Giáo dục Thừa Thiên Huế:

"Thiếu thực tế, loạn quy hoạch"

(Dân trí) - Đó là nhận định của PGS-TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế về tờ trình Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008-2015 và định hướng 2020 vừa được kỳ họp HĐND tỉnh khóa V thông qua.

Điều đáng ngạc nhiên là nhiều số liệu, câu chữ “sai căn bản” vẫn được lãnh đạo tỉnh cũng như các đại biểu HĐND nhất trí thông qua.

Trang 3 của tờ trình Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008-2015 và định hướng 2020 đưa ra mục tiêu: “Đại học Huế tập trung đầu tư phát triển thành đại học quốc gia vào năm 2015”. PGS-TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế tỏ ra ngạc nhiên về mục tiêu này. Bởi hiện tại ĐH Huế đang được Chính phủ chọn xây dựng là 1 trong 14 trường đại học trọng điểm quốc gia giai đoạn 2015, việc văn bản của UBND tỉnh khẳng định xây dựng ĐH Huế thành ĐH Quốc gia là rất vô lí.

Về chiến lược phát triển các trường đại học trong tương lai, PGS-TS Nguyễn Văn Toàn cũng không đồng tình với tờ trình quy hoạch khi đề ra mục tiêu thành lập thêm các trường đại học mà theo PGS-TS Nguyễn Văn Toàn là không có tính thực tế. Ví như, chủ trương thành lập thêm ĐH Kỹ nghệ thực hành, ĐH Xây dựng và Kiến trúc, Trung tâm đào tạo Tài chính Ngân hàng đến năm 2015 thì ông Toàn khẳng định là không có cơ sở và mang tính chồng chéo lẫn nhau giữa đề án Quy hoạch phát triển tổng thể ĐH Huế với Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008-2015 và định hướng 2020 của UBND tỉnh.

Theo như đề án Quy hoạch phát triển tổng thể ĐH Huế, căn cứ vào những điều kiện và thế mạnh đang có, ĐH Huế chỉ có thể thành lập thêm ĐH Du lịch (hiện đã thành lập Khoa du lịch trực thuộc ĐH Huế), ĐH Luật (trên cơ sở khoa Luật của Trường ĐH Khoa học Huế), ĐH Công nghệ (trên cơ sở những ngành công nghệ của ĐH Huế đang có như công nghệ thông tin, công nghệ chế biến và bảo quản nông sản, điện tử-viễn thông…).

Tuy nhiên, Quy hoạch của UBND tỉnh lại đề ra mục tiêu thành lập thêm ĐH Xây dựng và Kiến trúc, ĐH Kỹ nghệ thực hành, Trung tâm đào tạo Tài chính Ngân hàng. Chính lãnh đạo ĐH Huế cũng không biết là UBND tỉnh căn cứ vào đâu và tính khả thi của mục tiêu này. Bởi vì hiện ở Huế đã có Trường CĐ Công nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT thì không thể thành lập thêm một Trường ĐH Kỹ nghệ thực hành. Hoặc nếu nâng cấp trường cao đẳng này lên đại học cũng không hợp lí, nhất là ngay cách gọi tên của trường mà nói như ông Toàn thì “nếu dịch sang tiếng nước ngoài người ta chẳng biết nên dịch thế nào với trường đại học có tên gọi Kỹ nghệ thực hành cả”.

Về ý tưởng xây dựng trường ĐH Xây dựng và Kiến trúc, ông Toàn cũng không đồng tình, bởi riêng ĐH Huế đang có mục tiêu xây dựng khoa Kiến trúc thành ĐH Kiến trúc trong tương lai nhưng vẫn chưa thực sự có tính khả thi nên vẫn chưa đưa vào kế hoạch được.

Cuối cùng, PGS-TS Nguyễn Văn Toàn lo lắng khi quy hoạch của UBND tỉnh khẳng định sẽ thành lập các trường đại học quốc tế. Nhưng là các trường đại học quốc tế của ai, nước nào, ngành nghề gì thì bản thân là một chuyên gia trong ngành giáo dục, ông cũng hết sức mơ hồ và cũng không biết các chuyên viên của UBND tỉnh căn cứ vào đâu để đề ra chỉ tiêu này. Bản thân ĐH Huế cũng đang có đề án xây dựng Khoa đào tạo quốc tế trực thuộc ĐH Huế thông qua việc tổ chức lại các ngành đào tạo chất lượng cao có sự tham gia của các trường đại học nước ngoài. Vậy nên nếu hình thành thêm các trường đại học quốc tế ở Huế như quy hoạch UBND tỉnh đưa ra sẽ tạo ra sự chồng chéo.

Kết luận về tờ trình Quy hoạch phát triển giáo dục của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, PGS-TS Nguyễn Văn Toàn cho rằng chúng ta đang gặp phải tình trạng “thấy cái gì của người khác cũng muốn mang về cho mình”. Nghĩa là, việc mở các ngành nghề, thành lập thêm các trường đại học đang hết sức tràn lan, dàn trải mà thiếu tính chuyên sâu, trọng điểm. Nếu không có một tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, thì việc đề ra những chỉ tiêu, con số như quy hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tạo ra một cách làm quy hoạch “loạn xạ” không đáng có.

Sông Lam