“Thi tuyển” vào lớp 1: Áp lực từ chính phụ huynh

(Dân trí) -Bộ GD-ĐT đã có quy định nghiêm cấm việc tổ chức thi tuyển vào lớp 1, tuy nhiên điều này chỉ có tác dụng với trường công lập. Với những trường ngoài công lập không phải tuyển sinh theo tuyến nên đành phải kiểm tra đầu vào để nhằm mục đích loại bớt số học sinh.

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Hiện nay ở Hà Nội có 4 - 5 trường tiểu học ngoài công lập tổ chức kiểm tra đầu vào đối với học sinh lớp 1. Tuy nhiên “nóng bỏng” nhất chủ yếu tập trung vào 3 trường: Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn, Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Tiểu học Nguyễn Siêu.

Giải thích về "độ nóng" của các trường này, ông Tiến cho biết, đây đều là các trường thực hiện theo mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao thể hiện qua việc sĩ số lớp học chỉ dao động trong khoảng 24-28 em, các dịch vụ đi kèm như đưa đón học sinh, tổ chức các lớp học theo mô hình quốc tế... Hầu hết gia đình có con em dự thi vào các trường này đều phải có điều kiện vì mức học phí ở đây tương đối cao.

Nhiều phụ huynh có điều kiện lựa chọn trường ngoài công lập để tránh tình trạng 
Nhiều phụ huynh có điều kiện lựa chọn trường ngoài công lập để tránh tình trạng con mình học trong lớp có sĩ số đông và quan trọng hơn là được sử dụng các dịch vụ mà trường công không có.

“Do số lượng đăng ký học gấp nhiều lần chỉ tiêu nên buộc các trường tiểu học ngoài công lập uy tín phải kiểm tra đầu vào. Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ không cho phép các trường tổ chức thi nội dung trong chương trình lớp 1. Chính vì thế, các bậc phụ huynh có điều kiện có thể cho con dự tuyển vào những trường này, nhưng không nên gây áp lực căng thẳng cho trẻ khi bắt các cháu phải ôn luyện và thi quá nhiều trường” - ông Tiến chia sẻ.

Áp lực “thi tuyển”: Phụ huynh tự tạo ra

Nếu như các năm trước, các trường ngoài công lập còn tổ chức thi tuyển thì năm nay chấp hành quy định của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội về việc “cấm tổ chức thi đọc, viết” đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1 nên việc sàng lọc đầu vào được thực hiện phần lớn theo hình kiểm tra IQ (kiểm tra năng lực nhận thức, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán…) kết hợp với việc kiểm tra năng khiếu tiếng Anh và kiểm tra sức khỏe...

Trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn vừa tiến hành kiểm tra đầu vào đợt 1 đối với trẻ đăng ký vào học lớp 1 theo hình thức IQ. Chia sẻ về cách thức kiểm tra cô Lý Thị Sơn - phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc kiểm tra đầu vào rất đơn giản chủ yếu là đánh giá khả năng nhận thức, tư duy của các con. Việc đánh giá này thông qua các hoạt động vui chơi như xếp hình, ghép hình, trò chơi giao thông… và giáo viên sẽ quan sát để cho điểm. Sẽ có một cuộc trao đổi nhỏ giữa giáo viên và học sinh để đánh giá khả năng phát âm, nhận biết của trẻ. Phần lớn các hoạt động này các con cũng đã được làm quen ở chương trình mẫu giáo 5 tuổi”.

Trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn vừa tổ chức kiểm tra nhận thức
Trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn vừa tổ chức kiểm tra nhận thức (IQ) đợt 1 với phương thức đơn giản và gần gũi với trẻ.

Cũng theo cô Sơn, việc gây áp lực cho trẻ chủ yếu là do phụ huynh tạo nên. Việc kiểm tra của nhà trường không cần trẻ phải biết chữ, biết làm toán nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn lo lắng cho con đi học trước. Thậm chí có những bậc phụ huynh đăng ký cho con dự tuyển vào nhiều trường và sau đó có khi trúng tuyển nhưng lại không đến nhập học.

