Thi giữa học kỳ hành hạ thầy trò

Sau chỉ thị của Bộ GD-ĐT cuối tháng 8/2005, nhiều địa phương đã bỏ kỳ thi giữa học kỳ, riêng thầy trò các trường THCS ở TPHCM chẳng biết còn phải khốn khổ vì kỳ thi này cho đến bao giờ?

Cuối tháng 8/2005, đọc báo thấy chỉ thị của Bộ GD-ĐT nghiêm cấm các địa phương tổ chức kỳ thi thử và các kỳ thi khác không đúng với quy định của bộ, giáo viên chúng tôi rất mừng vì ít nhất trong năm học, thầy trò trường THCS chúng tôi sẽ thoát khỏi 2 cái ách thi giữa học kỳ 1 và thi giữa học kỳ 2, bởi 2 kỳ thi này không có trong phân phối chương trình và biên chế năm học của Bộ GD-ĐT.

 

Tưởng rằng thoát ách

 

Thế nhưng, nhiều năm qua Phòng Giáo dục quận 6 lấy tiết kiểm tra 1 tiết theo phân phối chương trình gom lại, tổ chức kỳ thi giữa học kỳ với 4 bộ môn trong 2 tuần liên tiếp. Mỗi tuần thi 2 môn vào 2 ngày cố định. Trong ngày đó, toàn quận lấy tiết 1 thi theo đề thống nhất của Phòng Giáo dục, 5 tiết học theo thời khóa biểu được đẩy lùi lại và cắt bớt mỗi tiết 5 phút theo chỉ thị của trưởng Phòng Giáo dục, tức là học sinh “được” học 6 tiết trong buổi có thi giữa học kỳ.

 

Thế nhưng, trong mấy phiên họp do Phòng Giáo dục tổ chức đầu năm học, nghe có tổ chức thi giữa học kỳ, chúng tôi có nhắc lại chỉ thị của Bộ GD-ĐT, thì được bà phó trưởng Phòng Giáo dục trả lời chính thức trong phiên họp ban giám hiệu ngày 21-9-2005: Đây không phải là thi thử (chắc là thi thật!?) mà là kỳ thi để phòng nắm mặt bằng chất lượng học tập của học sinh.

 

Bệnh muôn thuở của đề thi

 

Trong kỳ họp chuyên môn với chuyên viên hoặc mạng lưới chuyên môn của Phòng Giáo dục, tổ chuyên môn của trường được chỉ đạo phải soạn đề thi đề nghị cho 4 khối lớp 6, 7, 8, 9. Soạn xong phải photocopy đề thi thành 10 bộ, 1 bộ gởi về Phòng Giáo dục, còn 9 bộ gởi đến 9 trường THCS trong quận để giáo viên cho học sinh “ôn tập, rèn luyện”. Khi nhận được đề thi của các trường, mỗi giáo viên bộ môn lại photocopy ra cho mỗi học sinh 9 đề thi, hướng dẫn các em giải từng đề để bảo đảm được tỉ lệ cho cái “mặt bằng chất lượng” của quận.

 

Theo nguyên tắc, đề thi phải được giữ “tối mật”, vậy thì với việc làm trên ở các trường liệu nguyên tắc này có bị vi phạm?

 

Và kỳ thi giữa học kỳ 1 đến. Đề thi thường là tổng hợp đề thi đề nghị của các trường, nhưng cái bệnh muôn thuở vẫn không thay đổi: Luôn luôn có chỗ sai. Không sai đề thi thì cũng sai đáp án ở hướng dẫn chấm như:

 

Ở đáp án toán 9, đề A, bài 1, câu 3: (V 3 + 1) ( V 3-1) = 3-2 (?!).

 

Bài 3: x2 – 3 x + 1 = x2 - 4 x + 4 = - 7x = 4-1 (?!).

 

Thực chất của mặt bằng chất lượng

 

Giáo sư Trần Thanh Đạm đã phát biểu rằng nền giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục khoa cử. Quả thế, chỉ là một tiết kiểm tra cuối chương theo phân phối chương trình mà Phòng Giáo dục lại dựng thành “kỳ thi giữa học kỳ”, rồi bao hệ lụy kéo theo cho cả thầy và trò điêu đứng, khổ sở!

 

Trò “được” thầy cô “mời” đi học cả sáng, cả chiều, cả tối và cả ngày chủ nhật, được nhồi nhét 36 cái đề thi đến “mập mình”, chẳng cần gì đến ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí. Chỉ biết có một việc: học để thi. Thầy cô thì lo lắng cho cái “mặt bằng chất lượng” đến hốc hác, teo tóp, nhưng vẫn không quên việc thu cho bằng được mỗi học sinh 12.800 đồng tiền đề thi cả năm học (theo giá 400 đồng/đề) để nộp về Phòng Giáo dục. Lúc nào giáo viên chúng tôi cũng khẩn trương, căng thẳng, âu lo qua gần 20 công đoạn của kỳ thi.

 

Trong phiên họp chuyên đề ngày 1/11/2005, bà phó trưởng phòng Giáo dục đã nhấn mạnh: Phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT là pháp lệnh của Nhà nước, phải nghiêm túc thực hiện! Thế mà kiểm tra 1 tiết của bộ môn theo phân phối chương trình được Phòng Giáo dục thay đổi thời gian gây xáo trộn như thế, 20 tiết học bị cắt bớt đi 5 phút như vậy thì có nghiêm túc không?

 

Lê Hữu Thành

(Giáo viên Trường THCS Văn Thân, Q.6 - TPHCM)

Theo Người Lao Động