Thi trắc nghiệm: “Sao không để chúng em có ý kiến?”

(Dân trí) - “Chương trình học là cho chúng em - những người trực tiếp “học” chương trình đó, sao không để cho chúng em có ý kiến mà lại là những người chỉ đứng ngoài nhìn vào quan sát rồi nhận xét, kết luận một cách phiến diện, quyết định tương lai của chính chúng em”.

Em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) viết thư cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân về việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với các môn học.

Theo Bảo Ngọc thì việc thi trắc nghiệm các môn rất hợp lý và có ích cho tương lai việc làm sau này.

Để minh chứng cho điều này Bảo Ngọc đã đưa ra 5 điểm quan trọng với hy vọng Bộ trưởng sẽ lắng nghe và có quyết định đúng đắn.

Thứ nhất, vì thi trắc nghiệm chỉ có đúng hoặc sai, đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ thật kĩ càng và có trách nhiệm trước quyết định của mình. Không thể có chuyện kết quả sai nhưng lại vẫn được điểm nhờ một vài câu trong bài giải chính xác.

Theo suy nghĩ của em, trắc nghiệm vừa luyện cho học sinh tính quyết đoán, cẩn thận và tinh trần trách nhiệm. Để trả lời chính xác một câu hỏi, học sinh cần phải nắm thật rõ bài mới trả lời đúng được, không thể làm bậy làm bạ rồi vẫn được 0,25-0,5 điểm cho vài phần đúng được.

Đối với học sinh, 0,25 và 0,5 rất quý giá, như vậy, nếu cho 0,25-0,5 điểm cho những bạn không học bài mà ăn may đúng được một phần thì sẽ rất bất công với những bạn khác.

Thứ hai, sắp tới, thi Tú tài sẽ là 100% trắc nghiệm, nếu bây giờ không luyện tập thì chắc chắn sẽ xảy ra những sai sót đáng tiếc do không được huấn luyện kĩ càng. Chúng em đã quen với cách thi trắc nghiệm, bây giờ quay lại tự luận, chắc chắn sẽ bị hẫng và làm bài không đúng với thực lực của bản thân.

Thứ ba, tương lai khi đi làm, người ta sẽ đòi hỏi nhiều ở kết quả chứ không nhìn vào cách làm. Ví dụ, một người A được giao cho một dự án B nhưng lại không hoàn thành tốt đúng thời hạn như yêu cầu, người A biện hộ cho mình rằng: “Tôi đã làm thế này, tôi đã làm thế kia... nhưng vẫn không được”. Kết quả vẫn là không hoàn thành, vẫn làm tổn hại cho công ty, cơ quan, tập thể... cho dù có quá trình bản thân có cực khổ đến thế nào đi chăng nữa!

Khi mà Việt Nam gia nhập WTO, các công ty làm việc theo kiểu nước ngoài này sẽ càng ngày càng nhiều, liệu con người ta sẽ thành công nếu cứ làm việc theo kiểu quá trình rất cực khổ nhưng kết quả lại bằng 0?

Thứ 4, nội dung câu nói: “Bởi vì những môn này khi giải bài đòi học sinh cần có đầy đủ kiến thức mà còn đòi hỏi sự tư duy mới giải bài hay được” là sai đối với mặt bằng chung của nhiều học sinh hiện nay, điển hình là trường em.

Thực trạng là chỉ cần học thuộc cách làm bài đã được giáo viên cho sẵn, áp dụng vào để làm bài thi, biến đổi một chút là có được một bài làm hoàn chỉnh mà chẳng cần vận dụng một chút thông minh hay tư duy nào. Có chăng chỉ là tư duy khi biến đổi dàn bài cho sẵn thành một bài mới gần giống mà thôi. Hay đó sẽ được gọi là “sự linh động” trong học đường ?

Thứ 5, một số giáo viên THPT rất đặt nặng vấn đề về trình bày, nếu trình bày sai, khó hiểu thì sẽ bị trừ điểm ngay mặc dù kết quả chính xác. Đặt trường hợp em biết làm bài đó nhưng thực sự hoang mang vì không biết cách trình bày thì chẳng lẽ cho em 0 điểm bài đó?

Với những môn Tự nhiên, chúng em học cách giải bài chứ không phải học làm văn hay viết chính tả, vậy mà vẫn phải giải bài với những phương pháp rất dài dòng, dài đến cả 2 trang giấy mà lẽ ra chỉ cần 4 dòng là xong (?!). Thời gian để làm bài sẽ kéo dài ra thêm, vừa mệt học sinh, vừa mệt thầy cô giám thị coi thi. Trong khi đó, với trắc nghiệm, chỉ cần khoảng 1 nửa thời gian (50' thay vì 90') để làm 40 câu trắc nghiệm là đủ. Thời gian sau đó, học sinh sẽ được nghỉ ngơi, dưỡng sức, và có thể thi 2-3 môn trong cùng 1 ngày, như thế là tiết kiệm tiền bạc và nhân lực hơn rất nhiều.

N.H
(Nguồn: Website Bộ GD-ĐT)