Thi đại học 2014: Tiền đề tiến tới một kỳ thi quốc gia

(Dân trí) - Tại buổi họp báo kết thúc thi đại học 2014, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, từ những kết quả bước đầu đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án một kỳ thi quốc gia.

Thí sinh tại hội đồng thi Đại học Y Hà Nội sau buổi thi môn Hóa. (Ảnh: Mai Châm)
Thí sinh thi đại học đợt 2 năm 2014. Hiện chưa có phương án cụ thể về kế hoạch tuyển sinh 2015.

Kỳ thi quốc gia nhằm 2 mục đích (xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) và sẽ đưa ra tham khảo dư luận trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trước ý kiến của báo chí cho rằng Bộ xây dựng đề án như vậy sẽ mâu thuẫn với đề án tuyển sinh riêng của các trường. Bởi Bộ yêu cầu các trường trong tháng 9 phải nộp lên Bộ đề án tuyển sinh riêng, trong khi đó Bộ chưa công bố đề án đổi mới tuyển sinh với một kỳ thi quốc gia?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc thực hiện một kỳ thi quốc gia với xây dựng đề án tuyển sinh riêng của từng trường sẽ không có gì mâu thuẫn. Kỳ thi Quốc gia là kỳ thi phổ thông được đổi mới. Đề thi có phần dễ, trung bình, khó và rất khó để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.

Mỗi đề án tuyển sinh riêng của các trường đều công bố ngưỡng chất lượng đầu vào, sau đó kèm theo kiểm tra về năng lực và chọn lựa từ trên xuống. Ví dụ, với trường ĐH, điểm trung bình là 6,0 trở lên; CĐ là 5,5 trở lên, các trường không thể lấy thấp hơn mức đó. Bộ GD-ĐT cũng đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra việc tuyển sinh riêng của các trường dựa trên Đề án đã công bố. Việc kiểm soát sẽ rất chặt chẽ.

Bộ mới đề nghị trong tháng 9 các trường gửi đề án tuyển sinh riêng về Bộ. Nếu trường nói chỉ dựa vào kỳ thi quốc gia, không cần gì khác cũng được, hoặc bổ sung thêm sơ tuyển, phỏng vấn, làm bài luận, thi thêm một vài môn… để tuyển sinh. Vì vậy, việc thực hiện một kỳ thi quốc gia với xây dựng đề án riêng không có gì mâu thuẫn cả.

Trong 62 đề án tuyển sinh riêng, không đề án thực hiện tuyển sinh 2 lần trong năm. Các trường tuyển sinh nhiều đợt nhưng đều kết thúc theo lịch “3 chung”. “Tuy nhiên, nếu trường có nhu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ sắp xếp để đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra trật tự, không rối, phức tạp.

Việc tự chủ tuyển sinh như vậy liệu có giúp trường ngoài công lập thoát khỏi khó khăn tuyển sinh hiện nay?

Thứ trưởng Ga cho rằng, việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như uy tín của trường, vị trí địa lý..., không phải thay đổi tuyển sinh là các trường khó khăn lập tức lấp đầy chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu quan tâm nâng cao chất lượng, các trường sẽ có thể cải thiện, tuyển được đủ thí sinh.

Trước câu hỏi, Bộ bình luận gì về ý kiếnviệc đổi mới thi cử thời gian qua của Bộ mang tính nhỏ giọt?

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho rằng: Việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi chung đã tiến hành từ vài năm nay, trên cơ sở đổi mới ra đề thi, kiểm tra đánh giá, với lộ trình đã rõ nét, chứ không phải bây giờ mới bắt đầu. Chúng tôi khẳng định tổ chức kỳ thi chung vẫn có độ tin cậy để sử dụng trong tuyển sinh, nhưng vẫn nhắc lại kỳ thi chung này không tước đi quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

Trả lời câu hỏi của báo chí là bao giờ Bộ GD-ĐT công bố phương án kỳ thi chung?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án tuyển sinh chung theo chỉ đạo của Chính phủ là trong quý III/2014 phải hoàn thành. Theo lộ trình là sẽ công bố dự thảo, sau đó lấy ý kiến công luận, khi nào nhận được nhiều sự đồng tình thì báo cáo Chính phủ quyết định. Trong quá trình xây dựng Bộ luôn hoan nghênh ý kiến đóng góp cho đề án.

Cho tới thời điểm này chưa thể nói chính xác ngày nào công bố dự thảo nhưng tôi khẳng định mọi việc vẫn đang tiến hành theo lộ trình. Hiện Bộ đang tích cực và chủ động tổ chức cho kỳ thi chung dựa trên những nền tảng cơ bản đã được chuẩn bị từ những năm trước đây trong dạy học, kiểm tra, đánh giá…theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. 

Hồng Hạnh (ghi)