Thờ ơ với lịch sử đâu chỉ lỗi ở giới trẻ

(Dân trí) - Em thích học Sử, em hiểu được vai trò của lịch sử đối với việc hình thành nhân cách con người. Nhưng bây giờ em phải học những môn để thi đại học nên không có nhiều thời gian. Nếu như có học môn Sử nhiều thì bố mẹ em sẽ cấm ngay bởi môn đó em không thi đại học…

Lỗi tại “người lớn”

Trong một chương trình giao lưu trên VTV2 với chủ đề: “Thế hệ trẻ với di sản Cách mạng tháng Tám” khi phóng viên của chương trình phỏng vấn các bạn trẻ ở Hà Nội về Nhà Hát lớn Hà Nội - nơi diễn ra cuộc biểu tình lớn nhất ở Hà Nội diễn ra ngày 17/ 8/1945 và cuộc mít tinh Tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở Hà Nội ngày 19/8/1945, thì hầu hết các bạn trẻ được hỏi không biết đến những sự kiện này, mặc dù các bạn đã nhiều lần đến Nhà Hát lớn.

Phải chăng các bạn trẻ thờ ơ với lịch sử của nước nhà? Tại sao các bạn trẻ lại không để ý đến chính những di tích lịch sử mà hàng các bạn đã đên nhiều lần? Theo PGS.TS Phạm Xanh - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội thì lỗi không hoàn toàn ở các bạn. Bởi ở di tích lịch sử này chỉ có một tấm biển nhỏ ghi vài dòng: Nơi đây đã diễn ra một cuộc mít tinh trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Với tấm biển nhỏ và những thông tin đó không thể thu hút được các bạn trẻ là điều tất yếu.

Theo PGS. Phạm Xanh lỗi ở đây thuộc về những người làm văn hóa Hà Nội. Với các di tích lịch sử người ta chỉ gắn một tấm biển theo kiểu: Tại đây, ngày này diễn ra sự kiện gì… Với cách làm như vậy thì những di tích này chỉ là di tích “chết” và hậu quả của nó là các bạn trẻ ở Hà Nội chiều chiều vẫn đến Nhà Hát lớn chơi nhưng chẳng mấy ai biết được nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử gì trong Cách mạng tháng Tám.

Khi bảo tàng không phải là địa chỉ đỏ

Học trong sách vở thì các sự kiện, con số khô cứng. Nhiều trường THPT hiện nay thường tổ chức cho các học sinh đi tham quan bảo tàng với hy vọng việc học sử sẽ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là các buổi đi tham quan bảo tàng của các các bạn trẻ hiện nay không hiệu quả.

Theo cô Trần Thị Nhung - Phó hiệu trưởng Trường THPT Maria Curie mỗi lần nhà trường tổ chức cho các học sinh đi tham quan bảo tàng với hàng trăm học sinh, khi đến bảo tàng chỉ có một vài nhân viên bảo tàng thuyết minh giới thiệu trong vòng một tiếng, hai tiếng thì các học sinh không thể hiểu và nhớ nổi những gì họ nói. Mặt khác, các bảo tàng hiện nay trưng bày hiện vật không hấp dẫn và ít có sự thay đổi.

Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện có hơn 15000 hiện vật về Cách mạng tháng Tám và mồng 2/9/1945. Tuy nhiên, việc trưng bày lại khá hạn chế chỉ có khoảng 10%. Đã 14 năm công tác ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chị Nguyễn Tường Khanh cho biết: mặc dù có sự thay đổi về cách trưng bày nhưng đó chỉ là những thay đổi không đáng kể và đặc biệt là những thông tin đi kèm theo các hiện vật hầu như là không có. 

Khi một tuần chỉ một đến hai tiết học Lịch sử

PGS.TS Phạm Xanh cho rằng hiện nay chúng ta đang “đối xử” không công bằng giữa các môn học. Nếu như một tuần có tới 5 đến 7 tiết Toán thì tại sao chỉ có một tiết học Lịch sử. Phải chăng vì môn Sử là môn phụ? Và sự “đối xử” đó đã được phản ánh qua các kỳ thi tốt nghiệp và đại học vùa qua khi điểm môn lịch sử thấp tới mức “kinh hoàng”.

Theo PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa lịch sử Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội mỗi tuần có 1 đến 2 tiết sử thì đừng “đòi hỏi” các em khi đi thi đạt điểm môn Sử cao như môn Toán, Lý, Hóa...

PGS Nguyễn Hải Kế hiện đang làm cố vấn cho game show Theo dòng lịch sử của Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam, có một một bạn trẻ của trường THPT Marie Curie đã nói với ông: Em thích học Sử, em hiểu được vai trò của lịch sử đối với việc hình thành nhân cách con người. Nhưng bây giờ em phải học những môn để thi đại học nên không có nhiều thời gian cho môn Lịch sử. Nếu như em có học môn Sử nhiều thì bố mẹ em sẽ cấm ngay bởi môn đó em không thi đại học… 

Trịnh Quốc Đông