“Tôi chỉ mong muốn các bậc phụ huynh cần xác định chọn 1 hoặc 2 trường cho các con dự tuyển. Dù việc kiểm tra đầu vào là nhẹ nhàng nhưng nếu dự thi nhiều trường cũng tạo áp lực ít nhiều cho các cháu” - cô Sơn nhấn mạnh.

Dưới góc độ khác, phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn phân tích thêm: Do là trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao nên việc kiểm tra đầu để sàng lọc học sinh rất là quan trọng. Đối với những em có khả năng nhận thức chậm hoặc có những biểu hiện của chứng tăng động, giảm trí nhớ thì trường thường động viên nên theo học trường công đúng tuyển.

“Phần lớn con em theo học trường chất lượng cao đều có những yêu cầu rất khắt khe. Chính vì thế chúng tôi không thể vì một cá nhân làm ảnh hưởng đến các cháu khác” - cô Lý Thị Sơn chia sẻ.

Trưởng phòng Phạm Xuân Tiến tiết lộ: Hiện nay có hiện tượng phụ huynh muốn rèn “áp lực” thi cử cho con ngay khi còn nhỏ nên họ cứ đăng ký tham gia. Không chỉ tham gia một mà là nhiều trường, điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ

Kỳ vọng quá lớn sẽ ảnh hướng đến trẻ

Theo GS Văn Như Cương, việc một số trường tiểu học ngoài công lập tổ chức kiểm tra đầu vào là điều tất yếu bởi số lượng hồ sơ đăng ký quá đông.

“Điều tôi không hiểu là tại sao các bậc phụ huynh lại phải cho con “chạy maratông” sớm thế. Quan niệm của tôi, cả cuộc đời đi học là một cuộc “chạy maratông” và chúng ta phải xác định khi nào thì nên chạy nước rút. Ở đây ngay từ đầu phụ huynh đã cho con chạy nước rút thì liệu còn chạy được bao nhiêu nữa?” - GS Văn Như Cương bày tỏ sự boăn khoăn.

GS Cương cũng cho rằng, trẻ nhỏ mới vào lớp một cần phải vừa học vừa vui chơi. Chính vì thế, chỉ cần cho trẻ học ở trường gần nhà mình nhất và không nên “chạy nước rút” ở giai đoạn này. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, bất cập lớn nhất của giáo dục hiện nay đó là khoảng cách chất lượng giữa các trường không đồng đều nên mới dẫn đến hiện tượng phụ huynh chọn trường tốt, trường điểm.

Tạo áp lực cho trẻ sớm sẽ gây nhiều hệ lụy khôn lường.
Tạo áp lực cho trẻ sớm sẽ gây nhiều hệ lụy khôn lường.

“Tâm lý phổ biến của phụ huynh bây giờ là con mình cái gì cũng phải là nhất, cũng phải là hàng đầu. Đây chính là áp lực đè nặng lên vai đứa trẻ mới bước vào lớp 1 và điều này không có lợi cho tương lai của các con” - GS Cương cảnh báo.

Liên quan đến việc cho trẻ đi kiểm tra đầu vào lớp 1 liệu có tạo cho trẻ trạng thái tâm lý thất bại hay không, GS Văn Như Cương phân tích: Điều này không quan trọng nếu thái độ của các bậc phụ huynh đúng. Nếu phụ huynh xác định việc kiểm tra này chỉ như là cuộc đi chơi và giải thích cho trẻ hiểu thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu phụ huynh có thái độ thái quá thể hiện như mắng mỏ trẻ… thì rất là nguy hại.

Đồng quan điểm này, cô Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B chia sẻ thêm, ở tuổi bước vào lớp 1, trẻ rất ngây thơ và hồn nhiên. Các em như là một tờ giấy trắng. Ở độ tuổi này, các con chưa thể nhận thức được thế nào là sự thất bại. Chính vì thế nếu phụ huynh có cách cư xử đúng mức sau mỗi lần con dự thi thì trẻ cũng không chịu áp lực gì nhiều.

Nguyễn Hùng