Thủ khoa ĐH Đà Nẵng ít khi học quá 12 giờ khuya

(Dân trí)-“Thiệt tình là em học không nhiều lắm, so với các bạn, em thấy mình còn lười học lắm, thường em ít khi thức quá 12 giờ khuya. Nhưng khi đã vào giờ học thì em không nghĩ ngợi tới điều chi khác, mà cũng gắng không để việc xung quanh chi phối phân tán tư tưởng”.

Đó là chia sẻ của em Trần Nhật Hoàng (học sinh lớp 12A2 THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng), tân thủ khoa ĐH Bách khoa với tổng điểm 27 (trong đó môn Toán 9,25 điểm, Vật Lý 8 điểm và Hóa 9,5 điểm), Hoàng cũng là thí sinh có tổng điểm 3 môn thi cao nhất (không tính điểm ưu tiên) trong khoảng 50 nghìn thí sinh dự thi vào các trường thành viên của Đà Nẵng.

Thủ khoa Trần Nhật Hoàng cùng bố mẹ
Thủ khoa ĐH Đà Nẵng - em Trần Nhật Hoàng cùng bố mẹ

Nhận tin mình thi đỗ thủ khoa qua bạn bè, Hoàng vẫn chưa chắc chắn mình thi đỗ thủ khoa vì như Hoàng nói: “Khi thi về, em tính điểm của mình chỉ ở trong tầm 20 - 22 điểm. Đây là mức điểm chắc chắn, những câu trắc nghiệm em còn phân vân khi chọn đáp án trong giờ làm bài thi thì em không tính tới.

Khi thi thử ở trường, mức điểm em đạt được cũng ở tầm 23 - 24 điểm, nên khi học thi em chỉ nghĩ là mình sẽ cố gắng đạt điểm cao để có tự tin là mình thi đỗ chứ em chưa từng nghĩ mình thi đỗ thủ khoa”.

Trao đổi với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Thái Vân - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học vừa qua chia sẻ: “Tin Hoàng thi đỗ thủ khoa rất bất ngờ vì qua làm bài thi thử ở lớp thì cứ nghĩ là một bạn khác có khả năng thi đỗ thủ khoa. Thành tích của Hoàng lần này đúng là một sự bứt phá của em. Ở lớp, Hoàng đặc biệt là cậu học trò rất hiền, ngoan, nhất là em rất vui vẻ, cởi mở nhiệt tình nên bạn bè rất quý. Nghe tin em đỗ thủ khoa, cả lớp rất vui”.

Tin Hoàng thi đỗ thủ khoa lan niềm vui ra cả quê em ở Quảng Bình. Khi hay tin mình thi đỗ thủ khoa, Hoàng đang cùng bố mẹ về quê ở Quảng Bình. Trở lại Đà Nẵng, trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở phường Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng), bố mẹ Hoàng kể: “Nhận tin cháu thi đỗ thủ khoa, cả nhà ai cũng vui, nhất là lúc đó đang ở quê hương Quảng Bình. Hồi năm 2000, bác Hoàng ở Đà Nẵng thấy chúng tôi làm ăn ở quê cơ cực quá, mới dắt dìu nhau ra Đà Nẵng lập nghiêp. Hai vợ chồng với đứa con nhỏ ra Đà Nẵng trước, con trai lớn là Hoàng phải gửi lại quê nhà nhờ ông bà chăm vì khi đó quả thật rất khó khăn…".

Chừng khi Hoàng học lên lớp 2 thì khi nghỉ hè, ra Đà Nẵng với ba mẹ, em khóc: “Sao bố mẹ cho em theo ra Đà Nẵng mà con thì không?”. "Thương con nốt ruột, rứa là hai vợ chồng bảo nhau khó chi thì khó cũng đưa con ra Đà Nẵng để cả nhà đoàn tụ, sớm tối quây quần có nhau”.

Bố Hoàng làm nghề phổ thông, ai kêu chi làm nấy. Mẹ em thì có một chân tạp vụ trong trường ĐH, dành dụm mãi mới có được căn nhà nhỏ ở phường Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu). Nhưng gia đình lúc nào cũng hạnh phúc với “tài sản” lớn là hai con luôn ngoan, nghe lời bố mẹ và rất ý thức trong việc học hành. 

Nói về phương pháp học của mình, thủ khoa Trần Nhật Hoàng nói: “Khi gặp những bài tập quá khó, em hỏi thầy cô, hay đặc biệt là đem ra cùng trao đổi, tranh luận với bạn bè như kiểu đố nhau để học và cùng tìm ra hướng giải bài tập tốt nhất. Với cách này, em thấy sẽ nhớ lâu những dạng bài tập khó mà mình đã gặp qua. Bạn bè với nhau nên trao đổi, tranh luận rất thoải mái, mà may mắn là trong lớp em có nhiều bạn học rất giỏi.

Thêm nữa, với internet, qua tìm hiểu những địa chỉ tin cậy được, em cũng tải về được rất nhiều dạng bài tập, những đề thi của các trường trong Nam ngoài Bắc để về luyện giải bài tập để biết nhiều dạng đề hơn, nhất là luyện phản xạ nhận dạng đề nhanh để có hướng giải bài tập đúng ngay từ đầu”.

Thủ khoa Trần Nhật Hoàng cùng bố mẹ
Hoàng chia sẻ, ngoài học ở trường, em thường lên mạng tìm tải những dạng đề bài tập. Với những bài tập khó, thì cách đem ra cùng trao đổi, tranh luận với bạn bè để tìm ra hướng giải.

Cách học riêng với những môn thi trắc nghiệm như Vật Lý, Hóa học, Hoàng cho biết ngoài những kiến thức căn bản trong sách giáo khoa, em thường hay đọc tham khảo các sách tự nhiên - xã hội, nhất là đọc báo để nắm biết được những hiện tượng khoa học trong đời sống hàng ngày, hay những ứng dụng khoa học trong thực tiễn.

Có nhiều câu hỏi thi trắc nghiệm Lý, Hóa hỏi về những điều này, trong khi trong sách giáo khoa chỉ có kiến thức nền để mình dựa trên đó lý giải vấn đề. Chẳng hạn như đề yêu cầu tìm ra chất liệu nào đó đểtạo ra một sản phẩm mà mình thường thấy trong cuộc sống. Thủ khoa chia sẻ thêm: “Em đặc biệt thích tìm hiểu về những ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày”.

Khánh Hiền