Thi lại tốt nghiệp THPT: Nửa điểm đủ đỗ

8 giờ sáng nay, tại hội trường Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Tây đã diễn ra buổi thi lại tốt nghiệp THPT cho 23 học sinh có bài thi giống nhau. Dù không làm được bài, nhiều thí sinh vẫn cười tươi bước ra khỏi phòng thi bởi chỉ cần được từ 0,5 - 1,5 điểm là đủ tiêu chuẩn đỗ tốt nghiệp.

Một thí sinh THPT Dân lập Xuân Mai bức xúc: "Em phải thi lại môn Toán. Sở bảo là giống nhau thì em biết thế, giờ làm gì còn bài để mà so được. Các bạn ngồi cạnh đều bảo bài làm của bọn em không giống nhau. Chẳng qua là Sở "nhặt" học sinh ra để kiểm tra chất lượng của trường".

Trong kỳ thi vừa qua, thí sinh này được 45 điểm. Biết được quy định chỉ cần không bị điểm liệt là đỗ nên cậu học sinh dân lập Xuân Mai này đi thi lại mà như đi chơi: "Tự chấm, chắc được 3 điểm. Chỉ cần làm thế thôi. Đề này ngang với trình độ bổ túc THPT".

Còn Đoàn Thị Hà, học sinh THPT Đồng Quan, hiện đang học ĐH Thương mại buồn bã: "Kỳ thi này rất hay, nhưng em nghĩ không chỉ có Hà Tây mà lẽ ra các tỉnh khác cũng phải làm thế này. Em thấy mình không bị oan bởi vì đã cho bạn chép bài và làm nhiều thầy cô bị "vạ lây".

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học vừa qua, Hà Tây có gần 10.000 em đỗ ĐH, CĐ, xếp thứ 5 trong cả nước. 35.000 học sinh thi đỗ tốt nghiệp TPHT, 28.000 em dự thi ĐH, CĐ. Số học sinh đạt 27 điểm trở lên là 248 em, đứng thứ 7 toàn quốc.

Cô sinh viên năm thứ nhất cho biết rất buồn khi nhận được thông báo thi lại. Kết quả học tập của em luôn đạt loại giỏi. Kỳ thi ĐH vừa rồi Hà được 23 điểm (Hóa 9,25 điểm, Toán 7,25 điểm) và đỗ ĐH Thương mại. Hậu quả của việc cho bạn chép bài là nay Hà phải thi lại Hóa học, môn em học giỏi nhất. "Bạn ấy ngồi đằng sau, cứ năn nỉ mãi, dù không muốn, nhưng em rất khó xử khi thấy bạn hỏi mãi", mắt Hà ngấn lệ.

Theo bảng ghi tên, ghi điểm của Hội đồng thi lại tốt nghiệp, trong số 23 thí sinh dự thi, trừ trường hợp của thí sinh Lâm Văn Cường (Phú Xuyên A) phải đạt 1,5 điểm, còn lại chỉ cần được 0,5 điểm trở lên là các em đủ điều kiện đỗ (tổng điểm 6 môn trên 30). Đáng chú ý, 2 học sinh có học lực yếu cũng thi được 44,5 và 45,5 điểm.

Sáng 23/12, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây, Phó trưởng ban chỉ đạo thi cho biết, kỳ thi lại được tổ chức theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Đây là 23 em có bài thi giống nhau ở mức độ cao nhất. Còn những bài không giống nhau ở mức độ cao thì khó có thể căn cứ vào đó để khẳng định việc học sinh chép bài của nhau.

"Thi lại có tác dụng răn đe để kỳ thi năm sau, tất cả đều phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế. Hơn nữa, đã phát hiện ra tiêu cực thì phải xử lý tiêu cực chứ không thể phát hiện ra rồi bỏ lửng đấy khiến không có đầu có đuôi. Đây là bài học để rút kinh nghiệm cho những kỳ thi năm sau và là cơ hội để lập lại kỷ cương của ngành giáo dục nói chung và Hà Tây nói riêng", bà Phó giám đốc Sở nói.

Trước kỳ thi, Sở GD-ĐT Hà Tây đã yêu cầu các trường cho những học sinh này ôn tập lại ít nhất là 3 buổi. Dù chỉ có hơn 20 thí sinh, nhưng kỳ thi này vẫn được tổ chức theo đúng quy chế, như kỳ thi tốt nghiệp bình thường.

Theo ông Nguyễn Duy Kha, Phó phòng khảo thí, Bộ GD-ĐT, việc thi lại này vẫn hợp lý dù biết trước rằng tổng điểm 5 môn của thí sinh đã vượt quá 30 điểm và môn thi lại chỉ cần được trên điểm "liệt" là đủ điều kiện đỗ.

"Những bài thi giống nhau hoàn toàn không được công nhận kết quả. Bởi vậy, học sinh phải thi lại và kết quả thi lại này được công nhận là điểm của môn ấy. Điểm này thay thế cho điểm trước," ông Kha giải thích.

Trước câu hỏi rằng theo quy chế tuyển sinh, những bài thi bị phát hiện có dấu hiệu tiêu cực phải bị hủy chứ không thể "châm chước" theo kiểu cho thi lại môn đó, ông phó phòng khảo thí lúng túng: "Cái đấy là do lãnh đạo Bộ quyết định".

Theo Tiến Dũng
Vnexpress