Thi thử trắc nghiệm: Đề dài và hơi khó

(Dân trí) - Sáng 5/5, hơn 40.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội đã thi thử trắc nghiệm Lý, Hóa. Với tâm trạng thi thử nên đợt thi tuy không căng thẳng nhưng lại gây tâm lý lo lắng cho học sinh trong kỳ thi tới về đề thi dài và hơi khó.

Đây là bước tập dượt cuối cùng để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 5 này. Tuy nhiên, với 40 câu hỏi dài hơn 4 trang giấy, thời gian là 60 phút với môn Lý và Hóa đã làm cho nhiều học sinh hơi “choáng”.

 

Mặc dù đã khá thành thục với hình thức thi trắc nghiệm và Sở GD-ĐT cũng đã thông báo đề thi thử chỉ giới hạn ở học kỳ II, kiến thức vừa học xong nhưng nhiều em học sinh đã không làm hết được bài.

 

Phan Thúy Quỳnh lớp 12H trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: “Đề thi môn Lý không khó chỉ là kiến thức trong học kỳ II nhưng dài, em chỉ làm được 20 câu vì đề thi quá nhiều phép tính toán và ít lý thuyết. Thi tốt nghiệp kiến thức trải rộng hơn nữa thì điểm của em rất thấp vì đã quên quá nhiều kiến thức”.

 

Còn Nguyễn Thanh Hường lớp 12I  cho rằng: “Đề thi khó, quá nhiều câu hỏi phải tính toán, thời gian thì hơi ít, phải thêm 15 phút nữa thì chúng em mới làm xong được. Nếu thi tốt nghiệp thật thì khó quá”.

 

Riêng các học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam, đề thi thử được các em đánh giá là hơi rườm rà. Học sinh Phạm Mai Ly, lớp 12 chuyên Lý cho biết: “Em làm 40 phút là xong. Đề thi không quá khó, không đánh đố học sinh nhưng môn Lý hơi nhiều về phần quang hình”. Còn Phan Hoàng Minh, lớp 12 chuyên Hóa cho biết: “Đề thi môn Hóa thì bình thường nhưng nhiều lý thuyết, nhiều câu rườm rà, thậm chí có câu hỏi lý thuyết rất khó”.

 

Được biết, nhiều học sinh trường Ams làm bài thi chỉ trong khoảng thời gian là 40 - 50 phút, thừa 10 phút. Điểm thi thử này được trường tính là điểm học kỳ II.

 

Đánh giá về đề thi thử môn Hóa, cô giáo Nguyễn Bích Hà, tổ trưởng tổ Hóa trường Hà Nội - Amterdam cho biết: “Đề thi tương đối sát chương trình, không dài, vẫn có câu phân loại học sinh. Tuy nhiên với câu 1 (mã đề 507) của đề Hóa thì nhiều học sinh sẽ không làm được vì là câu điện phân nên chúng tôi chỉ giới thiệu qua cho học sinh”.

 

Cũng theo cô Hà, đề thi thử này học sinh phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa mới làm được bài. Nếu coi nghiêm túc thì điểm không cao và điểm cao chỉ đến với những học sinh có lực học khá trở lên.

 

Nhiều trường khổ vì in đề!

 

Công tác bảo mật sao in đề thi được các trường THPT thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế từ khâu nhận đề, in sao bảo mật tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng đã kêu trời vì khâu in đề khá vất vả.

 

Trường THPT Nhân Chính có 2 máy photo nhưng một lãnh đạo của trường than phiền rằng: Trường chỉ có 437 học sinh nhưng in đề thi từ chiều ngày mùng 3 đến hết ngày 4 mới xong vì mỗi đề có 4 mã nên phải phân loại, kiểm tra xem có trùng khớp đề hay không.

 

Bà Quách Giáng Hương, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: “Trường có 342 học sinh cũng mất một ngày rưỡi để in đề và phải phân người trông coi để bảo mật đề thi rất vất vả”.

 

Cùng nỗi khổ đó, ông Đỗ Bá Khôi, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội - Amsterdam cho biết: “Trường chúng tôi có 1 máy photo mặc dù là loại máy siêu tốc nhưng cũng khá vất vả. Tôi là Chủ tịch Hội đồng thi và là Trưởng ban chỉ đạo in sao đề thi nên trực tiếp đứng cả ngày để in đề thi và 3 người nữa ngồi phân loại, sắp xếp mã đề cho đúng vì mỗi đề có 5 trang với 4 mã đề nên có khoảng 10.000 trang in”.

 

Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả buổi thi thử, rất nhiều lãnh đạo trường THPT cho đây là buổi tập dượt thiết thực và quan trọng để đánh giá được năng lực của học sinh và giáo viên trong giảng dạy đặc biệt là phương pháp làm bài thi trắc nghiệm để phục vụ cho thi tốt nghiệp chính thức và kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới.

 

Hồng Hạnh