Thi tốt nghiệp THPT lần 2: Đừng để lỗi “đẻ” thêm lỗi!

(Dân trí) - Sau 8 cuộc họp giao ban với các lãnh đạo Sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ vừa được tổ chức đồng loạt trên cả nước (từ 23-25/4), theo ý kiến của phần đông đại biểu thì cuộc thi tốt nghiệp THPT lần 2 đang gặp quá nhiều bất ổn. Tuy nhiên, ngành giáo dục không thể không tổ chức cuộc thi này.

Với cuộc vận động “Hai không” sau hơn 8 tháng thực hiện, ngành giáo dục đang phải rơi vào thế thế tiến thoái lưỡng nan: Thực hiện “Hai không” tốt cũng đồng nghĩa tỷ lệ tốt nghiệp sẽ sụt giảm nghiêm trọng, khi sụt giảm nghiêm trọng thì xã hội sẽ “sốc”. Mà để xã hội “sốc” là điều khó được chấp nhận.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì “chúng ta phải làm tất cả vì tương lai các em. Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần hai là một cách nhận lỗi của ngành giáo dục. Đây chỉ là giải pháp tình thế và sẽ kéo dài đến khi giải quyết xong những hậu quả của bệnh thành tích”.

Không ít lãnh đạo của các trường THPT đã rơi vào tâm trạng hoài nghi: Tại sao lại phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2? Đó có phải là một quyết định mang nhiều tính “ngẫu hứng”? Phải chăng việc chống tiêu cực trong thi cử chỉ được làm nửa vời?

Ông Trần Xuân Đình, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho rằng: Tổ chức kỳ thi lần hai là vô cùng tốn kém và chưa chắc đã đạt được kết quả. Việc dạy và học cho học kỳ thứ 3 gây tâm lí mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh, và còn làm nảy sinh suy nghĩ "dạy và học cho xong".

Còn Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình đặt vấn đề kinh phí ở đâu cho đủ nếu có thêm một kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 chỉ cách sau đó thời gian quá ngắn? Tuy Bộ có dành kinh phí cho kỳ thi thứ hai nhưng việc các Sở phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí này cũng là một điều khó khăn.

Cùng chung quan điểm này, các Sở Bắc Kạn, Hoà Bình, Điện Biên đều phàn nàn Bộ chưa làm làm rõ ngân sách sẽ do Bộ cấp hay yêu cầu học sinh đóng góp, trong khi đó  phân bổ ngân sách đã "quyết" từ đầu năm, rất khó có nguồn để xử lý. Nguồn ngân sách này không phải nhỏ, nhất là với những vùng còn khó khăn. Theo tính toán nhanh của đại diện Sở GD-ĐT Điện Biên, thì riêng tỉnh này phải chi khoảng 100 triệu cho đợt thi lần 2.

Về thời gian tổ chức kỳ thi thứ 2, Bộ dự kiến tổ chức kỳ thi vào các ngày 22, 23, 24 tháng 8. Đây là mốc thời gian mà rất nhiều Sở phản đối vì không hợp lý. Thời gian này các Sở đều rất... bận vì phải làm rất nhiều công tác khác như tập huấn giáo viên, phổ biến chương trình thay sách giáo khoa, ôn tập hè cho các học sinh lớp 11, tổ chức kỳ thi vào lớp 10... chứ không không phải chỉ để dành riêng cho tổ chức kỳ thi thứ hai.Trong bộn bề công việc như vậy thì việc thực hiện làm sao hiệu quả!

Dù các Sở không bận thì việc cho học sinh ôn tập kỳ 3 trong thời gian tám tuần với mục đích giúp các em nắm được kiến thức thi đỗ kỳ thi lần 2 không khác nào thực hiện một việc "bất khả thi". Nên,ôn xong để đi thi thì cũng chỉ là hình thức!

Có thêm kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 không phải là một vấn đề quá  mới. Vào cuối những năm 1980, ngành giáo dục cũng đã từng tổ chức một năm 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng việc này chỉ được thực hiện vài năm sau đó đã phải bỏ vì không hiệu quả và phù hợp.

Khi xuất phát từ góc độ tạo cơ hội để học sinh trong quá trình thi lần 1 có sai sót có thể hoàn thành tốt nghiệp và cũng để dư luận không bị sốc, ngành giáo dục hoàn toàn đúng. Nhưng, thực hiện thế nào thì đến nay chưa hề có giải pháp khả thi. Nếu việc tổ chức cho học sinh thi lần 2 chỉ để “vét” học sinh thì cách nhận lỗi đó rất dễ rơi vào tình trạng lỗi“đẻ” thêm lỗi mà thôi.

“Hãy sát cánh cùng chúng tôi!”

 

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh cùng Thứ trưởng Bành Tiến Long bên lề cuộc họp giao ban lần 3 triển khai cuộc vận động “Hai không” tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay, 25/4. Thứ trưởng Long cho biết:

 

Kỳ thi tốt nghiệp sắp tới là một thử thách, nếu làm nghiêm túc thì kết quả tốt nghiệp sẽ thấp hơn, nhưng chúng ta phải khẳng định trách nhiệm với xã hội. Còn việc thi tốt nghiệp lần 2 thì là cách chúng ta thể hiện trách nhiệm với học sinh.

 

Thi tốt nghiệp THPT lần 2: Đừng để lỗi “đẻ” thêm lỗi! - 1

Thứ trưởng Bành Tiến Long

 

Thưa Thứ trưởng, khẳng định trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm với học sinh nên hiểu một cách cụ thể và đơn giản nhất là như thế nào?

 

Ngành giáo dục phải khẳng định trách nhiệm của mình trước xã hội bằng những mảnh bằng thực chất mà chúng ta đã cấp cho học sinh và khẳng định trách nhiệm với học sinh bằng cách nỗ lực cố gắng tiếp tục ôn và dạy cho các em có đủ kiến thức để lấy được những tấm bằng thực chất.

 

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng chỉ trong vòng 8 tuần thì việc ôn để thi và đỗ được là một điều rất khó?

 

Tôi tin rằng, với sự tích cực của giáo viên và của học sinh thì 8 tuần cũng là thời gian đủ để các em có học lực trung bình yếu tiến bộ lên mức học trung bình để có thể đỗ được tốt nghiệp.

 

Kỳ thi này liệu có phải là kỳ thi “vét” tất cả học sinh cho bằng đỗ được tốt nghiệp?

 

Kỳ thi này sẽ được tổ chức nghiêm túc không khác gì kỳ thi lần 1 và nếu học sinh yếu kém thì không thể đỗ. Tinh thần của cuộc vận động “Hai không” là rất nghiêm túc và dù thi lần 1 hay lần 2 thi kỷ luật vẫn được siết chặt như nhau.

 

Ngay bản thân giáo viên là những người thực hiện thì theo phản ánh từ phía cơ sở, nhiều giáo viên đã tỏ vẻ rất nản lòng với phương án này của Bộ và cho rằng đó là một quyết định mang tính bắt buộc và duy ý chí?

 

Theo ghi nhận của tôi tại các cuộc họp giao ban thì các lãnh đạo Sở đã đều cơ bản  nhất trí. Còn nếu nhận xét đó là quyết định bắt buộc và duy ý chí là không xác đáng vì tất cả đều được đưa ra bàn bạc dân chủ và công khai. Chúng tôi rất mong muốn đội ngũ cán bộ giáo viên sát cánh nỗ lực cùng chúng tôi để thực hiện những kỳ thi một cách thực chất nhất. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mai Minh
(Thực hiện)