Thi vào trường ĐH đa ngành: Tăng gấp đôi cơ hội đỗ!

(Dân trí) - Tại những trường ĐH đa ngành như ĐH Quốc gia, Bách khoa và các ĐH vùng… dù tỷ lệ “chọi” có cao đến bao nhiêu thì cơ hội đỗ của thí sinh vẫn được nhân đôi, thậm chí nhân ba so với việc dự thi vào những trường ĐH khác.

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2006, sẽ có khoảng trên 20 trường ĐH thuộc loại ĐH đa ngành. Đó là những trường như ĐH QG Hà Nội, ĐH QG TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Tây Bắc, ĐH Hùng Vương, ĐH Hải Phòng, ĐH Hồng Đức, ĐH Vinh, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH An Giang, ĐH cần Thơ, ĐH Đà Lạt, ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên, ĐH Tiền Giang, ĐH Bách khoa…

 

Hiện, chỉ tiêu và số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào từng ngành của mỗi trường là một thông số chiếm được sự quan tâm của hầu hết thí sinh. Tuy nhiên, thông số này lại chỉ tồn tại một cách khá vô nghĩa và thường chỉ mang tính hình thức. Thậm chí, tại nhiều trường ĐH, họ còn không quan tâm đến các con số “lắt nhắt” này mà chỉ quan tâm đến tổng số thi đầu vào là bao nhiêu. Đó là những trường như ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế quốc dân…

 

Một số trường ĐH khác yếu thế hơn thì họ giấu biệt con số này đi vì sợ thí sinh khi biết tỷ lệ chọi vào những ngành đó “hẻo” quá sẽ nản lòng mà bỏ thi thì ngành đó của trường sẽ điêu đứng. Đó là một số ngành như trồng trọt, chăn nuôi của các trường ĐH thuộc khối nông - lâm - nghiệp.

 

Vì sao đây là một thông số vô nghĩa? Theo một cán bộ thuộc phòng đào tạo của trường ĐH Bách khoa thì trường này rất sẵn sàng luân chuyển những thí sinh thi vào trường trượt ngành này nhưng lại đủ điểm trúng tuyển vào ngành khác nếu thí sinh đó có nguyện vọng. Đơn cử như trong kỳ thi tuyển sinh năm 2005, nhiều thí sinh khi thi vào Bách khoa đã được cứu khỏi một bàn thua trông thấy khi trượt Khoa Công nghệ thông tin và đã được chuyển sang khoa Công nghệ dệt may và thời trang.

 

Không chỉ Bách khoa mà ĐH Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên thuộc hai ĐH Quốc gia Hà Nội và TPHCM và nhiều trường ĐH khác đều sẵn sàng như vậy.Vì thế, việc dựa trên tỷ lệ chọi của từng ngành trong trường để đi đến quyết định xem chọn ngành nào để thi là một tính toán không cần thiết.

 

Bên cạnh sự rất thiện chí của các trường thì điểm chuẩn của từng ngành trong các trường ĐH đa ngành thường cũng có một khoảng cách tương đối rộng rãi trong khoảng từ 1 đến 4 điểm. Như ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh năm 2005, điểm chuẩn của ngành Điện tử viễn thông lên đến 26,5 điểm trong khi điểm chuẩn của ngành Cơ học kỹ thuật chỉ là 22 điểm.

 

Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, với 17 ngành có mức điểm chuẩn khá thoáng cho cơ hội đõ của thí sinh: Điểm chuẩn của ngành Hoá học 26 điểm, các ngành khác như Toán học, Toán cơ: 22,5 điểm, Toán - Tin ứng dụng: 24 điểm, Vật lý, Công nghệ hạt nhân 21,5 điểm, Công nghệ môi trường: 21 điểm…

 

ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cũng có 14 ngành với mức điểm chuẩn của các ngành đều có sự xê dịch từ 0,5 đến 2,5 điểm.

 

Tuy nhiên, cơ hội đỗ này chỉ có được tại những trường ĐH đa ngành vì chỉ ở những trường ĐH đa ngành mới có nhiều mức điểm chuẩn khác nhau. Vì thế, nếu thí sinh đã quyết định thi vào những trường như vậy thì thay vì việc tra cứu thông tin xem tỷ lệ chọi của mỗi ngành là bao nhiêu, hãy cứ yên tâm dự thi và yên tâm với các cơ hội đỗ của mình sẽ là vượt trội hơn hẳn so với việc dự thi vào những trường ĐH khác.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh