Nghi vấn từ cuộc thi viết thư quốc tế UPU:

Thư sao chép vẫn đoạt giải?

Cuộc thi viết thư quốc tế do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức lần thứ 36 (năm 2006) đã phát động, nhưng “dư âm” cuộc thi lần thứ 35 vẫn chưa khép lại khi bất ngờ một độc giả phát hiện bức thư đoạt giải của kỳ này có dấu hiệu sao chép.

Hai đề tài, một cách viết

Nghi vấn này tập trung vào lá thư đoạt giải khuyến khích quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 35 của Nguyễn Thu Ngân, học sinh lớp 8A1, Trường THCS N, TP Cần Thơ.

Qua đối chiếu với lá thư từng đoạt giải nhất quốc tế (huy chương vàng) kỳ thi UPU lần thứ 28 - năm 1999 của Xinyi Chen, 12 tuổi, lớp 6 Trường tiểu học thuộc Trường phổ thông Vô Tích (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) thì có quá nhiều đoạn trùng hợp đến kỳ lạ.

Lá thư (bài viết) của Nguyễn Thu Ngân viết ngày 14/10/2005 bắt đầu như sau: "Chị Trang thân mến nhất của em! Hiện giờ chị thế nào rồi? Có khỏe không? Em cảm ơn chị đã gửi bưu thiếp và ảnh cho em. Bây giờ em nóng lòng viết thư cho chị ngay để chị chia vui với em: Cô bạn Xinyi Chen của em đã khỏe rồi chị ạ. Em kết bạn với Xinyi tại Trại hè năm 2002. Xinyi là một bạn gái Ô-xtrây-li-a xinh tươi, hiền dịu, hoạt bát. Giọng hát ngọt ngào và điệu múa uyển chuyển của Xinyi luôn nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt...".

Còn đây là lá thư của tác giả Xinyi Chen (Trung Quốc) viết ngày 1/3/1999: "Chị Hêlen yêu quý! Dạo này chị có khỏe không? Em cảm ơn chị nhiều vì chị đã gửi bưu thiếp cho em. Em nóng lòng viết thư cho chị ngay để chị cùng chia vui với em: Cô bạn Shunji nước ngoài của em đã khỏe hơn rồi đấy chị ạ. Em kết bạn với Shunji từ năm 1996 tại Trại hè quốc tế. Shunji là một bạn gái Triều Tiên xinh tươi, hiền dịu, ít nói. Giọng hát ngọt ngào và điệu múa uyển chuyển của Shunji ở đâu cũng giành được những tràng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt...".

Có lẽ không thể chép nguyên xi hai bức thư ra đây vì quá dài. Độc giả có thể tham khảo cuốn sách Những bức thư đoạt giải cuộc thi viết thư UPU lần thứ 35, NXB Bưu điện ấn hành tháng 9/2006 để đọc bức thư của em Nguyễn Thu Ngân (từ trang 204 đến trang 208), sau đó đối chiếu bức thư của em Xinyi Chen được in trước đó trong cuốn tổng hợp của cuộc thi UPU lần thứ 28 (từ trang 183 đến trang 187) sẽ rõ.

Điều kỳ lạ là dù đề tài khác nhau giữa hai cuộc thi "Tôi viết thư cho một người bạn (trai hoặc gái) để nói rõ bưu chính đối với tôi có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hằng ngày" (lần thứ 28) và "Tôi viết thư cho bạn: Các dịch vụ bưu chính đã giúp tôi nối liền thế giới như thế nào?", nhưng cách "vào đề" của hai tác giả ở hai nước khác nhau, hai thời điểm lại... y chang như vậy!

Có phải sao chép?

Độc giả Ngọc Vy (huyện Đông Giang, Quảng Nam) bức xúc: "Khi chuẩn bị nội dung để dự thi UPU sắp tới, tôi và thầy Trần Văn Lợi, giáo viên Trường THPT Quang Trung, Đông Giang đã phát hiện và đọc đi đọc lại thật nhiều lần hai bức thư ấy. Vì sao ở một cuộc thi quốc tế như thế mà Ban tổ chức cuộc thi, Ban giám khảo không phát hiện ra sự trùng hợp này? Có thể xem là một "trò đùa" bình thường đối với giới trẻ?".

Đành rằng, việc tham khảo những bức thư đoạt giải trước đó và đôi khi bị "ảnh hưởng" là chuyện bình thường, tuy nhiên, từ cách "vào đề", triển khai ý tưởng, nội dung bài viết quá giống nhau là điều cần xem lại. Thậm chí, thư của em Nguyễn Thu Ngân lại nhắc đến chính Xinyi Chen nhưng đổi quốc tịch từ Trung Quốc sang Úc (?), song vẫn không được phát hiện.

Hơn thế, có những đoạn sao chép một cách lộ liễu: "Gửi thư cho Shunji xong, em chợt nghĩ đến y học cổ truyền của Trung Quốc. Liệu có thể tìm được phương thuốc chữa bệnh bạch cầu cho Shunji không nhỉ? (...) Cuối cùng, cả nhà em tìm được một bài báo cũ viết về một lương y kỳ cựu ở tỉnh Quý Châu đã phát hiện ra một loại thuốc đông y chuyên chữa bệnh bạch cầu. Em vội tìm sổ tiết kiệm của em có số tiền gửi là 2.400 nhân dân tệ..." (thư của Xinyi, năm 1999).

"Gửi thư cho Xinyi xong, em chợt nghĩ đến y học cổ truyền của Việt Nam. Liệu có tìm được phương thuốc cứu Xinyi không? (...) Cuối cùng, cả nhà em tìm được một bài báo nói rằng: Một lương y kỳ cựu đã phát hiện ra một loại thuốc đông y chuyên chữa bệnh bạch cầu. Em vội tìm sổ tiết kiệm của em..." (thư của Thu Ngân, năm 2005).

Ban tổ chức cuộc thi cần sớm kiểm chứng và trả lời cho độc giả, nhất là những thí sinh nhỏ tuổi, sự thực về bức thư sao chép nhưng vẫn đoạt giải này. Và trách nhiệm của ban giám khảo đến đâu khi để xảy ra trường hợp đáng tiếc như vậy?

Theo Hứa Xuyên Huỳnh, Ngọc Vy
Thanh Niên