Thi tốt nghiệp THPT 2010: Ngoại ngữ sẽ không bắt buộc

(Dân trí) - Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD- ĐT cho biết: “Thi tốt nghiệp 2010, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán và Văn, 4 môn còn lại Bộ sẽ chọn. Riêng Ngoại ngữ, thí sinh vùng khó khăn được chọn môn thi thay thế”.

Thi tốt nghiệp THPT 2010: Ngoại ngữ sẽ không bắt buộc  - 1
Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT dự kiến từ năm 2010 sẽ quy định thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT phải thi sáu môn. 
 
Ông Nghĩa cho biết, rút kinh nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, ngày 9/1 tới Bộ GD- ĐT tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh 2010. Theo đó, Bộ đưa ra những  điều chỉnh cần thiết để các đại biểu thảo luận, góp ý nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi. Cụ thể:

Về môn thi: thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT phải thi 6 môn; trong đó, 2 môn ấn định hằng năm (bắt buộc) là Ngữ văn và Toán; 4 môn còn lại của kỳ thi mỗi năm sẽ được Bộ chọn luân phiên trong số 6 môn Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và được công bố chính thức vào cuối tháng 3 hằng năm.

Riêng thí sinh học ngoại ngữ không đủ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và thí sinh tại các vùng khó khăn về điều kiện dạy học có thể được thi môn thay thế cho môn Ngoại ngữ.

Điều chỉnh cấu trúc đề thi và quy định cho thí sinh: Đối với các môn thi mà đề thi có phần bắt buộc và phần tự chọn, thí sinh chỉ được chọn một phần tự chọn thích hợp để làm bài; nếu làm cả hai phần tự chọn thì bài làm cả hai phần tự chọn đều không được chấm.

Về thi cụm: Kỳ thi 2010, vẫn tiếp tục tổ chức thi theo cụm trường như năm 2009; riêng đối với các địa phương vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện hoặc các tỉnh miền núi, đông học sinh dân tộc, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, có thể báo cáo Bộ cho phép tự chọn phương án tổ chức thi.

Về chấm thi: vẫn tiếp tục tổ chức chấm chéo bài thi tự luận như năm 2009, có điều chỉnh theo hướng: Sở GDĐT có bài thi cử 01 giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi của Hội đồng chấm thi ở nơi chấm bài thi cho đơn vị mình; nếu thấy việc chấm thi có xu hướng không đúng đáp án, biểu điểm thì đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi chỉ đạo hoặc báo cáo Giám đốc Sở GDĐT tỉnh mình xin ý kiến chỉ đạo.

Rút ngắn thời gian phúc khảo bài thi và hạ mức điểm chênh lệch

Điều chỉnh quy định về việc làm phách tại Hội đồng chấm thi theo hướng: giao các đơn vị chủ động lựa chọn phương án thực hiện trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bảo mật và an toàn.

Rút ngắn thời hạn nộp đơn xin phúc khảo của thí sinh để đẩy nhanh tiến độ phúc khảo bài thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có đơn xin phúc khảo dự thi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ; điều chỉnh điều kiện phúc khảo, hạ mức chênh giữa điểm bài thi và điểm tổng kết năm học lớp 12 của môn thi từ thấp hơn 2,0 điểm xuống còn thấp hơn 1,0 điểm để mở rộng diện phúc khảo, tạo điều kiện giải quyết tốt hơn các sai lệch trong chấm thi.

Hạ mức chuẩn chênh lệch để được điều chỉnh điểm sau phúc khảo để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh: điểm của bài thi các môn thi được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 0,5 điểm trở lên. Riêng điểm của bài thi môn Ngữ văn được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên.

Ông Nghĩa cũng cho biết, Bộ sẽ tổ chức lại các đoàn thanh tra của Bộ, đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả: Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập các đoàn thanh tra của Bộ, mỗi đoàn khoảng từ 5-10 người gồm cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và thanh tra của sở GD- ĐT đến làm nhiệm vụ tại các tỉnh, thành phố tổ chức thi.

Hồng Hạnh