Hậu tuyển sinh đại học:

Thí sinh đang sợ điểm thi cao?

(Dân trí) - Theo thông tin từ phía Hội đồng tuyển sinh của nhiều trường đại học, điểm thi của thí sinh năm nay cao hơn năm năm ngoái. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết: Điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay sẽ vào khoảng từ 15 điểm trở lên.

Trước tình hình đó, hiện lại có một bộ phận không nhỏ thí sinh đang lo lắng với  kết quả thi... cao! Vì theo họ, kết quả thi đó sẽ ẩn chứa những rủi ro khó lường !?

 

Sẽ có nhiều oan uổng?

 

Để hạn chế gian lận trong thi cử, Bộ GD-ĐT đã ra một loạt quyết định mới nhằm kiên quyết thắt chặt kỷ luật kỳ thi năm nay,  Trung tâm Tin học (Bộ GD-ĐT) cũng đã công bố phần mềm chống gian lận.

 

Tuy nhiên, điều khiến thí sinh hoảng hốt nhất là: nếu thí sinh có kết quả học và tốt nghiệp THPT thấp nhưng điểm của 3 bài thi ĐH, CĐ cao thì các trường sẽ kiểm tra lại tính hợp pháp của ba bài thi để phát hiện có sự gian lận hay không và nếu cần sẽ tổ chức thẩm định những bài thi đó. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT BànhTiến Long khẳng định thêm: “Việc chấm thẩm định sẽ tiến hành đối với những bài thi có kết quả cao mà qua hậu kiểm thấy học lực học sinh thấp và nghi vấn gian lận”

 

Sự nghi vấn gian lận này là thế nào? Biểu hiện của sự nghi vấn đó ra sao? Căn cứ vào đâu? Liệu có ai đảm bảo cho thí sinh tránh được oan uổng không trước mỗi sự nghi vấn đó khi mà sự nghi vấn đó là nhầm lẫn và bài thi của họ đột nhiên phải qua hậu kiểm? Cho dù không gian lận nhưng xác suất của rủi ro không phải là không có.

 

Còn về vấn đề học lực thấp mà điểm thi cao lại càng là vấn đề đáng lo lắng hơn vì hiện nay, số thí sinh có thiên hướng học lệch chiếm khá nhiều. Mặc dù Bộ GD-ĐT vẫn khuyên thí sinh có học lực xếp loại trung bình không nên đi thi đại học, tuy nhiên, chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cũng đã từng có lần trả lời với thí sinh rằng: “Những học sinh tuy kết quả học tập chỉ ở mức trung bình nhưng các em học khá, giỏi ở một số môn do có năng khiếu và có trí thông minh hay đổi mới cách học…thì nên đi thi đại học vì khi xét tuyển, các truong không xét đến học lực THPT, trừ những học sinh được cộng điểm thưởng do đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc tốt nghiệp THPT loại giỏi”

 

Phấp phỏng điểm thi

 

Chấm thi thế nào luôn là nỗi phấp phỏng của thí sinh. Đề tự luận, trừ một số môn có đáp án chuẩn, song với một số môn như môn toán thì khó mà chuẩn - khi mỗi bài toán có nhiều cách giải…Vì vậy, chấm tự luận rất khó chính xác, ngay những người chấm thi nghiêm túc nhất cũng có thể có những đánh giá khác nhau về cùng một bài, rồi còn chuyện  chấm chặt, chấm lỏng theo trạng thái tâm lý vui, buồn hay  vấn đề về sức khoẻ!

 

Hơn nữa, các trường buộc phải đảm bảo tiến độ chấm bài theo quy định của Bộ. Nhiều trường không tuân thủ nghiêm việc chấm hai vòng độc lập, mà chấm theo kiểu “ăn theo” cho nhanh, tức là họ chỉ chấm một vòng và ký hiệu cho nhau để coi như là đã chấm hai vòng! Chấm như thế, rất dễ nảy sinh tiêu cực và dù nỗ lực rất nhiều kết quả cũng khó lòng khách quan. Về vấn đề này, ngay cả một thành viên của Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: Bộ cũng không đủ lực lượng để giám sát suốt trong quá trình chấm!

 

Có thể nói, đã đến lúc, những áp lực thời điểm hậu thi đã trở nên vô cùng “căng”cho thí sinh với bộn bề những lo lắng nằm hoàn toàn ngoài tầm với của thí sinh.  Đến khi nào thì Bộ GD-ĐT mới thực sự quan tâm đến các trạng thái “nóng, lạnh” mà thí sinh đang phải trải qua?

 

Mai Minh