"Chạy" tuyển sinh vào trường trung cấp Y Hà Nội với giá 30 triệu đồng:

Thủ phạm là một nữ trợ giảng Đại học KHXH&NV

Vừa qua, báo CAND nhận được đơn tố giác của một gia đình học sinh về việc "lo" cho con vào Trường Trung cấp Y Hà Nội mất… 30 triệu đồng. Người nhận “chạy" lại là một nữ trợ giảng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Muốn con đi học bằng tiền

 

Người đàn ông dáng vẻ bức xúc cầm đơn đến báo CAND là anh Ngô Đình Thụy, ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Theo anh Thuỵ thì con gái anh là Lê Thị Lệ Huyền thi trượt đại học nên gia đình phải cố "chạy" cho con vào một trường Trung cấp Y. Biết được nguyện vọng của anh Thuỵ, Đinh Nguyễn An, đang là trợ giảng của Khoa Triết học, trường ĐH KHXH&NV hứa chắc chắn sẽ "lo" được cho Huyền vào Trường Trung cấp Y Bạch Mai với giá 30 triệu đồng.

 

Ngày 8/4, anh Thuỵ đưa vợ con đến nhà An để bàn chuyện. Sau khi được An giải thích đây là hệ con ông cháu cha nên mới được tuyển trái tuyến thì anh Thuỵ tin ngay. Thoả thuận, anh sẽ đặt trước cho An 10 triệu đồng (có viết giấy biên nhận), còn 20 triệu đồng sẽ trả nốt khi có giấy báo nhập học và lo việc làm cho Huyền khi ra trường. Để tạo lòng tin, An nói với anh Thuỵ là số tiền đó dùng vào việc "chi" cho người quen ở Học viện X và Vụ N.

 

Gần 1 tháng trôi qua, anh Thuỵ không thấy dấu hiệu khả quan đã đi dò hỏi và biết, vào thời điểm đó, Trường trung cấp Y Bạch Mai không tuyển hệ đào tạo nào. Đang bực tức thì anh được An thông báo tiêu chuẩn vào Trường Trung cấp này không còn, nhưng An hứa sẽ "chạy" cho Huyền vào trường Trung cấp Y khác, miễn là có bằng chính quy. Vì muốn con được đi học, anh Thuỵ tiếp tục nhờ An.

 

Thời gian sau, do nghi ngờ An lúc nói "lo" cho con mình vào Trường Trung cấp Y ở 35 Đoàn Thị Điểm, lúc lại bảo ở Phúc Tân nên anh tìm đến 35 Đoàn Thị Điểm kiểm tra. Bất ngờ trước bảng thông báo rõ mồn một là trường xét tuyển công khai tự do, không phải thi cử gì nên anh tiếc số tiền đã thoả thuận với An. Nhiều lần gọi điện cho "đối tác" yêu cầu giảm bớt số tiền xuống còn 20 triệu đồng nhưng không được An chấp nhận, anh Thuỵ làm đơn tố cáo.

 

Vì tiền, nữ trợ giảng tự huỷ hoại tương lai của mình

 

Trong cuốn băng ghi âm cuộc điện thoại giữa An và Thuỵ liên quan đến việc "chạy" trường trên với "giá " 30 triệu đồng, thấy mặc dù anh Thuỵ đã năn nỉ, nhưng An vẫn khăng khăng: "Em nhắc lại với anh là em không bớt một đồng nào. Số tiền đó em đã "chi" hết rồi. Kể cả một đồng em cũng không bớt…". Âm sắc trong giọng nói của An rất đanh thép, quyết đoán. Nếu nghe cuốn băng trên do phóng viên thu lại, không ai có thể nghĩ An là một sinh viên mới ra trường và đang được trợ giảng ở một trường Đại học lớn ở Hà Nội.

 

Xác định đây là một việc liên quan đến tiêu cực trong mùa tuyển sinh, Báo CAND đã chuyển vụ việc này đến Phòng Bảo vệ An ninh Văn hoá - Tư tưởng, Công an TP Hà Nội. Tại biên bản làm việc giữa cán bộ của Phòng Bảo vệ An ninh Văn hoá - Tư tưởng, An thừa nhận những việc nói với anh Thuỵ về quen người này, người kia là bịa đặt với mục đích vụ lợi.

 

Sau khi không "lo" được cho Huyền vào Trường Trung cấp Y Bạch Mai, An đến Công ty Xuất nhập khẩu thuộc TW Đoàn ở 2B, lô 11, khu đô thị Định Công để hỏi việc tuyển sinh vào Trường Trung cấp Y (Hà Nội) nhằm đào tạo nguồn nhân lực xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Hoạt động liên kết này do nhà trường xét tuyển qua nhiều vòng như nộp học bạ, ngoại hình, khám sức khoẻ… Huyền đã trúng tuyển vào hệ đào tạo này, có tên trong danh sách lớp 37M (Điều dưỡng đa khoa).

 

Nắm được giấy báo nhập học của Huyền, An đã dùng nó làm lá bùa để ép gia đình anh Thuỵ phải trả nốt 20 triệu đồng. Trước cơ quan Công an, An khai nhận số tiền 10 triệu đồng của anh Thuỵ và chi tiêu hết. Trên thực tế, số tiền An chi phí làm xét tuyển cho Huyền chỉ có 400 nghìn đồng.

 

Theo tài liệu của Phòng Bảo vệ An ninh Văn hoá - Tư tưởng, Đinh Nguyễn An nguyên là sinh viên của Trường ĐH KHXH&NV, vừa tốt nghiệp loại giỏi năm ngoái và được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. An đang trong giai đoạn trợ giảng và tương lai sẽ là giảng viên.

 

Vì lòng tham và nhận thức non kém, An đã đánh mất tư cách, đạo đức của một nhà giáo tương lai. Thật đáng tiếc khi một cựu sinh viên giỏi lại tự hủy hoại tương lai rộng mở của mình chỉ vì đồng tiền. Hành vi trên của An là không thể chấp nhận được bởi nhân cách của nghề sư phạm đã bị cô làm cho hoen ố.

 

Cuối cùng vụ việc cũng được hai bên thống nhất với nhau để An khắc phục hậu quả. Tại biên bản làm việc ngày 17/6 với cơ quan Công an, mặc dù anh Thuỵ cho rằng, đến giờ phút đó anh chưa nhận được một đồng nào từ việc An "khắc phục hậu quả", nhưng anh vẫn viết đơn xin bãi miễn khiếu kiện vì tình cảm gia đình…

 

Khi bài báo này đến tay bạn đọc cũng là thời điểm mà kỳ thi đại học, trung học chuyên nghiệp bắt đầu, mong rằng trường hợp của anh Thuỵ sẽ là bài học cho các bậc phụ huynh trong việc chọn lựa "sự học" cho con mình.

 

Theo CAND