Thu hút nguyên khí bên ngoài

70 năm đã trôi qua chúng ta đã thu hút và sử dụng nhân tài người Việt ở nước ngoài như thế nào, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế hội nhập hiện nay, để xây dựng đất nước? Nhân dịp 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9, phóng viên NTNN đã phỏng vấn chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh về vấn đề này.

Ngay sau khi cách mạng thành công, ngân khố hầu như trống rỗng, chính quyền còn bộn bề công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quy tụ được rất nhiều nhân sĩ trí thức, trong đó có không ít những người nổi tiếng như Phạm Ngọc Thạch, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa... tham gia công việc xây dựng chính quyền cách mạng. 70 năm đã trôi qua chúng ta đã thu hút và sử dụng nhân tài người Việt ở nước ngoài như thế nào, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế hội nhập hiện nay, để xây dựng đất nước? Nhân dịp 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9, phóng viên NTNN đã phỏng vấn chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh về vấn đề này.

Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về đội ngũ trí thức người Việt Nam hiện nay đang làm việc tại nước ngoài?

- Theo ước tính, hiện có khoảng 4 triệu người Việt hay gốc Việt hiện nay đang sống ở nước ngoài, tương đương 4,3% dân số trong nước. Theo thống kê, nguồn kiều hối chính thức gửi về trong nước năm 2014 là 12 tỷ USD chiếm khoảng 8% GDP của cả nước. Riêng ở Mỹ đã có khoảng 1,8 triệu người, trong số đó có gần nửa triệu có bằng đại học 2 năm trở lên, chiếm 27% dân số.

thu hut nguyen khi ben ngoai - 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với GS Trần Hữu Tước và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch (người ngồi bên trái). Ảnh:  TL

Nguồn kiều hối gửi về trong nước tuy lớn, nhưng cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng”, nguồn lực người Việt hay gốc Việt có khả năng chuyên môn và trí tuệ ở nước ngoài là “phần chìm” rất lớn và quan trọng. Ở thời đại kinh tế trí thức, giá trị sản xuất lớn nằm ở phần trí tuệ, lẽ ra phải là thế mạnh của Việt Nam. Nếu biết cách tạo cơ hội và điều kiện cho họ tham gia đóng góp, kết nối để phát  triển đất nước thì tôi nghĩ đất nước sẽ phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, nhưng không hiểu vì sao ta cứ loay hoay, làm mất rất nhiều thời gian và cơ hội để phát triển?

Liệu đó có phải do ta chưa có chính sách tốt cho việc sử dụng nguồn lực chất xám của đội ngũ trí thức Việt đang làm ăn sinh sống tại nước ngoài không, thưa ông?

-Trong lịch sử đất nước, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới biết đến là một nước công nghiệp, nhưng số người Việt ra nước ngoài sinh sống và làm việc, đặc biệt là Mỹ có  nhiều người rất giỏi về kỹ thuật.

Cũng không hiếm các kỹ sư, chuyên viên giỏi người Việt làm việc tại Trung tâm Khoa học vũ trụ Mỹ (NASA), hay các công ty công nghệ thông tin, phần mềm, phần cứng hàng đầu của Mỹ như Google, Cisco, Microsoft hay Boeing, GE… Có nhiều những nhà khoa học người Việt ở nước ngoài rất nổi tiếng nhưng hầu như ở Việt Nam lại không được biết đến. Ví dụ GS- Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, tiến sĩ khoa học Hoàng Kim Bổng.

Ông hiện là Trưởng bộ môn Hóa -Lý Trường Đại học Lômônôxốp - một trong những trường nổi tiếng thế giới. Được giới khoa học Nga đánh giá là nhà khoa học hàng đầu của Nga, nhưng ở Việt Nam hầu như vô danh.

Người Việt nổi tiếng về sự cần cù, chịu khó học hỏi và khéo tay, họ đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển nhành công nghệ, kỹ thuật của Mỹ nói riêng và nhiều quốc gia khác trên thế giới trong nhiều thập niên qua. Nhưng cùng với bản chất đó, tại sao họ không phát triển tốt ở chính quốc gia mình?

- Sự thực là, người làm khoa học chân chính, nếu có sự chọn lựa, thì họ sẽ làm việc ở nơi nào có điều kiện để họ phát huy tốt nhất, nói thế không có nghĩa là họ không yêu quốc gia, dân tộc mình. Nhưng nếu điều kiện trong nước không phát huy được khả năng thì họ có chọn lựa riêng cho sự nghiệp tương lai, dù một sự chọn lựa không dễ dàng, vì sống, làm việc và đóng góp cho chính quê hương mình, bao giờ cũng là sự mong muốn của mọi người.

Nếu nói là lãng phí chất xám thì cũng không chính xác. Nhà khoa học như con gà đẻ trứng, lúc nào cần phải đẻ thì đẻ, dù là ở chỗ nào, nước nào, vẫn đều là “quả trứng” quý giá cả. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ một quốc gia thì việc nhân tài không thể phát triển và đóng góp cho đất nước là thiệt thòi cho cộng đồng của họ.

Nhiều người nói nguyên nhân của việc nhân tài người Việt phải ra nước ngoài là do điều kiện đất nước còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, không phát huy được tài năng của họ. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

 

Thu hút nguyên khí bên ngoài - 2

 

Ông Trần Đức Cảnh- nguyên là thành viên Hội đồng liên trường đại học vùng Đông Bắc bang Massaschusetts, tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế và khóa tham mưu cao cấp tại Trường Hành chính công John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, Mỹ. Ông Cảnh cũng đã có 16 năm kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo, và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội cho chính quyền bang Massachusetts (Mỹ) và hơn 10 năm làm công tác tư vấn cho Đại học Harvard trong công tác tuyển sinh cấp cử nhân. Ông đang sống và làm việc tại Mỹ gần 40 năm.

 

- Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chiến tranh đã lùi vào quá khứ hơn 40 năm. Cùng một lịch sử chiến tranh, đất nước còn chia cách nhưng Hàn Quốc đã trở thành 1 trong 4 con rồng châu Á. Điều gì đã xảy ra trong giai đoạn hơn 40 năm qua, khiến ta không thể phát triển dù chỉ bằng một nửa của Hàn Quốc. Bài học nào để thế hệ trẻ rút kinh nghiệm cho việc phát triển đất nước trong 10-20 năm tới.

Việt Nam là nước lớn, dân số đứng thứ 13 trên thế giới, nhưng lại là nước rất kém trong đóng góp cho các đề tài khoa học, phát minh khoa học, cho nền khoa học thế giới qua đường học thuật lẫn ứng dụng thực tiễn. Nói chung sự đóng góp của Việt Nam với thế giới không đáng kể so với tiềm năng. Khổ nỗi, không ai có đủ kiên nhẫn sống mãi với tiềm năng.

Bản thân tôi có tham gia ít nhiều trong việc xây dựng ý tưởng cho đề án Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) tại Mỹ ở những năm cuối thập niên 90, thế kỷ trước. Trước đó tôi và một số bạn trong giới khoa học kỹ thuật đã cố gắng giúp một số bạn sinh viên Việt Nam, nhận học bổng sang học tiến sĩ ở các trường hàng đầu ở Mỹ.

Theo báo cáo mới nhất của VEF đã có 317 tốt nghiệp và về nước, trong đó có 85 thạc sĩ và 232 tiến sĩ, còn 211 sinh viên đang theo học. Nhân chuyến công tác với đoàn VEF sang Việt Nam hôm tháng 5 vừa rồi, tôi có tiếp xúc với các bạn cựu sinh viên VEF ở Hà Nội và Sài Gòn. Lo lắng chung của họ là chưa tìm được công việc thích hợp, một số cho là môi trường làm việc cũng không phải là tốt để phát huy lâu dài.

Nếu Việt Nam thật sự là một nước phát triển công nghiệp, thì con số 317 thạc sĩ và tiến sĩ về nước, chỉ là hạt muối bỏ biển so với nhu cầu. Các bạn đã được đào tạo bậc cử nhân và thạc sĩ trong nước và thuộc lực lượng khoa học kỹ thuật ưu tú mà hội nhập trở lại môi trường trong nước còn khó khăn, thì làm sao tuyết phục những nhà khoa học sống lâu năm ở nước ngoài.

Vậy theo ông, Nhà nước ta cần có cơ chế, chính sách như thế nào để có thể thu hút được những nhà khoa học?

- Người làm khoa học chỉ mong có môi trường và điều kiện làm việc thông thoáng để phát huy khả năng và có điều kiện đóng góp cho xã hội và thế giới, chứ không cần chính sách ưu đãi này nọ. Chỉ loại “gà công nghiệp” mới cần loại chính sách ưu đãi kiểu như thế. Để thu hút được những nhà khoa học người Việt hay gốc Việt tên tuổi ở nước ngoài thì việc tốt nhất là tạo điều kiện cho tài năng sẵn có trong nước phát huy trước. Khi môi trường làm việc trong nước thông thoáng, thuận tiện và hiệu quả, thì họ sẽ về nước làm việc chứ không cần phải kêu gọi, hay chính sách ưu đãi này nọ. Bản chất của nhà làm khoa học chân chính là thế - “hữu xạ tự nhiên hương”.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt