Bạn đọc viết:

Thông tư 30: Còn nhiều điều trăn trở

(Dân trí) - Ngày tổng kết năm học, thấy đứa con học lớp 3 cầm tờ giấy khen với lời khen “Hoàn thành xuất sắc các môn học” mà lòng tôi có rất nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Rồi xem Facebook của bạn bè thấy nhiều người đưa hình tấm giấy khen trên mạng và trong số ấy cũng rất nhiều em “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học”.

Đây có thật là những “điểm sáng” nổi bật của Thông tư 30 không?

Trước đây, muốn khen thưởng học sinh cuối kì, cuối năm thì giáo viên chủ nhiệm cứ nhìn vào thành quả học tập của học sinh mà xếp loại, mà khen thưởng. Còn bây giờ giáo viên phải căn cứ vào nhiều mặt. Phải nhìn nhận cả quá trình học của các em, phải tham khảo giáo viên chuyên, tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh, kết quả thi học kì và phải chờ vào sự giới thiệu và phiếu tín nhiệm của các bạn học sinh trong lớp.

Nhưng thử hỏi, chất lượng học tập của học sinh ai nắm, ai quản, ai theo dõi? Nếu một em học sinh học giỏi, chỉ chăm chú vào bài học nhưng ít tham gia vào các trò chơi cùng chúng bạn, không được nhiều bạn bình bầu thì không được xét khen thưởng hay sao? Học sinh Tiểu học đi học thì tiêu chí là cái gì nếu không phải là kết quả học tập, hạnh kiểm và tham gia các hoạt động Đội của các em?

Từ khi Thông tư 30 (TT30) ra đời đã kéo theo nhiều hệ lụy mà người giáo viên phải đối mặt hàng ngày. Trong học tập suốt cả kì thì không chấm điểm, dùng lời nhận xét để đánh giá học trò, nhưng cuối mỗi kì lại tổ chức thi lấy điểm. Những qui định tréo ngoe ấy đã và đang tạo nên sự bất cập trong việc đánh giá học trò. Rồi khi đưa ra những em được khen thưởng cuối kì, cuối năm thì đầy những chuyện nhiêu khê mà người giáo viên lãnh đủ. Cha mẹ nào cũng bảo con tôi học tốt, con tôi học giỏi sao không được khen?

Nhưng các bậc phụ huynh đâu có biết có rằng TT30 đã hướng dẫn phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục. Học giỏi nhưng khi bình bầu trước lớp có được các bạn tán đồng không, có được nhiều phiếu bầu không. Rồi các em có tham gia các cuộc thi, các phong trào của trường không. Phụ huynh nên hiểu là giáo viên chỉ là 1 trong các kênh để tham gia đánh giá học trò, trong khi người thầy là người trực tiếp giảng dạy?

Việc bỏ điểm số thay bằng lời phê cũng cho thấy còn nhiều băn khoăn trong tình hình giáo dục hiện nay. TT30 hướng dẫn là không được “chê” học trò, phải khích lệ, đồng viên các em. Vì vậy, những lời phê ấy có thực sự đảm bảo công bằng và công tâm không? Và, lời phê như vậy có làm động lực cho học sinh cố gắng phấn đấu và thi đua hay không? Cách xếp loại học lực học sinh sẽ được đánh giá như thế nào khi lời phê chỉ mang tính định tính chứ không phải định lượng.

Với những gì mà bậc Tiểu học đang thực hiện TT30 thì liệu có em nào bị xếp loại chưa đạt không? Điều chắc chắn là rất có thể xảy ra. Bởi một lẽ giản đơn là lời nhận xét của giáo viên không được chê học sinh, mà đã không chê thì ắt phải khen, phải khích lệ. Từ đó, chắc chắn sẽ dẫn đến vô vàn sự hiểu lầm của phụ huynh đối với học lực của con em mình. Khi thấy những lời phê của thầy cô dành cho con mình đều là những lời khen thì nhiều người tự tin ở con mình đã học tốt rồi nên cũng giảm đi việc kèm cặp, giám sát. Hơn nữa, chúng ta biết rằng: với những qui định và hướng dẫn hiện nay của ngành, không mấy thầy cô có đủ dũng khí để nhận xét những học sinh yếu kém bằng những lời phê thật với học trò của mình. Bởi phê như vậy thì người giáo viên đang tự làm khó mình và dẫn đến nhiều điều phiền toái.

Đó là chưa kể sự bất cập khi các em đang học Tiểu học được thực hiện bằng TT30, nhưng lên cấp THCS thì đa số các trường học đang thực hiện đánh giá bằng điểm số, chỉ mới có một số trường dạy theo mô hình trường học mới VNEN nên tạo nên sự khập khiễng về cách tiếp cận kiến thức và cả cách làm bài kiểm tra thường xuyên, định kì với một mật độ rất dày đặc. Có những buổi học các em phải thực hiện làm nhiều bài kiểm tra ở các môn học khác nhau khiến các em đuối sức. Vì thế, cuối năm học thì kết quả học tập của các em lớp 6 thường thấp nhất so với các khối còn lại.

Sau gần hai năm thực hiện TT30 ở cấp Tiểu học, chúng ta vẫn thấy có hai luồng dư luận trái chiều. Lãnh đạo ngành thì ca ngợi, giáo viên và phụ huynh thì ca thán. Những giáo viên trực tiếp giảng dạy hiểu hơn ai hết vấn đề này. Mỗi lớp học hiện nay có sĩ số dao động từ 35-45 học sinh mà làm việc nhóm thì một giáo viên không thể nào quản nổi, chỉ chuyện hướng các em nghiêm túc thảo luận cũng đã khó lắm rồi. Đó là chưa kể cơ sở, phương tiện giáo dục của chúng ta còn nhiều hạn chế, rồi chuyện nhận xét chất lượng học tập cho từng học trò qua hồ sơ sổ sách. Có những thầy cô dạy hàng mấy trăm học sinh (môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục) thì rất khó đòi hỏi sự nhận xét chính xác và khách quan. Bởi có nhiều em học được nhưng ít phát biểu, ít nói thì làm sao mà thầy cô đoán định được...

Nguyễn Cao

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!