Tuyển sinh 2006:

Thí sinh sẽ gặp may nếu biết tính số hồ sơ “ảo”

(Dân trí) - Số hồ sơ “ảo” tính được ở mỗi trường đại học chính là tỉ lệ phần trăm giữa số người đến dự thi và số người đăng ký dự thi. Tỉ lệ phần trăm này càng cao, chứng tỏ trường đại học đó càng “hụt” trong việc lựa chọn thí sinh trúng tuyển.

Điều này cũng đồng nghĩa, những thí sinh nào khi chọn trường đại học này để dự thi đều là đã “gặp may”. Nhưng, làm thế nào để nắm được sự “may” này?

 

Thực tế tuyển sinh năm 2005 cho thấy, hầu hết những trường đại học thuộc hàng “top” đều có số hồ sơ ảo vào loại cao. Chẳng hạn như Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội có số hồ sơ ảo là 36%; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: 37%; ĐH Bách Khoa: 30%; Học viện Quan hệ Quốc tế 46%; ĐH Kinh tế Quốc dân 40%; ĐH Giao thông Vận tải 33%; ĐH Ngoại thương Hà Nội 36%... Trong khi đó, tỉ lệ này ở các trường đại học loại "thường thường bậc trung" lại rất thấp như: ĐH Thái Nguyên chỉ có 11%; ĐH Văn Hoá Hà Nội là  8%...

 

Tuy nhiên, số trường đại học có số hồ sơ ảo nhiều còn rơi vào phần lớn các trường dân lập như Đại học dân lập Thăng Long: 38%; Dân lập Phương Đông 33%;... Qua con số này, thí sinh nên lưu ý đến 2 điều sau trong việc quyết định dự thi đại học vào trường nào trong năm nay:

 

1. Nếu thí sinh có mức học lực chỉ ở mức trung bình, nên tránh càng xa càng tốt những trường có mức hồ sơ ảo cao vào hàng kỷ lục của năm 2005 (tất nhiên trừ những trường đại học dân lập), vì hồ sơ ảo ở trường đó càng cao càng chứng tỏ trường đó “rắn” trong lực lượng đầu vào, chỉ những thí sinh rất tự tin mới đủ can đảm để dự thi và khi đã đủ tự tin để dự thi rồi thì họ sẽ được hưởng sự may mắn là chỉ phải “chọi” với rất ít người. Chẳng hạn, những thí sinh có học lực trung bình trong ngưỡng từ 6,5 đến 7 điểm thì tuyệt đối không dự thi vào những trường loại “top” như ĐH Bách khoa, Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học Ngoại thương... dù những trường ĐH này thường có mức hồ sơ ảo khá cao.

 

2. Thí sinh có mức học lực khá giỏi đương nhiên nên chọn cách nộp hồ sơ ngược lại, tránh tâm lý hoang mang mà “đâm” hồ sơ vào những trường “thường thường bậc trung” để bị rơi vào cảnh chen chân không cần thiết và đầy rủi ro. Theo diễn tiến của tình hình đề thi như năm 2005, rất nhiều thí sinh đã bị trượt oan vì sự lựa chọn này. Những trường “thường thường bậc trung” của năm 2005 có mức điểm trúng tuyển trong khoảng từ 17 đến 19 điểm, như Phân viện báo chí tuyên truyền, ĐH Công đoàn, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Tây Bắc...

 

*Theo thông tin từ các Sở GD-ĐT trong cả nước thì đến thời điểm này, các Sở đã nhận được hơn một triệu hồ sơ dự thi. Như vậy, với con số thí sinh dự thi thực tế hàng năm chỉ nằm trong con số  hơn 900 nghìn thí sinh, thì số hồ sơ ảo năm nay rõ ràng đã là khá nhiều với trên 100 nghìn hồ sơ ảo. Đó là còn chưa kể đến số hồ sơ mà thí sinh sẽ nộp trực tiếp tại trường sau khi hết thời hạn nộp hồ sơ tại các Sở GD-ĐT.

 

Mai Minh