“Thủ khoa đại học bây giờ ra sao?”: Rạng danh xứ người

Rất nhiều thủ khoa đại học hiện đang làm việc hoặc học tập ở nước ngoài. Với những thành tích vượt trội, các thủ khoa này đã đem lại niềm tự hào to lớn cho sinh viên Việt Nam.

Sinh ra trong nghèo khó, bố làm nghề tự do, mẹ là cô giáo làng, cựu thủ khoa 30 điểm Lê Sơn Phong (SN 1990, quê Thanh Hóa) luôn ý thức phải cố gắng không ngừng trong cuộc sống.

Nỗ lực nơi đất khách

Năm 2008, niềm vui vỡ òa trong căn nhà nhỏ của gia đình Lê Sơn Phong ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Bà con hàng xóm liên tục đến chúc mừng khi biết tin Phong đậu thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương với số điểm tuyệt đối 30/30. Sáu năm sau, cậu học trò nghèo ngày nào đã tốt nghiệp Trường ĐH Auckland chuyên ngành tài chính kế toán và làm việc cho một công ty môi giới ngoại tệ tại New Zealand.

Lê Sơn Phong trong ngày nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH
Lê Sơn Phong trong ngày nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH Auckland. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về việc học tập và làm việc ở nước ngoài, Lê Sơn Phong cho biết ở New Zealand, một học kỳ chỉ có 4 môn. Phong theo học 2 chuyên ngành nên số môn nhiều hơn một chút. Dù ít môn nhưng lúc mới đi du học, kết quả học tập của em không được tốt.

“Các thầy cô yêu cầu khá cao cộng với vấn đề ngôn ngữ nên em gặp không ít khó khăn. Về sau, khi quen rồi thì mọi thứ cũng ổn, kết quả dần dần khá lên. Nói chung, chỉ cần biết sắp xếp thời gian là có thể đạt kết quả cao. Tốt nghiệp đại học, em đạt loại giỏi” - Phong chia sẻ.

Theo Phong, danh hiệu thủ khoa ĐH từng khiến em cảm thấy áp lực nên phải nỗ lực rất nhiều. Khi học ở New Zealand, bạn bè chẳng biết em là ai nữa nhưng thấy các bạn học cùng đạt điểm cao nên em phải cố gắng cho bằng bạn bằng bè.

Điều kiện gia đình chẳng mấy khá giả nên ngoài giờ học, Phong phải kiếm đủ mọi việc làm thêm. “Học bổng 322 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cấp hồi đó chỉ cho em tiền sinh hoạt phí và 15.000 USD tiền học phí/năm, trong khi có quy định bạn nào chọn trường với mức học phí vượt quá số đó thì phải bù phần chênh lệch. Thật ra, quy định này ổn cho các anh chị học tiến sĩ hoặc các bạn học ở những trường liên kết với Bộ GD-ĐT.  Một phần vì thích, phần do ương bướng nên em chọn Trường ĐH Auckland không liên kết với Bộ GD-ĐT. Vì vậy, em phải bù phần chênh lệch vào bằng cách tiết kiệm tiền sinh hoạt phí và đi làm thêm” - Phong nói.

Trong 2 năm đầu học tại New Zealand, Phong tìm kiếm những công việc chân tay như làm nông trại, làm vườn hay rửa bát. Sang năm thứ ba, bắt đầu có một chút kiến thức chuyên ngành nên em chọn công việc phù hợp hơn như trợ lý kế toán. Kỳ cuối, Phong làm 2 việc một lúc, vừa để tích lũy kinh nghiệm vừa có tiền bù khoản học phí còn thiếu.

Sau khi ra trường, Phong ở lại New Zealand làm việc cho một công ty môi giới ngoại tệ. “Ông chủ dù rất yêu quý nhưng do xa nhà lâu rồi, cũng muốn về Việt Nam để gần gia đình hơn và ý định của em là về nước hẳn để ổn định cuộc sống” - Phong tâm sự.

Theo thủ khoa này, em chỉ mong tìm được một công việc phù hợp với ngành học nhằm phát triển khả năng của mình và lương đủ sống. Hiện Phong đang thử xin vào một số công ty ở Việt Nam.

Không phụ lòng tin

Thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương năm 2009 Tăng Văn Bình sinh ra và lớn lên ở xóm Giếng, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Bố mất từ năm em 8 tuổi. Mẹ là giáo viên mầm non với đồng lương ít ỏi, một mình tần tảo nuôi Bình và chị gái ăn học. Không phụ lòng mong đợi của mẹ, cựu học sinh chuyên toán của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh) đã đạt số điểm tuyệt đối trong kỳ thi ĐH.

Tháng 8-2012, với thành tích học tập xuất sắc, Bình được Bộ GD-ĐT cấp học bổng đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước ngành kinh tế học tại Trường ĐH Clark (Mỹ). Sau gần 2 năm học tại Mỹ, kết quả học tập của Bình rất tốt. Hiện em đang là trợ giảng một số bộ môn cho các giáo sư tại Trường ĐH Clark.

Bố mất sớm, mẹ ở một mình nên Bình rất thương mẹ. Dù học ở xa, Bình vẫn gọi điện về nhà hỏi thăm mẹ thường xuyên. “Những lần gọi điện, nghe cháu nói điều kiện học tập ở Mỹ rất tốt, tôi cũng thấy vui. Tôi luôn dặn cháu phải cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng tin của gia đình, bạn bè, nhà trường” - bà Trần Thị Dung, mẹ của Bình, tâm sự.

Ngoài Tăng Văn Bình và Lê Sơn Phong, nhiều thủ khoa ĐH năm nào giờ cũng đang học tập tại nước ngoài. Thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP HCM năm 2008, Nguyễn Trọng Nghĩa (cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk), đã đi du học chuyên ngành điện - điện tử tại Trường ĐH Adelaide (Úc). Trong thời gian học, Nghĩa đã đoạt giải sinh viên quốc tế xuất sắc về thành tích học tập, đồng thời là sinh viên quốc tế của năm toàn bang Nam Úc.

Lê Minh Thông và Võ Thị Mai Hương đều là thủ khoa 30 điểm của Trường ĐH Ngoại thương năm 2009 cũng đang theo học ngành khoa học máy tính tại Trường ĐH Wisconsin - La Crosse (Mỹ).

Trong khi đó, Nguyễn Tử Mạnh Cường (SN 1990) là thủ khoa kép của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Ngân hàng TP HCM vào năm 2008 với số điểm tuyệt đối. Cường đang học năm cuối ngành hạch toán kinh tế của Trường ĐH Green River (Mỹ). Trong những năm học ở nước ngoài, Cường luôn đạt thành tích xuất sắc nên thường xuyên nhận được bằng khen của nhà trường. 

Lo thủ khoa thất nghiệp

Bà Lê Thị Mai, mẹ của Lê Sơn Phong, cho hay thấy Phong quyết định về nước, gia đình cũng lo bởi cử nhân đại học đang thất nghiệp nhan nhản. “Nhà nước vẫn có chương trình chào đón, tạo điều kiện cho các nhân tài đi du học về nước làm việc nhưng không biết thế nào. Nếu giờ nói bỏ tiền ra lo việc cho con thì chắc gia đình tôi đành chịu thua” - bà Mai thổ lộ.

 

Theo Đức Ngọc - Tuấn Minh - Cao Nguyên - Hồng Hoa

Người Lao Động