Thiếu hơn 45.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học

(Dân trí) - Hiện tại, tổng số giáo viên các trường công lập dôi dư trong cả nước là gần 27.000 người. Số giáo viên còn thiếu là hơn 45.000 người, trong đó thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non (thiếu 32.641 người) và bậc tiểu học (thiếu 7.824).

Bất cập giáo viên “vừa thừa, vừa thiếu” được thông tin, mổ xẻ thẳng thắn tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016-2017 của khối Sở GD&ĐT tạo diễn ra sáng 14/1 tại Hà Nội. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.


 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, không được nóng vội trong bố trí điều chuyển giáo viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, không được nóng vội trong bố trí điều chuyển giáo viên.

Thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên do việc phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu công nghiệp; giảm tỉ lệ sinh trong giai đoạn những năm trước 2000 dẫn đến gia tăng tỉ lệ học sinh tiểu học và mầm non, một số địa phương thực hiện quy hoạch (sáp nhập) lại mạng lưới trường lớp dẫn đến đôi dư giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nói chung.

Tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông. Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Kim Tự - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết: Tổng số giáo viên công lập dôi dư toàn quốc hiện nay là 26.750 người (trong đó, tiểu học 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông 2.551). Tổng số giáo viên công lập còn thiếu là 45.058 (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794).

Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195.

Trong khi đó, một số tỉnh lại thiếu nhiều giáo viên bậc tiểu học, có thể kể đến Hà Nội (2.696), Sơn La (1.133), Gia Lai (1.196).

Ông Trần Kim Tự cũng nhấn mạnh việc bố trí giáo viên dôi dư ở cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông xuống dạy cấp học mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học ở một số tỉnh hiện là bất cập cần chấm dứt ở một số địa phương.


Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa phát biểu nổi cộm về tình trạng thừa, thiếu giáo viên của địa phương.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa phát biểu nổi cộm về tình trạng thừa, thiếu giáo viên của địa phương.

Là một trong những tỉnh “nổi cộm” với bất cập thừa – thiếu giáo viên, bà Phạm Thị Hằng (Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, việc quy hoạch, điều chuyển giáo viên rất cần thiết nhưng phải thận trọng, không áp đặt từ trên xuống mà nên để cơ sở đề xuất thực hiện để phù hợp với thực tiễn, điều kiện cụ thể từng địa phương.

Bà Hằng cho hay, từ năm 2011-2016, chỉ tiêu biên chế của tỉnh Thanh Hóa “đóng băng”, cộng với việc năm nào cũng biến động về tình hình học sinh tăng - giảm (nhiều trường giảm chỉ còn 4-5 lớp, không thể tồn tại được). Bộ Nội vụ tỉnh không có chỉ tiêu cho biên chế nên Sở đã chỉ đạo rất quyết liệt để điều chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu.

Theo đó, Thanh Hóa vẫn đang giao các địa phương khảo sát thống kê số giáo viên dôi dư ở bậc THCS và hướng sắp tới sẽ là chuyển xuống dạy ở bậc mầm non, tiểu học một cách có phân loại. Ví dụ, giáo viên các môn văn hóa ở THCS sẽ được bố trí xuống dạy cùng bộ môn đó ở tiểu học. Và tất nhiên, họ đều được đào tạo bồi dưỡng các kỹ năng sư phạm đặc thù của ngành tiểu học/ mầm non để đáp ứng yêu cầu bậc học.

Nói về băn khoăn làm thế nào để đảm bảo công bằng trong việc xét/ xếp các giáo viên vào dạng dôi dư, bà Hằng cho hay, các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đều phải xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và có hội đồng công khai, minh bạch khách quan các tiêu chí này. Việc xét cũng như điều chuyển được làm thận trọng, không có địa phương nào xảy ra tình trạng nhân dân phản đối không cho con đến trường.

“Cụ thể, năm qua hơn 200 trường hợp giáo viên trung học cơ sở xuống mầm non. Hiện nay, tỉnh cấp kinh phí và giao cho trường ĐH Hồng Đức đào tạo xây dựng chương trình giáo dục tiểu học, mầm non, nội dung định hướng để bồi dưỡng trình độ, kỹ năng cần thiết cho các giáo viên chuyển cấp nhằm đáp ứng yêu cầu”, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nói.

Bày tỏ chia sẻ với thách thức của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định đó không phải là câu chuyện riêng của tỉnh này.

Bộ trưởng lưu ý, đành rằng việc điều chuyển thừa – thiếu giữa các bậc học là tình thế nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng chất lượng. Việc tiến hành vội vã có thể tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về sau này, chẳng hạn có thể “đẻ” thêm nhiều hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ.

“Thiếu thì thiếu rồi, chứ không phải một vài tháng nay mới thiếu. Không phải vì thiếu quá mà chúng ta cứ tdồn là dồn, nóng vội, hậu quả tiềm ẩn rất lớn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tại hội nghị sơ kết học kỳ 1, ngoài Báo cáo về công tác phát triển đội ngũ nhà giáo còn có Báo cáo về việc thực hiện kết luận của Bộ trưởng tại buổi làm việc với giám đốc các Sở GD&ĐT và Báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 cùng những thảo luận sôi nổi từ đại diện của 63 Sở GD&ĐT cả nước về những điều đạt được, tồn tại cần khắc phục, nhiệm vụ, phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục học kỳ mới.

Lệ Thu