Thi tốt nghiệp THPT và thi vào ĐH: Rất khó kết hợp hai mục tiêu

Tốt nghiệp THPT có thể xét học bạ còn kỳ thi đại học thì không thể bỏ được. Chúng ta không thể giảm áp lực bằng cách ghép 2 kỳ thi thành 1.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa kết thúc khâu tổ chức thi, hiện các cụm thi đang chấm bài cho kịp tiến độ công bố điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dù các cụm thi chưa công bố điểm thi chính thức, nhưng một số ý kiến cho rằng, đề thi có tới 60% câu hỏi là kiểm tra kiến thức cơ bản nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ cao, nhưng lại gây khó khăn cho việc xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng do tỷ lệ bài thi đạt điểm trung bình nhiều.

Thi tốt nghiệp PTTH và thi vào ĐH: Rất khó kết hợp hai mục tiêu

Tuy nhiên, theo Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, hiện chưa thể đánh giá được chất lượng của kỳ thi năm nay, mà phải phải chờ đến khi công bố điểm chính thức và các trường đại học, cao đẳng xét tuyển. Dù tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hay thấp thì cũng không thể bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong thời điểm này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kỳ thi THPT quốc gia do Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa tổ chức?

Ông Đào Trọng Thi:Kỳ thi chưa kết thúc vì chúng ta còn phải chấm thi, sau đó tổ chức công nhận tốt nghiệp cũng như là xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng. Thế nhưng qua bước đầu, tức là chúng ta thực hiện được khâu ra đề và coi thi và việc tổ chức thi ở các cụm thi thì cũng có thể thấy bước đầu cũng có đạt được mong muốn là giảm áp lực, giảm sự tốn kém, giảm sự khó khăn của thí sinh đặc biệt trong việc đi lại giao thông. Vì các cụm thi trải đều trên khắp toàn quốc, bởi vậy thí sinh không phải đi xa như trước kia các em dự thi vào các trường đại học, phải về các đô thị lớn.

Nhìn chung trong kỳ thi cũng không xảy ra việc gì lớn và có thể nói kỳ thi diễn ra một cách an toàn. Tôi nghĩ trước mắt chỉ có thể đánh giá được thế vì chưa biết được kết quả chấm thi như thế nào, chưa biết các em tốt nghiệp như thế nào, chưa biết các trường đại học tuyển các em thì có thuận lợi không nên chưa thể đánh giá về chất lượng được.

PV: Đề thi trong kỳ thi này được nhiều người nhận định là khó hơn đề thi tốt nghiệp, nhưng lại dễ hơn đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đào Trọng Thi:Tất nhiên rồi vì đã đặt hai mục tiêu trong một kỳ thi, tức là chúng ta cũng đặt cho đề thi này ra hai mục tiêu. Mục tiêu là xét tốt nghiệp phổ thông, rồi căn cứ để các trường đại học xét tuyển nên phải như vậy.

Trước kia chúng ta có hai kỳ thi, thì đề thi tốt nghiệp THPT khá dễ rồi, phần lớn các em học sinh làm được bài với kết quả trung bình trở lên để các em có thể tốt nghiệp mà tốt nghiệp tỷ lệ rất là cao đều trên 90%, 95%, 99%…

Còn đề thi tuyển sinh vào các trường đại học thì cũng khó hơn nhiều là vì đạt được mục tiêu là tính phân hóa rất cao và toàn diện để các trường đại học có những yêu cầu khác nhau về chất lượng đầu vào. Tức là ở đây có sự phân hóa giỏi, khá, trung bình, trung bình khá để các trường đại học top trên có thể chọn được những em giỏi, các trường top giữa có thể chọn được những em khá rồi những trường mà top dưới, trường bình thường người ta có thể chọn học sinh trung bình, học sinh trung bình khá…

Như vậy lần này một đề thi phải làm hai nhiệm vụ, trước kia là hai đề thi hoàn toàn khác nhau. Ở đây chính là một vấn đề mà chúng tôi rất là băn khoăn cũng nhiều lần cảnh báo và rất khó kết hợp giữa hai mục tiêu vào làm một.

PV: Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để các kỳ thi vừa đảm bảo đánh giá đúng học sinh phổ thông, vừa đảm bảo xét tuyển đại học, cao đẳng?

Ông Đào Trọng Thi:Đề nghị của tôi là thứ nhất chúng ta phải giảm bớt áp lực, thậm chí giảm bớt các kỳ thi, nhưng không phải cách là ghép 2 kỳ thi này vào làm 1 kỳ thi. Chúng ta xem trong 2 kỳ thi đó, cái nào là cần thiết, cái nào làm đến đâu là vừa. Phải thấy là kỳ thi tốt nghiệp THPT của chúng ta, các nơi đều đỗ tốt nghiệp từ 95% đến 99%, thế thì cần gì phải tổ chức kỳ thi quy mô, gây áp lực lớn như vậy.

Chúng ta có thể vẫn tổ chức kỳ thi này để tạo ra động lực để các em học tập, để các em chăm chỉ học tập, nhưng chúng ta tổ chức như là một kỳ kiểm tra, giao cho các sở giáo dục ở các địa phương, và về lâu dài có thể giao cho các trường trung học phổ thông tổ chức là đủ. Thậm chí chúng ta xét kết quả học tập trong 3 năm ở bậc phổ thông thì cũng hơn số lượng như vậy các em không đỗ tốt nghiệp.

Còn kỳ thi xét tuyển vào đại học thì không thể bỏ được. Nhưng kỳ thi xét tuyển đại học, cao đẳng chúng ta có thể giao cho các trường đại học, cao đẳng họ tự thực hiện. Khi đó họ sẽ chọn được học sinh theo đúng yêu cầu, học tập các ngành nghề, các lĩnh vực của họ.

PV: Vậy nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đều trên 95%, thậm chí là 99% thì chúng ta có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không thưa ông?

Ông Đào Trọng Thi:Học mà không thi thì các em không có động lực để học tập. Mình vẫn tổ chức nhưng ở mức kiểm tra thì các em vẫn phải học, không tổ chức cồng kềnh như hiện nay, quy mô quốc gia mà chỉ là kỳ thi ấy mình giao cho các địa phương tự làm. Thậm chí về lâu dài khi các cơ sở của chúng ta đủ năng lực thì chúng ta giao cho các trường phổ thông làm.

PV: Tuy nhiên, hiện nay xã hội vẫn chưa tin tưởng địa phương khi tổ chức thi, do bệnh thành tích vẫn còn xảy ra, nên rất dễ xảy ra tình trạng buông lỏng trong khâu coi thi, chấm thi. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Ông Đào Trọng Thi:Đây là 1 kỳ thi do địa phương làm, do trường làm thì sẽ không còn sự so sánh giữa các cơ sở, giữa các địa phương nữa. Hiện nay, kỳ thi THPT quốc gia cũng chủ yếu do địa phương tổ chức. Bệnh thành tích sẽ không còn nếu không còn sự so sánh giữa các địa phương với nhau, giữa các cơ sở với nhau. Bây giờ một trường tổ chức ra đề thi, chấm thi, người ta xét 90% đỗ, 10% các em không đỗ chẳng hạn thì làm sao so được với trường bên cạnh nếu như ra đề thi khác. Hiện nay chúng ta thi một đề chung thì mới có cơ sở để so với nhau./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo Minh Hường/VOV