Thanh Hóa:

Thiếu giáo viên, ngành Giáo dục phải “cầu cứu” lên UBND tỉnh

(Dân trí) - Ngành Giáo dục thị xã Bỉm Sơn đang thiếu hàng chục giáo viên, phòng học cũng thiếu, địa phương này đã phải “cầu cứu” lên UBND tỉnh. Cái khó là mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận, hợp đồng lao động và bổ nhiệm các chức danh…

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT thị xã Bỉm Sơn, năm học 2015 - 2016, toàn thị xã có 145 lớp ở bậc Tiểu học nhưng chỉ có 176 cán bộ, giáo viên (GV) và nhân viên hành chính. Theo đó, để đảm bảo đủ giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy 145 lớp thì hiện nay, địa phương này còn thiếu gần 60 GV.

img-2234-1-1441343319637
Thiếu phòng học khiến nhiều lớp ở bậc học Mầm non có số lượng học sinh đông hơn so với quy định

Đối với bậc học THCS về cơ bản vừa đủ GV. Tuy nhiên lại thiếu GV cục bộ giữa các bộ môn. Còn ở bậc học Mầm non hiện tại vẫn thiếu hơn 10 cán bộ GV. Hiện tại, để đảm bảo việc học tập của học sinh, ngành Giáo dục thị xã Bỉm Sơn đã buộc phải bố trí nhiều lớp học có số lượng học sinh vượt quy định của ngành.

Cụ thể, ở bậc học Mầm non phần lớn các trường đều có 40-45 cháu/lớp. Trong đó, căng nhất là ở phường Bắc Sơn có thời điểm lên tới 60 cháu/lớp. Còn bậc học Tiểu học thì có trên 40 học sinh/lớp. Trong khi đó theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi lớp chỉ có không quá 35 em/lớp.

Đây là một nghịch lý đầu năm học ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bởi thực trạng chung hiện nay là phần lớn các địa phương đang phải "đau đầu" giải quyết bài toán dôi dư về GV thì thị xã Bỉm Sơn lại đối mặt với vấn đề thiếu GV.

Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Phòng GD-ĐT thị xã Bỉm Sơn đã tham mưu cho UBND thị xã làm tờ trình gửi lên UBND tỉnh Thanh Hóa “cầu cứu” về việc thiếu GV trầm trọng.

Trước đó, năm học 2013 - 2014, để đảm bảo đủ số lượng GV đứng lớp, thị xã Bỉm Sơn đã hợp đồng lao động với 23 GV bằng hình thức hợp đồng năm một. Tuy nhiên, ngày 27/7/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn số 7369/UBND-THKH về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận công chức, hợp đồng lao động và bổ nhiệm chức danh phó trưởng phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

Với quy định này thì thị xã Bỉm Sơn không được ký hợp đồng đối với số GV này và cũng chính là nút thắt trong bài toán giải quyết vấn đề thiếu GV trong năm học mới của địa phương này.

Bên cạnh đó, cùng với chủ trương phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, những năm gần đây, tỷ lệ các cháu Mầm non và Tiểu học là con em của cán bộ, công nhân các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn ra lớp đông hơn rất nhiều so với các năm trước.

Học sinh tăng nhanh đã dẫn đến tình trạng thiếu phòng học nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành Giáo dục, đối với bậc học Mầm non, thị xã Bỉm Sơn còn thiếu khoảng 15 phòng học, bậc học Tiểu học thiếu 10 phòng học. Ngoài ra, 50% các trường thiếu các phòng chức năng và phòng bộ môn…

Thực trạng trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia của các nhà trường cũng như ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy, chăm sóc các cháu. Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng và không an tâm vì lớp học của con quá đông, các cô khó để ý, chăm sóc tốt cho tất cả các cháu.

Trong khi đó, nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa giáo dục nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực của các nhà trường.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Xuân Duy - Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Phòng đã tham mưu cho UBND thị xã có tờ trình đề xuất với UBND tỉnh được tiếp nhận và hợp đồng bổ sung GV. Về cơ sở vật chất cũng đang đề nghị Chủ tịch UBND thị xã nhanh chóng huy động các nguồn lực để xây dựng thêm phòng học. Đây cũng là kế hoạch nằm trong phương hướng nhiệm vụ năm học 2015 - 2016. Cái khó hiện nay là đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn quy định tại công văn 7369 để thị xã được tiếp nhận, hợp đồng GV theo thực tế”.

Giải pháp trước mắt để đối phó lại với thực trạng nêu trên trong khi chờ các chủ trương của cấp trên, ngành Giáo dục thị xã Bỉm Sơn chỉ đạo GV phải tăng ca, tăng tiết, học 2 buổi/ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Sở Giáo dục đã nhận được tờ trình của thị xã Bỉm Sơn, đi liền với đó là họ xin chủ trương tiếp nhận GV Tiểu học, với lý do thiếu. Do chủ trương tuyển dụng chưa có nên họ muốn xin hợp đồng. UBND tỉnh đã có công văn giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT. Đến thời điểm này, chưa thấy Sở Nội vụ có ý kiến gì để phối hợp với Sở GD-ĐT. Trong khi đó, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn tạm dừng 4 nội dung tuyển dụng, tiếp nhận, hợp đồng, bổ nhiệm. Nếu không cho ký và sử dụng lực lượng lao động hợp đồng thì quả là rất khó khăn. Tiểu học thiếu, còn THCS dư, nhưng chủ trương của tỉnh trong 2 năm gần đây muốn điều động số dư của THCS về Tiểu học, một số huyện, thị cũng làm được một ít. Nhưng đây cũng là giải pháp tình thế thôi, chưa đem lại chất lượng, hiệu quả vì sự đào tạo chuyên môn giữa hai cấp học có sự lệch pha”.

Duy Tuyên

(duytuyen@dantri.com.vn)