Thí sinh vẫn phân vân chọn trường

Theo ghi nhận của các cán bộ làm công tác tuyển sinh, năm nay, các thí sinh vẫn còn nhiều băn khoăn về xu hướng chọn ngành - nghề - trường, mà chủ yếu là chọn theo khả năng đỗ chứ không theo sở thích…

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:  Vẫn là "chọn chỗ"

 

Với số lượng thí sinh (TS) đăng ký như hiện nay tổng số lượng đăng ký trong thành phố không tăng nhiều so với 2004, tuy nhiên trong đăng ký có sự phân bố lại của một số trường ĐH, CĐ trong địa bàn thành phố.

 

Hiện nay số lượng TS đăng ký dự thi hướng về những trường trong những năm trước điểm chuẩn ở mức trung bình chấp nhận được. Ví dụ ĐH Kinh tế, Nông lâm, Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có số thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) tăng khá nhiều so với năm trước.

 

Trong khi đó, những trường khác có điểm chuẩn ở "tốp" cao hơn như các trường thành viên của ĐHQG TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, mức tăng không nhiều, thậm chí có một số trường giảm đi.

 

Xu hướng chọn những trường, những ngành có điểm chuẩn trúng tuyển thấp trong kỳ tuyển sinh trước để tăng cơ may trúng tuyển về lâu về dài chỉ phục vụ cho mong muốn có một chỗ học ở trường ĐH. Điều này sẽ gây nên nguy cơ mất ổn định trong đào tạo của một số ngành, số trường vì sinh viên chỉ "tạm trú" trong năm học đầu tiên trong khi chờ đợi thi lại vào kỳ tuyển sinh năm sau. Bởi, thống kê cho thấy,  số sinh viên CĐ tốt nghiệp tại nhiều trường không đạt đến 50% so với số lượng SV trúng tuyển đầu vào.

 

Sinh viên thường chọn các ngành đang học hoặc có thể phát triển trong xã hội như: Điện tử, Xây dựng, Công nghệ Thực phẩm... mà chưa quan tâm đến các ngành cần thiết cho sự phát triển của xã hội như Kỹ thuật nông nghiệp, Công trình thuỷ, Kỹ thuật địa chất, Kỹ thuật điện...  

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, thành viên Ban tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp TPHCM: Thí sinh vẫn phân vân

 

Đến giờ phút này, TS vẫn thường xuyên gọi điện đến hỏi tỷ lệ chọi của trường, của từng chuyên ngành, chứng tỏ các em vẫn đang phân vân trong vấn đề lựa chọn trường nào dự thi.

 

Ở trường ĐH Công nghiệp TPHCM, các ngành có đông thí sinh đăng ký dự thi là Công nghệ thực phẩm, Công nghệ hoá; sau đó đến các ngành động lực, điện lạnh, điện tử, kinh tế; công nghệ thông tin năm nay lại có vẻ ít hơn. 

 

Thực tế hiện nay, có nhiều động cơ tác động đến việc chọn nghề của sinh viên như: phù hợp với sở thích, phù hợp với năng lực, theo lời khuyên cha mẹ, ngành đang được ưa chuộng, theo ý kiến bạn bè, do điểm thi thấp không vào được ngành mong muốn, theo truyền thống gia đình...

 

Thạc sĩ Trần Đình Lý, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH Nông lâm TPHCM: Thí sinh chú ý nhiều đến ngành mới?

 

Những ngành mới cũng được TS chú ý nhiều (thường thì học ngành mới sẽ là những “hạt giống” sau này nên TS muốn trở thành những người đầu tiên khai phá một lĩnh vực mới).

 

Bộ GD-ĐT nên có những sự “lượng hóa” xem số lượng ĐKDT vào những trường nào qua một vài năm (đương nhiên càng nhiều năm càng có ý nghĩa hơn) để cân nhắc và “cấp” chỉ tiêu cho những trường đó. Đương nhiên, tiêu chí này chưa phải là tất cả. Còn phải cân nhắc đến đầu ra (nhu cầu việc làm, tỷ lệ làm đúng ngành nghề…).

 

Nếu chỉ tiêu cho một ngành (không phải ngành đặc biệt) mà chỉ có vài chục (dưới 50) thì e rằng sẽ không có hiệu quả. Cho dù một ngành đang có nhu cầu rất lớn nhưng chỉ được cấp 50 chỉ tiêu, chắc chắn TS sẽ rất ngại đăng ký…

 

Thứ bậc tỷ lệ % các mục đích học ĐH

 

Theo kết quả khảo sát 1.787 sinh viên ĐHQG TPHCM của nhóm nghiên cứu trường ĐH KHXH&NV TPHCM:

 

- 1164 SV (65,1%) (thứ 1) cho rằng mục đích vào ĐH là nhằm tăng cường kiến thức.

 

- 1091 SV (61,1%) (thứ 2) học để làm việc có hiệu quả cao

 

- 1027 SV (57,5%) (thứ 3) học để có tấm bằng ĐH

 

- 863 SV (48,3%) (thứ 4) học để dễ kiếm việc làm

 

- 377 SV (21,1%) (thứ 5) học để theo ước muốn của gia đình

 

- 276 SV (15,4%) (thứ 6) học để không thua kém bạn bè

 

- 72 SV (4%) (thứ 7) học vì không biết làm gì khác

 

Theo Vietnamnet