Thông tin về hệ CĐ trường ĐH Bách khoa Hà Nội

(Dân trí) - Để giúp thí sinh hiểu rõ về hệ CĐ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Dân trí xin cung cấp những thông tin về chỉ tiêu, hình thức tuyển sinh, cách thức nộp hồ sơ, giá trị bằng cấp... của hệ này cho các bạn thí sinh.

Mùa tuyển sinh năm 2007, trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 6.370 chỉ tiêu hệ đào tạo chính quy trong đó có 2.500 chỉ tiêu đào tạo hệ CĐ.

 

Hệ CĐ của trường tuyển sinh theo hai hình thức: Xét tuyển và Thi tuyển.

 

Xét tuyển:

Dành khoảng 650 chỉ tiêu xét tuyển trực tiếp từ thí sinh đã dự thi đại học khối A theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.

 

Số chỉ tiêu này được đào tạo vào các ngành: Công nghệ thông tin; Điện tử viễn thông; Điện.

 

Thi tuyển:

Dành khoảng 1.850 chỉ tiêu đào tạo các ngành theo địa chỉ (hình thức đào tạo liên kết). Số chỉ tiêu này sẽ tổ chức tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển vào các đợt trong năm (sau kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Thời gian tổ chức tuyển sinh phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo liên kết với trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

 

Số chỉ tiêu này được đào tạo các nhóm ngành theo yêu cầu của các cơ sở liên kết. Tuy nhiên các ngành đào tạo phải nằm trong hệ thống đào tạo các ngành trình độ ĐH.

 

Những điều cần chú ý đến hệ CĐ phải thi tuyển của ĐH Bách khoa Hà Nội:

 

1. Hình thức đào tạo liên kết?

 

Hình thức đào tạo liên kết là hệ CĐ chính quy. Số chỉ tiêu đào tạo liên kết nằm trong tống số chỉ tiêu hệ CĐ chính quy của trường.

 

Lưu ý: Các cơ sở sẽ liên kết với các Khoa trong trường để tổ chức tuyển sinh.

 

2. Hồ sơ mua và nộp ở đâu?

 

Hồ sơ ĐKDT không dùng theo mẫu của Bộ GD-ĐT mà dùng theo mẫu hồ sơ của trường liên kết với các cơ sở đào tạo.

 

Thí sinh muốn dự thi hệ này phải mua hồ sơ trực tiếp tại Phòng đào tạo hoặc các Văn phòng khoa của trường khi có thông báo tuyển sinh.

 

Hồ sơ nộp trực tiếp cho các Khoa có thông báo tuyển sinh hệ đào tạo liên kết.

 

3. Cách thức thi tuyển:

 

Thi các môn khối A. Kì thi diễn ra tại trường ĐH Bách khoa do trường trực tiếp tham gia chấm thi, coi thi...

 

4. Bằng cấp khi tốt nghiệp:

 

Khi tốt nghiệp sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp hệ CĐ chính quy. Giá trị bằng cấp như hệ CĐ xét tuyển.

 

N.H