Thu học phí rồi gửi vào... ngân hàng để hưởng lãi suất

(Dân trí) - Trường Đại học Mở TPHCM chưa nộp đầy đủ tiền thu học phí, lệ phí vào Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo quy định, mà gửi có kỳ hạn từ 3-6 tháng vào ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất không đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa ký thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện Nghị định số 43/2006 của Chính phủ tại Trường Đại học Mở TPHCM thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (giai đoạn 2010-2012).

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm tại Trường Đại học Mở TPHCM.
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm tại Trường Đại học Mở TPHCM.

Theo đó, Trường Đại học Mở TPHCM không ban hành quy chế tuyển dụng, không xây dựng quy định về tiêu chuẩn vị trí chức danh, việc làm cần tuyển làm căn cứ để xem xét tuyển dụng; không xây dựng kế hoạch tuyển dụng hàng năm trước khi tuyển dụng; việc tuyển dụng chỉ căn cứ vào nhu cầu và đề nghị tuyển dụng của các đơn vị; có một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giảng viên của trường…

Việc quy hoạch lãnh đạo trường có một số trường hợp chưa phù hợp với hướng dẫn của Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT; chưa xây dựng quy định, quy trình điều động, luân chuyển, từ chức, cách chức. Việc bổ nhiệm trưởng khoa chưa đúng với quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường theo Quyết định 153/QĐ-ĐHM ngày 8/4/2008.

Hệ đào tạo nào cũng “có vấn đề”

Trong việc tuyển sinh đào tạo sau đại học liên kết với nước ngoài, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều học viên trúng tuyển thiếu điều kiện yêu cầu về kinh nghiệm công tác, thiếu chứng chỉ ngoại ngữ hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không đúng yêu cầu; một số trường hợp thiếu cả hai điều kiện về ngoại ngữ và kinh nghiệm.

Ngoài ra, một số học viên trúng tuyển đào tạo thạc sĩ trong nước chưa đảm bảo điều kiện dự thi theo Quyết định 45/2008 của Bộ GD-ĐT và Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường Đại học Mở TPHCM.

“Số lượng học viên nhiều nhưng lực lượng giảng viên giảng dạy và cán bộ quản lý còn thiếu, tài liệu và sách tham khảo còn ít... đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo” - kết luận thanh tra chỉ rõ.

Trong việc tuyển sinh, đào tạo đại học, cao đẳng chính quy, đại học văn bằng 2 và đào tạo đặc biệt, Thanh tra Chính phủ phát hiện lực lượng giảng viên cơ hữu ở Trường Đại học Mở TPHCM thiếu về số lượng, trình độ một số giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên còn hạn chế. Việc chấm thi, gửi điểm giữa kỳ, cuối kỳ, tỷ lệ giảng viên chấm bài nộp trễ hạn nhiều, tình trạng ghi điểm sai sót vẫn còn, ảnh hưởng đến kế hoạch thi lại, xét học bổng khuyến khích học tập của sinh viên.

Trường Đại học Mở TPHCM đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với số lượng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt: Năm 2010 vượt 1.082 sinh viên (33,3%); năm 2011 vượt 1.026 sinh viên (40,2%). Nhiều sinh viên trúng tuyển trong 3 năm (2010-2012) chưa đảm bảo điều kiện tham gia dự thi theo quyết định của Bộ GD-ĐT. Việc tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo vào ban đêm cáp bằng đại học chính quy là không đúng với các quy định của Bộ GD-ĐT.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện trong đào tạo vừa làm - vừa học, đào tạo từ xa, đào tạo ngắn hạn tại Trường Đại học Mở TPHCM đều “có vấn đề”. Trước khi liên kết đào tạo tại địa phương, trường này không lập hồ sơ liên kết đào tạo đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt. Năm 2010 trường tự ra đề thi khối C cho 2 kỳ thi tuyển sinh ngành Luật Kinh tế (ngành chưa đủ điều kiện tuyển sinh hệ vừa làm- vừa học), trái với quy định Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm, vừa học.

Hiệu trưởng ủy quyền không đúng quy định

Theo kết luận thanh tra, dự án Trại thực hiện Bình Thuận chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng lãnh đạo trường vẫn chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ triển khai thực hiện; không xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất dẫn đến việc đầu tư manh mún, không đồng bộ gây lãng phí trong đầu tư,…

Việc hạch toán giảm nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp mà không hạch toán tăng tài sản cho 2 khoản chi phí đầu tư xây dựng nhà kho, nhà sinh viên, tường rào, vật giống nuôi có giá trị lớn là chưa thực hiện đúng về hạch toán tài sản cố định để quản lý, sử dụng và trích khấu hao. Thanh tra Chính phủ phát hiện kết quả thực hiện so với mục tiêu dự án quá thấp, số lỗ đến ngày 31/12/2012 là trên 709,3 triệu đồng.

“Việc hiệu trưởng trường ủy quyền cho cá nhân sử dụng tiền của trường để mua đất cho dự án nhưng đứng tên cá nhân là không đúng quy định. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử dụng khu đất cho trường làm Trại thực nghiệm”- thông báo kết luận thanh tra cho biết.

Ngoài ra, việc triển khai dự án Khu sinh thái rừng ngập mặn tại huyện Cần Giờ dù chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng lãnh đạo trường vẫn chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ triển khai thực hiện; địa điểm, sơ đồ diện tích, vị trí đất không phù hợp với nội dung, yêu cầu hoạt động của dự án.

“Việc sử dụng tiền mua đất đứng tên cá nhân vi phạm nguyên tắc tài chính. Đại diện Đảng ủy, Ban giám hiệu trường đã nhận rõ sai phạm trong việc duyệt chi sai nguyên tắc tài chính, buông lỏng quản lý; đã yêu cầu các cá nhân liên quan phải nộp đủ số tiền sử dụng không đúng, đồng thời tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan”- thông báo của Thanh tra Chính phủ viết.

Hơn nữa, Trường Đại học Mở TPHCM cho Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và trường chuyển kinh phí hoạt động thông qua tài khoản tiền gửi với số tiền lớn, không kiểm soát việc chi tiêu, thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm dẫn đến khoản nợ phải thu qua nhiều năm chưa thu hồi được.

Thu học phí rồi gửi vào ngân hàng hưởng lãi suất

Cơ quan thanh tra phát hiện Trường Đại học Mở TPHCM ban hành và thực hiện một số mức thu học phí, lệ phí vượt quy định của Nhà nước; một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục quy định.

“Thu học phí chương trình đào tạo đặc biệt khi chưa có ý kiến cho phép của Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sử dụng từ ngữ “phí”, “lệ phí” đối với một số các khoản thu dịch vụ như ôn tập để chuẩn bị thi đầu vào các lớp ngắn hạn, hoàn chỉnh kiến thức để dự thi cao học... không đúng bản chất, nội dung khoản thu” - Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Trường Đại học Mở TPHCM chưa nộp đầy đủ tiền thu học phí, lệ phí vào Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo quy định, mà gửi có kỳ hạn từ 3-6 tháng vào ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất là chưa chấp hành quy định tại Điều 13 Nghị định 43/2006 và Thông tư 81/2006 của Bộ Tài chính. Số tiền gửi có kỳ hạn Trường Đại học Mở TPHCM gửi ngân hàng thương mại gồm cả nguồn tiền thuộc ngân sách nhà nước và nguồn không thuộc ngân sách.

Hàng năm trường này không đối chiếu công nợ phải thu, phải trả theo quy định. Hầu hết các khoản tạm ứng đều không có biên bản đối chiếu nợ theo quy định hoặc có biên bản đối chiếu nhưng người ký xác nhận không đúng thẩm quyền.

Một số giảng viên cơ hữu và giảng viên được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo tại một số khoa và ban có thù lao giảng dạy cao hơn 3-5 lần so với lương cấp bậc và phụ cấp chức vụ Nhà nước quy định. Một số giảng viên cơ hữu có số giờ dạy (sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy theo quy định) vượt quá 200 giờ tiêu chuẩn/năm.

Trường Đại học Mở TPHCM còn trích lập quỹ học bổng 3 năm không đảm bảo mức tối thiểu 15% thu học phí chính quy theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tổng số trích còn thiếu trong 3 năm 2010-2012 là trên 20,7 tỷ đồng; trong đó năm 2010 Kiểm toán Nhà nước kiến nghị trên 8,87 tỷ đồng nhưng trường chưa thực hiện, năm 2011 thiếu trên 7,6 tỷ đồng, năm 2012 thiếu 4,24 tỷ đồng (không kể chương trình đào tạo đặc biệt).

Thế Kha