Thầy trẻ chơi "dế"

Cả lớp Hoàng đến giờ đã rành tiếng dế kêu của từng thầy cô. Thói quen buôn di động của từng người, ai hay buôn nhiều, buôn ít, rồi buôn với ai trong các giờ làm bài kiểm tra, lũ học trò đều biết tuốt.

"Dế" kêu: Trò nghỉ

 

Hoàng, cháu tôi, đang học lớp 6, một buổi đi học về hỉ hả kể cho cả nhà nghe về bí mật của thầy giáo chủ nhiệm mà cả lớp mới phát hiện. Giữa giờ giảng bài, điện thoại réo vang, thầy ra ngay cửa sổ đứng say sưa buôn dưa lê với một người mà thầy âu yếm gọi "cưng à".

 

Cô Văn (giáo viên dạy Văn) để nhạc cổ điển, to dần, to dần, giống một điệu xoay xoay trong phim. Thầy Toán thì thay đổi thường xuyên, mà toàn tải nhạc trẻ. Riêng nhạc chuông thầy Lý thì réo rắt, hoành tráng như xung trận. Nhưng đa số bọn con trai trong lớp đều khoái tiếng "dế" của thầy Thể dục vì  đó là điệu hip-hop "sôi động mà quyến rũ kinh khủng". Giống như thầy đang nhảy vậy".

 

Hải Huyền, học lớp 8 hồn nhiên kể: "Có hôm cả lớp đang tập trung nghe cô Văn giảng bài, tự nhiên tiếng nhạc chuông kêu váng lên làm cô luống cuống, loay hoay mãi mới tìm được để tắt". Dù chỉ mất không đầy một phút nhưng cả lớp bỗng như vừa được xả hơi, quên mất đoạn cô giảng, cứ ngãng ra không  tập trung được nữa. Và tất nhiên sau khi tắt được điện thoại thì cô giáo phải lúng túng mất 5 phút mới lấy lại mạch ban đầu.

 

Linh, cô giáo trẻ dạy ở một trường dân lập tại Hà Nội cũng kể: "Hắn của mình thật vô tổ chức, nhớ lúc nào là gọi lúc ấy, làm nhiều bữa đang giảng bài cứ phải chạy ra ngoài nghe nhắn nhủ vài lời".

 

Và để "ứng phó" với anh chàng người yêu thích sát sao giờ của bạn gái, hễ cứ hôm nào cho hcọ sinh (HS) làm bài kiểm tra là Linh lại phải ngồi tí tách nhắn tin "chat" với anh bạn dăm câu, ba điều. Lũ học trò thì tha hồ thích chí vì được cô giáo thả phanh.

 

Hỏi vì sao không tắt di động trong giờ giảng, cô phân bua: "Mình dạy ngày hai ca, tối về mệt đi ngủ. Sắm con di động để liên lạc với  bạn bè mà tắt đi thì sắm làm gì nữa".

 

Nuôi "dế": Nợ học phí

 

Dĩ nhiên không ai quá khắt khe với chuyện thầy cô giáo trẻ dùng di động, ngoại trừ việc nên coi trọng môi trường mô phạm tắt chuông hoặc để rung mỗi khi vào lớp. Nhưng, lại có những người, vì ham chạy theo "thời trang dế" cho bằng bạn bằng bè mà đến nỗi "nợ" tiền học phí của HS.

 

K, giáo viên Vật lý ở một trường trung học huyện Yên Thành (Nghệ An) mới ra tết đã đổi ngay chiếc Nokia nồi đồng cối đá để đem về một "con Sony" mới cáu mà theo lời cậu thì "năm nay, khoản dạy thêm 2 học kỳ coi như đã là của người khác". Vì khoản chưa truy lĩnh ấy đã được đem ra thế chấp cho quả điện thoại đời mới. Thì ra, K đã phải chạy vạy vay đủ  5 triệu bù thêm vào chiếc Nokia để đem về con Sony sành điệu. Mà tiền dạy thêm của cậu ở trường, cho dù cứ cần mẫn tuần 2 buổi đều đặn suốt cả năm học, liệu có được nổi 5 triệu một tháng?

 

Lan, giáo viên dạy Sinh ở một trường THCS tâm sự: "Lương của mình chỉ vừa đủ mua sữa cho con. Cuộc sống chủ yếu dựa vào lương chồng, tiền dạy thêm và những khoản phụ thu khác của hai vợ chồng. Nhưng mấy tháng nay anh ấy nuôi di động "ác" quá, chủ yếu là buôn với bạn bè, thế mà có tháng mất đứt 1 triệu. Nhà có máy bàn, nhưng anh ấy lý luận, dùng di động quen rồi, gọi bàn, bạn bè nó khinh cho".

 

Chưa hết, có giáo viên còn... vay ngân hàng để đầu tư cho "quả" di động sành điệu. Hải, dạy môn Sinh học ở trường tôi, mới ra trường được gần một năm, nghe nói ngân hàng tạo điều kiện cho giáo viên vay vốn nên cậu đã làm ngay khế ước vay 6 triệu gom góp mua hẳn...một chiếc di động trị giá gần 9 triệu "để bạn bè đi uống bia, tiện rủ nhau cho nhanh".

 

Đã mang nợ với con dế rồi thì chuyện "mượn tạm" tiền học phí của HS ắt xảy ra. Hầu hết các trường phổ thông thường có 2 kiểu thu các khoản tiền: HS hoặc tự nộp tiền (các khoản học phí, xây dựng trường, bảo hiểm...) cho tổ hành chính vào các giờ ra chơi hoặc nộp lại cho thầy cô chủ nhiệm. Thường, GV sau khi thu xong tiền đều nộp ngay lại cho kế toán, vừa nhanh gọn tránh mất mát vừa vì thi đua lớp và tạo niềm tin cho HS.

 

Nhưng, khi thầy cô giáo trẻ "vung tay quá trán" với thu nhập của mình, đặc biệt các thầy giáo đang nuôi "dế" thì tiền của trò cứ "mắc kẹt" ở con dế mãi.

 

Tổng các khoản tiền của một lớp học thu được trong suốt học kỳ, hoặc thậm chí trong tháng thôi cũng có thể lên đến hàng chục triệu đồng, một con số không hề nhỏ. Tổng kết học kỳ, nhà trường mới thống kê sổ sách để thông báo tình hình đóng góp đến các lớp thì các thầy mới tất tả đi góp nhóp, thậm chí vay ngân hàng để trả cho sạch nợ.

 

Dĩ nhiên, đã nộp muộn rồi thì danh hiệu thi đua của thầy lẫn của trò đều bị cắt hoặc hạ bậc. Từng có một thời gian ngắn phụ trách thi đua trong đoàn trường, tôi không biết phải giải thích thế nào khi các em bí thư lớp chạy đến thắc mắc "Sao lớp em chăm chỉ đóng tiền đúng thời hạn mà  lại vẫn bị hạ thi đua vì nộp tiền học phí không đúng thời hạn hả cô?".

 

Theo Vietnamnet