Thi văn ở Trung Quốc và những bài văn điểm 10

Năm 2003, bài thi đạt điểm tối đa của thí sinh Ngô Bân đến từ tỉnh Thiểm Tây đã gây chấn động khắp Trung Quốc. Ở phần thi văn, Ngô Bân đã viết nên bài thơ “Vô đề” chỉ có 209 chữ, và chính bài thơ này đã gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt trong giới giáo dục nước này.

Trung Quốc không gọi là môn “văn học” như ta, mà đặt tên là môn “ngữ văn”. Đề thi ngữ văn dưới dạng trắc nghiệm, gồm tất cả 6 phần, cấu trúc gần giống một đề thi tiếng Anh bình thường ở ta.

 

Đề thi cũng có các phần ngữ pháp, phần đọc, phần dịch từ văn cổ sang tiếng Hán hiện đại..., và cuối cùng là phần kĩ năng viết. Tổng điểm 150 điểm, phần viết chiếm 60 điểm. 

Đây là phần mà cả thí sinh lẫn người chấm thi đều đặc biệt chú ý, bởi nó sẽ giúp phân loại giữa các thí sinh một cách rất rõ ràng. Các trường khi ra đề ở phần này cũng cố gắng phát huy khả năng sáng tạo, vận dụng kiến thức và cách dùng từ của thí sinh.

Từ sau cải cách mở cửa của Trung Quốc đến nay, ở phần thi văn viết, các trường đại học đã cải cách 2 lần phương pháp ra đề. Đến nay, đề thi văn của Trung Quốc rất đa dạng và phong phú.

Kì thi đại học năm 2006 vừa qua, cả nước có tất cả 2 bộ đề thống nhất, và 17 tỉnh thành phố được ra đề riêng. Sơ lược qua 17 đề thi phần văn viết, đề thi về vấn đề đọc sách thời internet, có trường lại ra đề về một từ vựng mới xuất hiện trong từ điển tiếng Hán.

Trường khác thì ra liên quan tới một câu chuyện ngụ ngôn hoặc thành ngữ, đề văn của khu vực thi Bắc Kinh mang đầy không khí Olympic với “Biểu tượng của Bắc Kinh”, đề văn của Thượng Hải chỉ vỏn vẹn “Tôi muốn nắm lấy tay bạn” ...

Thường tài liệu hoặc vấn đề được nêu ra trước tiên, sau đó là “em hãy dựa vào chủ đề....., tự lập dàn ý, tự chọn tiêu đề, viết một bài không dưới 800 chữ, thể loại không hạn chế, nội dung không được vượt ra ngoài phạm vi của chủ đề, tuyệt đối cấm sao chép”.

Đặc biệt, sinh viên các trường đại học ngành xã hội rất quan tâm xem “đàn em” mình thi văn ra sao. Họ lên mạng bình luận sôi nổi, phê bình các đề thi đi vào lối mòn, cứng nhắc, lạc hậu.

Về phía thí sinh, nhiều em cũng bộc lộ tài năng văn chương của mình một cách thuyết phục với vô số đề tài ở đủ các thể loại.Phổ biến nhất là thể loại nghị luận và tản văn, nhưng nhiều thí sinh cũng mạo hiểm thử sức với những thể loại đặc biệt hơn như thư từ, phóng sự, phỏng vấn, truyện ngắn, kịch...

Hàng năm, ở từng khu vực thi, những bài văn đạt điểm tối đa 60 điểm (tương đương với bài văn 10 điểm ở ta) không phải là hiếm, và những bài xuất sắc như thế đều được đóng thành tuyển tập cho tất cả học sinh tham khảo.

Một số bài văn 10 điểm còn gây ấn tượng sâu sắc trong dư luận cho đến tận bây giờ. Ví dụ như vào năm 1977, Trung Quốc khôi phục kì thi tuyển sinh đại học đầu tiên sau cách mạng văn hóa, một bài viết của thí sinh ở Bắc Kinh đã gây vang dội với tiêu đề: “Trong một năm tôi chiến đấu ở nơi đây”.

Bài văn mở đầu độc đáo bằng tiếng khóc của chính con thơ của tác giả. Bài viết chân thực, sâu sắc, phản ánh đúng tâm trạng của người viết sau 10 năm sóng gió của cách mạng văn hóa.

Đến năm 2001, thí sinh Tưởng Tân Kiệt của tỉnh Giang Tô cũng giành điểm tuyệt đối với bài: “Cái chết của Xích Thố”. Điểm đặc biệt của bài thi này là tác giả đã dùng văn bạch thoại cổ một cách rất điêu luyện để kể về con ngựa Xích Thố của Quan Vũ trong Tam Quốc.

