Thủ khoa khối C, D “bật mí” kinh nghiệm thi ĐH

(Dân trí) - Đồng thủ khoa lớp báo chí K48 ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Hoàng Diệu Ngân và Nguyễn Khánh Vân chia sẻ một số kinh nghiệm thi ĐH khối C, D cho bạn đọc <i>Dân trí</i>.

Với lưng vốn thủ khoa “đầu vào”, Diệu Ngân và Khánh Vân đã tận dụng được bệ phóng đó để đẩy thành tích học tập của mình lên cao hơn. Không những thế, cả hai đều đã tìm được một công việc mà nhiều bạn trẻ mơ ước: Diệu Ngân đã kịp ra mắt tập truyện ngắn “Tự ủ ấm đôi bàn tay” xuất bản năm 2006 và hiện đang thực tập tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Còn Khánh Vân đang cộng tác với VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

 

Khối C không khó nhưng phải có phương pháp

 

Theo Diệu Ngân, học khối C cũng giống như các khối khác, cần có phương pháp mới có hiệu quả cao. Với Ngân, việc chọn thi khối C không phải vì kém thông minh, “không còn khối nào khác để thi” mà vì niềm yêu thích thật sự. Chính vì vậy, ngay từ việc học và ghi chép bài tập trên lớp, các quyển vở ghi chép môn Sử, Địa của Ngân được chăm chút hơn cả.

 

Kẻ lề thật to để viết những điều đặc biệt quan trọng. Viết tên đề mục thật to bằng bút màu sặc sỡ để dễ nhận ra và tạo... cảm hứng khi học. Viết chữ đẹp hết mức có thể vì việc tự dịch chữ của mình khi phải học một khối lượng đồ sộ là việc đáng sợ nhất. Ngân sẵn sàng mượn vở của bạn về nhà tổng hợp sau còn thời gian trên lớp... để dành ngồi nghe thầy giảng và tự ghi ra nháp thật nhanh. Đây là một “bí quyết” Ngân áp dụng cho cả 3 môn thi của mình.

 

Do có chút năng khiếu về môn Văn nên Ngân học Văn không mấy vất vả. Còn Sử và Địa thì cứ “tuân chỉ” lời thầy cô đã giảng và bám sát sách giáo khoa.

 

Đối với môn Sử, sau mỗi vấn đề, sự kiện phải để tâm suy nghĩ, tìm hiểu về nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm, kết nối các sự kiện ấy với nhau. Môn Địa lý là vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội, nguyên nhân, kết quả và hướng giải quyết. Mới nghe thì thấy có vẻ lý thuyết, giáo điều, song phải “vào trận” mới biết đó là cả một quá trình học vất vả.

 

Học, ôn tập, đó chỉ là một phần “tất yếu” làm nên kết quả. Thi cử mới là phần quyết định cho kết quả đó. Chính vì vậy, “tiến độ” làm bài, trình bày bài thi là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nên phác thảo đề cương trước rồi khi làm thì viết một mạch luôn. Trong khi viết, một khi cảm hứng sẵn có ta sẽ nhớ bổ sung những ý còn thiếu. Một điều vô cùng quan trọng là bài thi phải trình bày thật rõ ràng, sạch sẽ, đẹp nhất.

 

Một lẽ đương nhiên với những người thi khối C là viết dài, thông thường khoảng 3 tờ/môn. Tất cả đều được chia ra thành các đoạn nhỏ, khoảng 7-10 dòng/đoạn. Mỗi đoạn thể hiện một ý khác nhau, ý chính của đoạn phải được nêu bật từ câu đầu. Cần chú ý những hoa thị, gạch đầu dòng ở hai môn Lịch sử, Địa lý sao cho rõ ràng tránh trường hợp nhầm lẫn sang đánh dấu bài.

 

Như vậy, làm bài khối C cũng cần tư duy mạch lạc và có bí quyết riêng. Không biết tự “đánh bóng” bản thân qua bài làm của mình sẽ là một thiếu sót lớn khiến ban giám khảo không đánh giá được bạn theo cách bạn mong muốn

 

Thủ khoa khối C, D “bật mí” kinh nghiệm thi ĐH - 1

Khánh Vân thủ khoa khối D.

Khối D cần phải thực sự tập trung 

  

Học cùng lớp với Diệu Ngân, Nguyễn Khánh Vân là thủ khoa khối D của lớp. Thông minh, nhiệt tình và năng động là những nhận xét của bạn bè dành cho Vân. Ngoài bảng thành tích học tập đáng nể, Vân còn là cộng tác viên của chương trình VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

 

Về việc ôn thi đại học, Vân cho rằng: Không phải cứ học ngày học đêm là thi đỗ Đại học. Thi khối D cũng như các khối khác là phải học thật tốt cả ba môn thi nhưng phải tập trung giành điểm vào môn thế mạnh của mình.

 

Trong kỳ thi 2003, Khánh Vân mạnh hơn ở môn Văn và Tiếng Anh nhưng Toán mới là môn Vân đạt điểm cao nhất. Đó là điều bất ngờ và nguyên nhân chính là đặc thù của từng môn học. Vì Văn và Tiếng Anh là những môn phụ thuộc khá nhiều vào đề tài và cảm hứng của mình.

 

Rất nhiều bạn ôn thi Đại học ngay từ khi bắt đầu vào lớp 10. Bản thân Vân chỉ bắt đầu khi vào lớp 12. Đây là lý do Vân có kết quả thi Tốt nghiệp rất ổn. Với riêng Vân, chăm chỉ không phải là yếu tố dẫn tới thành công. Điều quan trọng là bạn phải thật sự có hứng thú với môn thi mà mình lựa chọn và dành cho nó niềm đam mê học hành.

 

“Bí quyết” của Vân là một ngày chỉ dành 4 tiếng để học, thời gian đến trường và tham gia hoạt động ngoại khoá rất nhiều. Và để giảm stress trong những ngày học thi, Vân thường nghe nhạc.

 

Ấn tượng nhất của Vân trong lần thi Đại học là có rất nhiều người bạn cùng khoá đã ngất xỉu vì học nhiều quá. Như thế thì đâu có hiệu quả. Bạn tập trung trong 30 phút chắc chắn sẽ hiệu quả hơn ngồi 4 tiếng mà không thật sự để ý vào việc mình làm.

 

Nguyễn Bình