Thiết bị dạy học: Chất lượng vẫn quá kém!

(Dân trí) - Bộ thí nghiệm về lực đẩy Ác si mét phải tháo gỡ quả nặng ra thêm vào nhiều đá mới chìm được, các dụng cụ đo như nhiệt kế, vôn kế, ampe kế thường cho kết quả thiếu chính xác...

Đó là một trong những vô vàn lý do về chất lượng thiết bị giáo dục kém mà các giáo viên đã đưa ra tại Hội thảo “Quản lý và sử dụng thiết bị dạy học” sáng nay 28/3, của GD- ĐT.

 

Cây liễu cũng được coi là thiết bị dạy học

 

Thầy Phạm Văn Ni trường THCS Hựu Thạch, Đức Hoà, Long An bức xúc nói: “Bộ thí nghiệm về lực đẩy Ác si mét phải tháo gỡ quả nặng ra thêm vào nhiều đá mới chìm được; bình tràn thì lỗ nước tràn không kín và quá ngang nên không hứng được hoàn toàn lượng nước tràn ra. Bộ dụng cụ thí nghiệm về áp suất thì miếng nhựa và đáy ống trụ không thể kín để làm thí nghiệm thành công. Xà nhảy cao bằng nhôm học sinh chỉ nhảy một lần vướng xà là không sử dụng tiếp được”.

 

Nhà giáo Đặng Như Bằng giáo viên Vật lý Trường THPT Trực Ninh, tỉnh Nam Định chua xót cho hay: “Có những thiết bị nhập khẩu không phù hợp với chương trình hiện hành của Việt Nam. Một số thiết bị không có phụ tùng thay thế khi hỏng hóc, ví dụ bộ quang hình chứng minh với chùm tia mạnh do Cộng hoà Liên bang Đức sản xuất trị giá 75 triệu đồng, có một bóng đèn halogen, nếu bóng đèn này cháy thì bộ thiết bị này trở thành vô dụng. Đặc biệt, có thiết bị dạy học chưa bao giờ được coi là thiết bị dạy học như cây tùng, cây liễu, cây xà nu... Học sinh chưa từng nhìn thấy cây liễu thì thật khó hình dung đầy đủ câu thơ của Xuân Diệu”.

 

Không dừng lại đó, nhiều bộ môn khác cũng “hứng chịu” những bộ đồ dùng học tập kém chất lượng. Bộ đồ dùng mô hình ADN môn sinh học khó lắp ráp, mô hình chuyển động môn công nghệ, la bàn, địa lý... có ren, ốc vít lắp ráp không khớp. Một số tranh vẽ của các bộ môn, nét vẽ chưa rõ, màu sắc không phù hợp với thực tế, tranh lịch sử không phù hợp với kênh hình, bộ môn cân đĩa môn toán của tiểu học, các dụng cụ đo như nhiệt kế, vôn kế, ampe kế thường cho kết quả thiếu chính xác. Với môn lý thì đồ dùng như dây cao su để lấy chất khí thì bị hỏng, thủng, bộ đồ điện phân dung dịch khi bình điện mở ra đã gãy hỏng không điều chế được.

 

Cô giáo Đặng Thuý Liên giáo viên trường THPT Tư thục Marie Curie TP. Hải Phòng cho rằng: “Những điều trên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn làm cho học sinh hoài nghi về những kết quả đã có”. 

 

Thiết bị yếu, giáo viên thiếu!

 

Bên cạnh việc kém chất lượng của một số thiết bị giáo dục thì việc bảo quản thiết bị cũng không được coi trọng. Hiện nay, hầu hết các trường chưa xây dựng được phòng học bộ môn, phòng để thiết bị, hệ thống tủ, giá để thiết bị cũng thiếu thốn, các thiết bị phòng học còn có hiện tượng để chồng chất lên nhau gây nên tình trạng bể, gãy, hư hỏng.

 

Ông Lê Tuấn Tứ, phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hoà khẳng định: “Chính vì lẽ đó đã gây tâm lý giáo viên ngại tìm kiếm và sử dụng thiết bị dạy học. Việc triển khai sử dụng và bảo quản thiết bị chưa được cao. Đây là hiện tượng khá phổ biến, không những không có tác dụng trong việc nâng cao chất lượng dạy học mà còn gây lãng phí”.

 

Bên cạnh đó, mỗi trường chỉ có 1 giáo viên chuyên trách phụ trách thiết bị, còn hầu như là giáo viên kiêm nhiệm chưa có nghiệp vụ mà chỉ là giáo viên chuyển sang nên trình độ chuẩn chưa có, hầu hết là giáo viên tự mày mò nghiên cứu.

 

Trước thực tế trên, Bà Đặng Thuý Liên, giáo viên trường tư thục Maree Curie TP. Hải Phòng đề nghị Bộ GD- ĐT cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm định chất lượng thiết bị giáo dục của các đơn vị sản xuất để đảm bảo tính chính xác và độ bền vững cũng như giá trị sử dụng của thiết bị, khắc phục những hạn chế của chất lượng thiết bị trong những năm qua. Quan tâm đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng thực hành, thí nghiệm, kho chứa và bảo quản thiết bị cho các trường. Đặc biệt, đào tạo cán bộ phụ trách thiết bị thí nghiệm chuyên trách, để nâng cao chất lượng sử dụng các thiết bị giáo dục chứ không phải đơn thuần là người thủ kho như hiện nay.

 

Thực tế về một số thiết bị giáo dục kém chất lượng này đã được kiến nghị nhiều năm nay, tuy Bộ GD-ĐT đã có nhiều biện pháp kiểm tra chấn chỉnh, nhưng những yếu kém này vẫn tồn tại chưa có biện pháp khắc phục. Và tình trạng dạy chay, học chay ở nhiều địa phương vẫn diễn ra thường xuyên.

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh