêng.

Thầy hiệu trưởng hai lần được gặp Bác Hồ
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Long và học trò ở Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng).

Ông Long bồi hồi nhớ lại: “Quãng chừng năm 7 tuổi, tôi theo gia đình tập kết ra Bắc. Ở Hà Nội, cơ quan bố tôi công tác làm việc nhờ ngay trong Phủ Chủ tịch. Mấy bận đi đưa cơm cho bố, tôi vẫn thấy thấp thoáng dáng Người. Có hôm tôi ngẩn người nhìn Bác ra tận nơi nói người gác cổng mở cửa cho những người đang chờ vào khuôn viên Phủ Chủ tịch… Nhưng đó là tôi mới thấy dáng Người thôi, còn vinh dự lần đầu tiên được gặp Bác Hồ phải đến năm tôi lên 9, năm 1962.

Tôi được chọn vào đoàn thiếu nhi được bầu là cháu ngoan Bác Hồ vào thăm Phủ Chủ tịch. Với cậu học trò nghịch ngợm có tiếng, chưa được kết nạp vào Đội như tôi, được gặp Bác Hồ, được Bác Hồ đeo cho khăn quàng đỏ, thật là cứ ngỡ trong mơ. Tôi đâu có nghĩ cái lần tôi lao mình xuống hồ Hữu Tiệp trong làng Ngọc Hà cứu ba bạn nghịch nước bị đuối, đã đem lại cho tôi phần thưởng lớn lao như vậy.

Kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ đẹp như trong mơ ấy, chúng tôi ào vào lòng Người. Bác khen “các cháu thanh thiếu niên nhi đồng Việt Nam dũng cảm”. Bác dặn “các cháu phải cố gắng học tập thật tốt, trở thành người hữu dụng, xây dựng đất nước sau này…”.

Sau lần ấy, cậu học trò Nguyễn Quang Long 9 tuổi, nghịch ngợm có tiếng, chưa vào Đội, quyết tâm nghiêm chỉnh không nghịch phá 10 ngày đúng điều kiện của cô giáo ở trường để được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Lần thứ nhất vinh dự được gặp Bác Hồ là “món quà trong mơ”, lần thứ hai được gặp Người là một vinh hạnh bất ngờ. Ông Long vẫn còn nhớ như in: “Đó là năm 1965, năm đầu tiên Đội phát động phong trào “Kế hoạch nhỏ”, đúng ngày sinh nhật Đội, tôi được chọn cùng các bạn vào Phủ Chủ tịch xem triển lãm thành tích Đội.

Đang xem thì có một người đi vào, dáng đi rất nhanh và dứt khoát. Tất cả chúng tôi sững người lại rồi hạnh phúc náo nức vỡ òa trong tiếng reo “Bác Hồ!”. Chúng tôi nghe Bác dặn dò: "Bác biết Đội vừa có phát động phong trào Kế hoạch nhỏ, Bác mong các cháu tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, để góp phần trong công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc…”.

Những lời dặn dò ấy, chúng tôi vẫn thường nghe, nhưng những lời dặn dò ấy được nghe từ Bác Hồ lại thấy thiêng liêng vô cùng vì chính sự uy nghiêm mà giản dị, gần gũi, đầy yêu thương của Người. Bấy giờ tôi đã 12 tuổi, đã bắt đầu có ý chí phấn đấu thực sự để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ dành cho Đội”.

