Thí sinh loay hoay trước khi điều chỉnh nguyện vọng

(Dân trí) - Tại ngày hội Tư vấn Xét tuyển ĐH-CĐ năm 2018 được tổ chức tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sáng nay (15/7), hầu hết các thí sinh, phụ huynh đều chung tâm trạng lo lắng, phân vân không biết có nên đổi nguyện vọng hay không?

Theo ghi nhận của PV tại ngày hội, dù trời có lúc mưa rào to, nhưng số lượng phụ huynh và thí sinh “đội mưa” đến nghe tư vấn rất đông ngay từ sáng sớm.

Phụ huynh sốt sắng đi nghe tư vấn

Chị Trần Thị Hằng (Hưng Yên) đưa em trai đi nghe thông tin tư vấn xét tuyển, em trai được 24.5 điểm, đăng kí khối ngành kĩ thuật trường Đại học Bách Khoa.

Theo như thông tin trên mạng và các thầy cô tư vấn thì điểm chuẩn năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, nên gia đình động viên em, cố gắng giữ nguyện vọng, không thay đổi so với dự kiến ban đầu. Hi vọng điểm trúng tuyển sát với điểm trường đã dự đoán, có chênh thì cũng là 1- 2 điểm, để em trai có cơ hội đỗ vào trường.

Thí sinh loay hoay trước khi điều chỉnh nguyện vọng - 1

Ông Huỳnh Văn Tính (73 tuổi) chia sẻ, tôi ở tận Lai Châu, nhưng cố lặn lội đi xe khách đêm qua để kịp buổi tư vấn sáng nay. Cháu trai được 24 điểm (khối B), ước mơ được trở thành bác sĩ . Mọi năm, tôi thấy trường Đại học Y Hà Nội, toàn lấy 29 với 30 điểm, nên tôi “sốt ruột” phải về tận nơi để tham khảo xem nó có đỗ được đại học không?. Cháu chưa thi thì lo đợi điểm, có điểm rồi lại lo không đỗ, mất ăn mất ngủ từ hôm nó thông báo điểm.


Gian tư vấn các ngành về kĩ thuật, kinh tế luôn được đông các thí sinh quan tâm

Gian tư vấn các ngành về kĩ thuật, kinh tế luôn được đông các thí sinh quan tâm

“Con tôi thi khối D1 được 18 điểm, cháu khăng khăng đòi học ngành công nghệ thông tin. Tôi biết điểm của cháu thấp nên phải bỏ cả bán hàng ăn sáng một ngày, đi nghe tư vấn, không yên tâm cho con đi một mình. May mắn, các thầy cô khuyên gia đình nên đổi nguyện vọng cho cháu xuống các trường điểm thấp hơn, không nên xét các trường “top” trên với mức điểm như vậy, đừng với cao quá, coi như là “xôi hỏng, bỏng không”, chị Lê Thanh Quỳnh (Long Biên, Hà Nội).

Thí sinh loay hoay đưa ra quyết định xét tuyển

Phụ huynh sốt sắng, thí sinh lo lắng, áp lực cố gắng tìm ra hướng điều chỉnh nguyện vọng phù hợp với điểm của mình.

Thí sinh loay hoay trước khi điều chỉnh nguyện vọng - 3

“Năm ngoái ngành Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm lấy 27.5 điểm, còn trường Đại học Giáo dục, (Đại học QG HN) lấy 25 điểm. Trong khi, năm nay em được 23 điểm khối D1, em đang phân vân không biết có nên thay đổi nguyện vọng hay không? Em và gia đình đợi Bộ GD- DDT công bố ngưỡng điểm ngành này rồi mới đưa ra quyết đinh, thí sinh Nguyễn Trường Giang (Hà Nội) cho hay.

Trong khi đó, không ít các thí sinh chia sẻ với PV, chắc chắn sẽ thay đổi nguyện vọng, thay đổi luôn cả trường xét tuyển. Thí sinh Nguyễn Trong Hải (Bắc Ninh), ban đầu, khi chưa thi THPT quốc gia, em làm hồ sơ đăng kí nguyện vọng theo kiểu ngẫu hứng, dự định sau khi biết kết quả thi mới quyết định chốt nguyện vọng. Với tổng 22 điểm khối A1, em sẽ điều chỉnh lại hết các nguyện vọng, thậm chí thay đổi cả trường để xét tuyển dễ trúng hơn.

Thí sinh loay hoay trước khi điều chỉnh nguyện vọng - 4

Thí sinh Hoàng Thu Cúc (Hải Phòng), em và 16 bạn cùng lớp đã quyết định thuê xe lên đây từ sáng sớm để lắng nghe tư vấn từ các trường Đại học. Em đăng kí khoa Toán tin trường Bách Khoa, năm trước lấy 25,75 điểm, còn năm nay em được 23,75 điểm. Các thầy cô thì khuyên em nên giữ nguyện vọng 1 vào khoa, nhưng gia đình sợ em không đỗ nên khuyên chọn vào các khoa có điểm chuẩn năm trước bằng hoặc thấp hơn điểm của em, nhằm nâng tỷ lệ đỗ cao hơn.

Cân nhắc kĩ, đừng “vào” đại học bằng mọi giá

Tiếp nhận các ý kiến thắc mắc từ nhiều thí sinh và phụ huynh, PGS. TS Vũ Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn Tâm lí Giáo dục khuyên thí sinh, tỷ lệ đỗ vào các trường Đại học năm nay sẽ có nhiều biến động, đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội phù hợp với từng mức độ điểm khác nhau. Phụ huynh, thí sinh không nên nóng vội, xem xét từ từ các trường trong cùng nhóm ngành xét tuyển, phân loại từ cao đến thấp, đồng thời dựa vào đó để đăng kí thứ tự nguyện vọng, phân bổ hợp lí thì đỗ Đại học là không xa vời.

Thí sinh loay hoay trước khi điều chỉnh nguyện vọng - 5

Thí sinh cố gắng đội mưa ngồi nghe tư vấn

Tránh tình trạng như năm trước, có thí sinh đăng kí tới 40 nguyện vọng, đăng kí lung tung vài ngành, vài khoa, vài trường không hề liên quan đến nhau. Vừa lãng phí tiền bạc, vừa mất thời gian; trong khi, mỗi thí sinh chỉ đỗ được 1 nguyên vọng và rồi sau một năm học, lại bỏ học và ôn thi lại từ đầu, ông Hà chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho hay, trong đợt 1, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần duy nhất. Nếu không trúng tuyển đợt 1, các em còn nhiều cơ hội cho các lần xét tuyển tiếp theo, nếu các trường thiếu chỉ tiêu…

Hà Cường