Tới năm 2003, bài thi đạt điểm tối đa của thí sinh Ngô Bân đến từ tỉnh Thiểm Tây đã gây chấn động khắp Trung Quốc. Ở phần thi văn, Ngô Bân đã viết nên bài thơ “Vô đề” chỉ có 209 chữ, và chính bài thơ này đã gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt trong giới giáo dục Trung Quốc.

Nhiều thầy giáo tuyên bố bài thi này phạm quy (không đủ 800 chữ) thì chỉ đáng 0 điểm, và việc cho điểm tuyệt đối một bài thi phạm quy sẽ là gương xấu cho những năm tiếp theo.

Nhưng rất nhiều giáo sư và thí sinh khác lại lên tiếng bảo vệ rằng bài “Vô đề” rất xuất sắc, xứng đáng được điểm tối đa, hơn nữa thơ ca phải có ngoại lệ, đây là bước đột phá nên khuyến khích để thí sinh không ngừng phát huy tài năng sáng tạo.

Đề thi năm đó liên quan đến câu chuyện ngụ ngôn “Trí tử nghi lâm” của Hàn Phi Tử (câu chuyện về một người giàu có nghi ngờ hàng xóm ăn cắp đồ nhà mình, chứ không hề nghi chính con trai mình), và yêu cầu thí sinh dựa vào chủ đề mối quan hệ giữa tình cảm và lí trí để làm bài.

Bài thơ “Vô đề” của thí sinh Ngô Bân viết dưới thể tự do, dùng từ giản dị, hàm súc, ý nghĩa sâu xa. Nguyên văn như sau (người viết tạm dịch):

“Vén rèm lên, phóng mắt ra ngoài nắng
Cho dù anh có thích hay chăng?
Ánh nắng vẫn chỉ bảy màu lấp lánh:
Đỏ da cam vàng lục tím lam chàm
Tình cảm, hắn vốn dĩ vô tội lỗi
Nhưng lại giống như chiếc kính đổi màu
Nhuộm lên cả thế giới sắc bi thương
Làm biến hình mọi gương mặt
                                     trăm phương

Rồi bày ra trước mặt anh - kẻ vô tri
Anh lập tức chỉ ngón tay bình phẩm:
“Cái này xấu, nhưng vật kia lại đẹp”

Xin đừng để lí trí có thời gian ngơi nghỉ
Vì nếu tình cảm như sương mờ ảo
Cẩn thận hắn sẽ che khuất bờ kia
                                        chân lý
Nếu tình cảm lại giống ánh trăng
Anh phải hiểu rằng hắn không thể
                                     sánh bằng màu nắng
Nói thế không phải vì tình cảm luôn
                                      lừa dối
Nhưng có lúc hắn bị bóp méo đến khó
                                        nhận ra

Hãy thường xuyên lau sạch đôi mắt
Luôn để lí trí ngự trị bên mình

Vén rèm lên, phóng mắt ra ngoài biển
Liệu anh có nhìn rõ đá ngầm ngoài
                                  khơi sâu?

Nếu anh tự tin thì hãy căng buồm lên
Gió nổi lên rồi kìa anh xem
Đó là bến bờ nơi anh vươn tới!”

CCTV đã mời Ngô Bân và Tưởng Tân Kiệt tới làm khách trong chương trình đặc biệt hậu thi đại học năm đó. Tuy Ngô Bân đạt điểm 10 với bài thơ trên, nhưng tổng điểm 4 môn của Bân hơi thấp vì thế năm đó Bân vẫn trượt đại học.

Mặc dù hai trường đại học ở tỉnh Liêu Ninh đã đặc cách mời Ngô Bân vào thẳng, nhưng thí sinh này vẫn từ chối và quyết tâm ôn thi tiếp năm sau để vào được trường mình mơ ước.

Sau sự kiện bài thơ thi đại học, vì có quá nhiều ý kiến trái ngược, nên từ năm 2004 dưới mỗi đề văn phần thi viết đều thêm vào chú thích “trừ thơ ca, mọi thể loại đều không giới hạn”!

Xoay quanh các bài thi văn xuất sắc ở Trung Quốc, vấn nạn đạo văn đang hoành hành ở các hội đồng thi mấy năm trở lại đây. Từ năm 2000, năm nào giáo dục Trung Quốc cũng đau đầu về chuyện tác giả của bài văn 10 điểm nào đó xào lại y nguyên một tản văn đăng trên báo.

Rồi bài thi đạt điểm tối đa từ năm 2002, thậm chí còn được tuyển vào sách tham khảo của tỉnh, nhưng phải tới 2 năm sau mới bị phát hiện ra là “đồ giả”! Nhiều tác giả của nguyên tác đã đâm đơn ra tòa kiện thí sinh đạo văn. Cách ra đề văn của Trung Quốc mở rộng đến vậy, nhưng vẫn chưa hạn chế được nạn sao chép của thí sinh! 

Theo Duy Thị
Tiền Phong