Thi đại học, những vấn đề được học sinh quan tâm nhất

20% thí sinh chưa rõ về cách xét tuyển CĐ sau khi rớt ĐH; 15% còn mơ hồ về cách xét tuyển nguyện vọng 2, 3... Điều này cho thấy quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cần phải được đơn giản hơn nữa

Tại TPHCM, Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” lần lượt tổ chức ở các trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q. Tân Bình), Mạc Đĩnh Chi (Q.6) và Võ Thị Sáu (Q. Bình Thạnh). Ở mỗi trường tổ chức, ngoài số học sinh của trường còn có sự tham gia của học sinh các trường lân cận. Bởi vậy đối tượng HS được khảo sát có thể nói là đại diện đầy đủ cho khu vực nội thành TPHCM. Dưới đây là một số kết quả:

 

Trường nào được thí sinh quan tâm nhất?

 

Cao nhất là ĐH Kinh tế TPHCM với 25% số phiếu đề cập đến. Kế tiếp là ĐH Bách khoa TPHCM: 10%. Các trường ĐH Sư phạm TPHCM, Kiến trúc TPHCM, Học viện Quan hệ Quốc tế, Khoa Kinh tế của ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, Trung tâm Đào tạo Cán bộ y tế TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải có từ 5% đến dưới 10% thí sinh quan tâm cho mỗi trường. Các trường ĐH không được nêu tên: Mức độ quan tâm của thí sinh từ 0% đến dưới 4%.  

 

Nhận xét: ĐH Kinh tế TPHCM được thí sinh quan tâm nhiều nhất. Điều này phản ánh đúng tình hình đăng ký dự thi vào trường này cũng đang dẫn đầu hiện nay. Thí sinh còn ít quan tâm đến các trường ĐH dân lập.  

 

Ngành học nào được HS tìm hiểu nhiều nhất?

 

Đó là các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế: ngoại thương, quản trị kinh doanh, luật kinh doanh (ĐH Kinh tế), kế toán- kiểm toán, luật kinh doanh (Khoa Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM). Sau đó là các ngành kỹ thuật như công nghệ hóa- thực phẩm, khai thác dầu khí, công nghệ vật liệu (ĐH Bách khoa TPHCM); ngư y (ĐH Nông Lâm TPHCM), điều khiển tàu biển (ĐH Giao thông Vận tải). Ngành quan hệ quốc tế của Học viện Quan hệ Quốc tế cũng được nhiều thí sinh tìm hiểu.

 

Nhận xét: Thí sinh tìm hiểu nhiều các ngành về kinh tế - kế đó là kỹ thuật cho thấy sự lựa chọn của thí sinh phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.

 

Có bao nhiêu thí sinh quan tâm đến hệ CĐ?

 

Chỉ có 10% thí sinh quan tâm đến hệ này. Trường được quan tâm nhất là CĐ Kinh tế Đối ngoại.

 

Nhận xét: Thí sinh chưa mặn mà với hệ trường này. Mặt khác, công tác tiếp thị của các trường CĐ chưa được chú trọng đúng mức.

 

Những điều gì trong quy chế tuyển sinh gây khó khăn cho thí sinh?

 

Có 20% thí sinh phát biểu chưa rõ cách xét tuyển CĐ sau khi rớt ĐH như thế nào; 15% thí sinh chưa rõ về cách xét tuyển NV 2,3; khoảng 5% thí sinh còn mơ hồ về điểm sàn, học liên thông từ CĐ lên ĐH, về chỗ học sau khi trúng tuyển ĐH, về chuyển ngành học sau giai đoạn đại cương.

 

 

Nhiều câu hỏi của thí sinh được liệt kê dưới đây chứng tỏ các em còn nắm rất ít về thông tin tuyển sinh: ĐH Kinh tế TPHCM có tuyển khối D không? (Nguyễn Văn Đông, lớp Điện lạnh C1 Trường CĐ Công nghiệp 4); Năm nay sẽ căn cứ vào điểm thi tú tài để xét tuyển ĐH (Vũ Thị Dung Hòa, 12A, Trường THPT Phú Nhuận); Trung tâm Đào tạo Cán bộ y tế TPHCM đào tạo những ngành nào? Không có hộ khẩu TPHCM vào được không? (Trần Phú Hòa, 12A7, Trường THPT Lý Tự Trọng)...

 

Nhận xét: Các vấn đề trên cho thấy các ĐH cần phải tổ chức tiếp thị nhiều hơn nữa. Bộ GD-ĐT cũng cần nghiên cứu để các quy định về đăng ký dự thi càng đơn giản càng tốt.

 

Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” diễn ra từ 27/2 đến 27/3 với 6 buổi tư vấn cho học sinh lớp 12 tại TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang. 

 

Theo Người lao động