Thêm cơ hội với chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách

(Dân trí) - Với số điểm khá cao nhưng vẫn rớt NV1, vào hệ ngoài ngân sách của các trường đại học là một cơ hội quý báu với hàng ngàn thí sinh.

Thêm cơ hội với chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách  - 1

(Ảnh minh họa)
 
Mùa tuyển sinh năm nay, một số trường tung ra chỉ tiêu xét tuyển thí sinh hệ ngoài ngân sách. Nhất cử lưỡng tiện. Trường vừa có thu nhập, vừa tuyển được đầu vào có chất lượng, lại không tốn công sức cho việc xét tuyển NV2, NV3. Sinh viên hệ này dù đóng học phí có khi cao gấp 3-4 lần so với sinh viên hệ ngân sách nhưng lại được hưởng giống chương trình đào tạo, các chế độ ưu tiên và văn bằng tốt nghiệp. 
Bỏ cuộc chơi hệ ngoài ngân sách

 

Năm 2009, với số điểm thi không được cao như những năm trước nên có trường bỏ hệ ngoài ngân sách như ĐH Kinh tế TPHCM. Trường chỉ xét tuyển hệ ngoài ngân sách vào năm 2007 rồi…thôi không tuyển vào năm 2008, 2009. Lí giải về điều này, ông Nguyễn Văn Đương, phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: “Điểm thi của thí sinh mấy năm nay cũng ở mức vừa phải nên trường không tuyển thêm. Thường khi có quá nhiều thí sinh đạt từ điểm 20 trở lên thì trường mới tính chuyện tuyển sinh ngoài ngân sách. Với lại, chỉ tiêu của trường cũng khá nhiều rồi”. 

 

Một trường đại học khác cũng có thể coi đã đứng ngoài cuộc chơi hệ ngoài ngân sách, đó là ĐH Y dược Cần Thơ. Mấy năm nay, trường tuyển sinh viên hệ ngoài ngân sách dưới hình thức đào tạo theo hợp đồng của Bộ Y tế. Chỉ tiêu được giao về cho các tỉnh, thành. Việc tuyển chọn như thế nào là tùy thuộc vào mỗi địa phương. Sau khi tuyển chọn, địa phương sẽ gửi hồ sơ cho trường. Chính vì thế, việc tuyển sinh hệ ngoài ngân sách này không được thông báo rộng rãi.

 

TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết chỉ cần thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên là có thể được xét tuyển vào hệ ngoài ngân sách. Năm 2009, tổng chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách của trường là 300 sinh viên. Học phí của sinh viên hệ này cao hơn nhiều so với sinh viên khác trong trường nhưng vì đào tạo theo hợp đồng cho tỉnh nên tỉnh sẽ trả kinh phí cho sinh viên. Sau khi ra trường, sinh viên sẽ trở về tỉnh làm việc. Ngày 25/8/2009 là hạn chót trường nhận hồ sơ xét tuyển hệ ngoài ngân sách. 

 

Mức điểm xét tuyển không cao

 

Những trường tham gia xét tuyển hệ ngoài ngân sách đều là những gương mặt quen thuộc của năm 2008. Tuy nhiên, mức điểm xét tuyển cho hệ này đều không cao như năm ngoái, hầu hết đều xấp xỉ ở con số 20 đến 23 điểm. 

 

Trường ĐH Kinh tế quốc dân xét tuyển ngoài ngân sách cho cả hai khối A và D, mức điểm từ 20 điểm trở lên. Trong khi đó, năm 2008, mức xét tuyển khối A là 20,5, khối D là 26,5 điểm. 

 

Với việc không tuyển  nguyện vọng 2 và 3, Học viện Tài chính lấy điểm trúng tuyển cho thí sinh hệ ngoài ngân sách ở khối A là 21 điểm. Đây là mức điểm dành cho HSPT, KV3. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng liền kề là 1 điểm, giữa 2 khu vực liền kề là 0,5 điểm.

 

Học viện Ngân hàng rất nhanh chóng khi thông báo ngay danh sách trúng tuyển đại học hệ ngoài ngân sách cho thí sinh. Năm nay, trường xét tuyển vào ngành Kế toán - Kiểm toán và Quản trị kinh doanh căn cứ vào nguyện vọng đăng kí. Nếu số lượng đăng ký vượt quá chỉ tiêu của một ngành, thí sinh sẽ được Học viện Ngân hàng bố trí vào ngành học còn lại. Mức học phí áp dụng thống nhất cho sinh viên đại học hệ ngoài ngân sách là 800.000 đồng/ tháng. 

 

Một trường đại học khác ở phía Nam cũng thường xuyên tuyển sinh hệ  ngoài ngân sách là  ĐH Kiến trúc  TPHCM. Năm nay, trường tuyển những thí sinh thi khối V có điểm thi từ 18,50 điểm trở lên (HSPT, KV3) để học ngành Kiến trúc công trình (101); tuyển những thí sinh thi khối H có điểm thi từ 19,00 điểm trở lên (HSPT, KV3) để học ngành Mỹ thuật công nghiệp (801) hoặc ngành Trang trí Nội - Ngoại thất (802). Những thí sinh thuộc diện nêu trên có thể tải mẫu đơn từ trang web của trường, điền đầy đủ thông tin và gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Phòng quản lý đào tạo, ĐH Kiến trúc TPHCM. 196 Pasteur, P.6 Q.3 TPHCM. Hạn chót nhận đơn là vào ngày 30/8/2009. 

 

Sinh viên hệ ngoài ngân sách của trường ĐH Ngoại thương đóng học phí ở mức từ 9-10 triệu đồng/năm (tùy theo số tín chỉ sinh viên đăng kí). Mức điểm xét tuyển vào hệ ngoài ngân sách của trường năm nay cũng thấp hơn năm ngoái. Mức sàn xét tuyển cơ sở 1 Hà Nội vào năm 2008 khối A là 23 điểm. Năm 2009, mức điểm xét tuyển là từ 22,5 với khối A và từ 21,0 điểm đối với các khối D1,2,3,4,6. Cơ sở 2 của trường tại TPHCM lấy điểm từ 22,0 điểm đối với khối A và từ 20,0 điểm đối với các khối D1,6(điểm ngoại ngữ không nhân hệ số). Cơ sở 2 xét tuyển hệ ngoài ngân sách với 2 chuyên ngành là Quản trị  Kinh doanh quốc tế (110 chỉ tiêu); chuyên ngành Tài chính quốc tế (35 chỉ tiêu). 

 

Hiếu Hiền