Thi tốt nghiệp THPT: Vì sao không thực chất?

Trong những ngày này, gần một triệu học sinh trên cả nước đang bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù đây là một kỳ thi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng song lại không gây căng thẳng, lo lắng cho học sinh, phụ huynh. Vì thực tế, cho dù quá trình học tập của học sinh có diễn ra như thế nào thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các địa phương bao giờ cũng đạt trên 90%!

Phương án “3 chung” ở kỳ thi ĐH, CĐ không chỉ phản ánh đúng chất lượng đầu vào ở các trường mà nó còn là một minh chứng rõ nhất cho chất lượng thi tốt nghiệp THPT.

 

Sau vài năm áp dụng phương án này, người ta thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 90% trong khi đó tỷ lệ thi đại học đạt điểm trung bình cả 3 môn chỉ chiếm khoảng 14%! Điều đáng nói là phạm vi cũng như yêu cầu ra đề thi đại học chỉ nằm trong sách giáo khoa, không mang tính đánh đố học sinh. Nghĩa là thí sinh chỉ cần ôn luyện và học theo đúng trong sách giáo khoa là có thể an tâm bước vào kỳ thi đại học.

 

Theo Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, sở dĩ có sự không bình thường này là do yêu cầu của việc thi tốt nghiệp và thi đại học rất khác nhau. Thi tốt nghiệp chỉ cần đạt đến một cái ngưỡng nhất định nào đó. Còn thi đại học thì có sự tuyển chọn cao hơn, gay gắt hơn.

 

Nghe ông Bộ trưởng nói vậy có vẻ như hợp lý. Nhưng xin thưa rằng, trong những năm trước, một số đại biểu Quốc hội cho biết, ngành giáo dục địa phương của họ đã từng tổ chức thi “thử” (một cách nghiêm túc) và kết quả thì tỷ lệ tốt nghiệp cực thấp như Lạng Sơn chỉ ở mức 33% và Sơn La 39%. Điều đó chứng tỏ chất lượng thi tốt nghiệp THPT chỉ có khoảng 1/3 là đạt yêu cầu.

 

Không phải đến bây giờ, người ta mới kêu việc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao mà chất lượng thực chất thì lại thấp và cũng không phải chỉ có ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ nhiều năm nay, tình trạng này đã và đang diễn ra ở khắp các cấp, bậc học, đặc biệt là khối phổ thông. Ai cũng biết, nó được bắt nguồn từ căn bệnh thành tích.

 

Ở khắp các nơi, tỉnh nào, trường nào, lớp nào cũng thi đua học tốt, đạt thành tích tốt; các học sinh, giáo viên cùng nhau phấn đấu. Mà nếu chẳng may chất lượng không được như mong muốn thì cũng “cố gắng” để được như mong muốn. Người đứng đầu ngành giáo dục thì cứ một mực kêu rằng không bao giờ chỉ đạo các địa phương phải tốt nghiệp bao nhiêu % nhưng thử hỏi nếu thành tích đạt quá thấp thì liệu nơi ấy có được danh hiệu thi đua!

 

Cho dù chưa biết kết quả nhưng ai cũng đều hiểu rằng, kỳ thi năm nay sẽ không nằm ngoài dự đoán, nó sẽ đạt được những kết quả khả quan, nghĩa là tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp rất cao, còn số thí sinh vi phạm quy chế thi thì rất thấp... Việc này cũng lý giải vì sao kỳ thi đại học vẫn trở thành gánh nặng xã hội bởi số người đi thi quá đông, kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh trong khi nhu cầu tuyển chọn thì lại ít. Nếu 2/3 trong số thí sinh đi thi đại học đựơc loại bỏ ngay từ kỳ thi tốt nghiệp thì có lẽ, việc thi đại học sẽ không phải bàn cãi nhiều như hiện nay.

 

Lan Hương