Lần thứ ba, ông Long gặp Bác là ngày Bác đã ra đi mãi mãi. Ông Long ở trong đoàn đại diện thanh niên thủ đô viếng Bác, nhìn Bác lần cuối. Đêm 2/9/1969, cả Hà Nội  lặng đi khi nghe đài báo tin Bác ốm nặng lắm rồi. Bồi hồi kể lại, ông Long chặn những dòng xúc cảm rưng rưng lăn dài theo ký ức, nghẹn nói: “Người ở Hà Nội nhạy cảm lắm. Trong tình hình lúc đó một khi đã có thông báo như vậy nghĩa là Bác đã nguy kịch lắm rồi. Bác mất. Rõng rã 7 ngày Hà Nội mưa tầm tã, dòng người nối bước nhau đi viếng Bác từ phố Bạch Mai, qua phố Huế, vòng một vòng qua bờ hồ Hoàn Kiếm, bến xe điện đến Quán Thánh, đến đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Diệu… lầm lũi trong mưa. Tôi đến bên Người, nhìn Người lần cuối…”. Lần này, tiếng của Người không rộn ràng trong lòng cậu học trò 9 tuổi. Lần này, tiếng của Người không trầm vang khích lệ ý chí phấn đấu trong lòng người đội viên Nguyễn Quang Long, 12 tuổi. Lần này, Người nằm đó lặng im trong triệu triệu lòng nuối tiếc.

Ông Long cho biết ông được nghe kể lại rằng trong những giờ phút cuối cùng trên giường bệnh, khi trở mình Bác lại hỏi thăm việc đắp đê điều ngăn lũ ngập tràn vào thủ đô. Đến hơi thở cuối cùng, Bác vẫn lo cho dân cho nước. Ai cũng biết, mong ước của Người là độc lập, tự do, hạnh phúc cho nước, cho dân. Trái tim thanh niên thủ đô Nguyễn Quang Long 17 tuổi sục sôi nhiệt huyết ý chí thực hiện di nguyện của Người.

Năm 1971, ông cắt tay lấy máu viết đơn xin tình nguyện vào chiến trường miền Nam, trở thành lính đặc công của một đơn vị thuộc Sư Đoàn 312. Hai lần ông được trao danh hiệu Dũng sĩ, một lần trong trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị và một lần sau một trận ở động ông Do.

Năm 1974, ông Long bị thương nặng trong lúc chiến đấu. Rời quân ngũ, ông đăng ký học ngành Sư phạm. Ông kể: “Có người quen cũ thấy tôi làm trong ngành giáo dục đã dụi mắt không tin. Họ không tin tôi, cái đứa nghịch ngợm, cái người cá biệt có tiếng trong giới thanh niên Hà Nội ngày ấy, bây giờ làm thầy giáo. Là Bác đó, Bác đã khiến tôi trở nên người sống có ý chí phấn đấu, có lý tưởng, trở nên người điềm tĩnh hơn”.

Thầy hiệu trưởng hai lần được gặp Bác Hồ
Ông Long vẫn luôn nhớ Bác Hồ trong tình cảm thiêng liêng.

40 tuổi Đảng, bao nhiêu chiến tích, thành tích, trong số 27 Kỷ niệm chương, Huân chương, Huy chương, ông Long quý nhất tấm Huy hiệu khắc hình của Bác. Người đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời ông. Người cựu chiến binh, người thầy đã qua bao trận chiến, bao tháng năm từng trải, trầm giọng trong nỗi nhớ Bác: “Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn”.

Một cách học tập, noi gương Bác đó là khi đất nước hòa bình, trở thành thầy giáo, làm Hiệu trưởng, ông Long tâm niệm đã là người thầy thì phải nghiêm, nhưng cũng phải gần gũi học trò. Người thầy phải đặt mình trong vị trí của học trò để hiểu và dạy học trò, kịp thời có những động viên, khích lệ những học trò tiến bộ.

Được biết, trong các nguồn khuyến học của nhà trường nơi ông Long đang làm Hiệu trưởng vận động được, ngoài phần cấp học bổng thưởng học sinh giỏi, giúp học sinh khó, còn có một phần dành cho những học sinh có tiến bộ. Từ học sinh có học lực yếu kém vươn lên đạt học lực trung bình là tiến bộ; từ hạnh kiểm trung bình lên hạnh kiểm khá là tiến bộ. Đó là cách nghĩ và làm trong công tác giáo dục của ông Nguyễn Quang Long. Ông lý giải thật giản dị: “Tôi làm đúng tinh thần khuyến học. Bởi khuyến học là gì nếu không phải là bằng tinh thần hay vật chất động viên người học trong quá trình học tập”.

Khánh Hiền