Thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ: Nên có cả phần tự luận!

PGS-TS Hoàng Văn Vân - Phó Chủ nhiệm khoa Sau đại học - Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng chủ biên SGK THPT môn tiếng Anh - bày tỏ quan điểm về việc áp dụng thi trắc nghiệm môn tiếng Anh:

- Khi thay đổi hình thức kiểm tra, điều cơ bản chúng ta phải xác định được là thay đổi để nhằm mục đích gì: Để hướng tới các mục tiêu xã hội của môn học hay chỉ để bài thi của học sinh (HS) được chấm "khách quan".

 

Đối với ngoại ngữ thì hướng tới phục vụ các mục tiêu xã hội, xem HS có khả năng sử dụng được ngôn ngữ trong giao tiếp hay không, chắc chắn phải là mục đích ưu tiên. Thế nhưng hiện tại, việc chuyển hình thức từ nửa trắc nghiệm và nửa tự luận sang hình thức trắc nghiệm một trăm phần trăm nhằm mục đích gì thì tôi chưa biết.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết cấu của một bài thi trắc nghiệm tiếng Anh được đưa ra thí điểm trong thời gian gần đây, người ta không khỏi băn khoăn: Hình thức kiểm tra không thay đổi nhiều, nhưng nội dung kiểm tra thì lại nghèo nàn hơn những bài thi trước khi thay đổi, chỉ gồm có hai phần: Ngữ pháp - từ vựng và đọc. Với nội dung kiểm tra thiếu đa dạng và cách làm bài máy móc này thì rõ ràng bài thi thiếu đi tính toàn diện. Và quan trọng hơn, lại càng không kiểm tra được tính sáng tạo và trí thông minh của HS.

 

Ông có thể cho biết rõ hơn?

 

Trước đây, bài kiểm tra ngoại ngữ còn có ba phần là ngữ pháp, đọc và viết. Bây giờ chỉ là một loạt câu trắc nghiệm về ngữ pháp và đọc, bỏ hẳn phần viết. Một bài kiểm tra cả quá trình học ngoại ngữ 7 năm mà chỉ tập trung vào ngữ pháp và đọc, thì những cố gắng trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, và đặc biệt là những cố gắng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giao tiếp của Bộ GDĐT trong những năm qua sẽ trở nên vô nghĩa. Chắc chắn giáo viên và HS trong cả nước sẽ chỉ hướng vào dạy và học đọc và làm bài tập ngữ pháp theo hình thức trắc nghiệm để phục vụ cho mục đích thi. 

 

Người ta hy vọng, thi trắc nghiệm sẽ thay đổi được cách dạy, cách học trong nhà trường. Ông nghĩ thế nào về điều này?

 

Ít người phủ nhận được những ưu thế của thi trắc nghiệm khách quan. Tuy nhiên nếu bài thi vô tư, máy chấm vô tư, nhưng chạy theo thành tích, coi thi dễ dàng thì cũng không giải quyết được gì. Cái cốt lõi ở đây là con người; chúng ta phải làm thế nào để có thể có được con người trung thực, tự trọng, tránh chạy theo thành tích.

 

Vậy, sự cần thiết phải đổi mới ở đây là gì, thưa ông?

 

Học để hành chứ không phải chỉ học để thi. Với tình hình hiện nay ở VN, việc đổi mới khả dĩ có thể là đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ (thi đại trà) nên có hai phần: Phần trắc nghiệm để kiểm tra những nội dung đã học - kiến thức ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng; kỹ năng đọc, nghe (nếu được áp dụng); phần tự luận được dùng để kiểm tra khả năng sinh sản ngôn ngữ của HS: Nói và viết; và khi chúng ta chưa thể kiểm tra được kỹ năng nói thì chúng ta phải giải thích để xã hội - đặc biệt là cha mẹ HS - hiểu và tập trung vào kiểm tra kỹ năng viết.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Lê Hạnh

Lao Động