Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp băn khoăn về việc dạy tích hợp

(Dân trí) - Trước việc có nhiều ý kiến dư luận cho rằng, với đội ngũ giáo viên hiện tại thì rất khó để thực hiện việc dạy tích hợp liên môn, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển để làm rõ vấn đề này.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kĩ năng; phát triển được năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.

Tính tích hợp thể hiện qua sự huy động, kết hợp, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết có hiệu quả một vấn đề và thường đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.

Nhiều người nghĩ chúng ta cần xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa (SGK) tích hợp theo đúng nghĩa tốt nhất. Tuy nhiên, làm ngay như vậy chúng ta sẽ chưa thực hiện được. Chính vì thế chúng ta làm dần, trước mắt tích hợp ở mức độ vừa phải để giáo viên mình có thể gánh được, điều kiện để người viết chương trình, viết SGK có thể làm được. Nhiều người sẽ bảo như vậy thì không phải là tích hợp nhưng tôi khẳng định là có tích hợp nhưng dừng ở mức độ vừa phải; thể hiện ở chỗ: chương trình, SGK và kế hoạch dạy học đảm bảo cho các kiến thức của các phân môn khác nhau nhưng có liên quan thì được xếp gần nhau, được dạy cùng nhau hoặc dạy gần thời điểm với nhau để giáo viên và học sinh dễ nhận ra, dễ phối hợp vận dụng; hơn nữa, chương trình và SGK mới sẽ có những chuyên đề tích hợp, liên phân môn để dạy và học theo yêu cầu tích hợp, giáo viên cần được bồi dưỡng để dạy được các chuyên đề này. Kết quả cuộc thi dạy học tích hợp 2 năm qua đã chứng tỏ nhiều giáo viên THCS, THPT không chỉ dạy được mà còn tự thiết kế được chuyên đề để dạy.

Thưa Thứ trưởng, xuất phát từ đâu mà trong lần đổi mới này Bộ GD-ĐT quyết định việc dạy học tích hợp một cách rõ nét hơn?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Dạy học tích hợp xuất phát từ việc đổi mới giáo dục tập trung phát triển phẩm chất và năng lực người học. Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam đã cho thấy dạy học tích hợp giúp cho việc học tập của học sinh gắn liền với thực tiễn hơn, giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết.

tthien-11082015-8c280
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Mỗi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và con người là một thể thống nhất, ít nhiều đều có mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác; nhiều sự vật, hiện tượng có những điểm tương đồng và cùng một nguồn cội… Vì vậy, để nhận biết hoặc giải quyết mỗi sự vật, hiện tượng ấy, cần huy động tổng hợp các kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Dạy học tích hợp phù hợp với yêu cầu đó.

Chương trình và SGK hiện hành chưa quán triệt tốt quan điểm tích hợp chưa tạo điều kiện hỗ trợ thuận lợi cho giáo viên thực hiện dạy học tích hợp, mặt khác có một số môn học khó tránh khỏi trùng lặp về nội dung. Theo quan điểm tích hợp, các kiến thức liên quan với nhau sẽ được lồng ghép vào cùng một môn học nên tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học và vì vậy số lượng môn học và thời lượng học tập sẽ giảm bớt… Bên cạnh đó, do quá trình phát triển của thực tiễn nên nhiều kiến thức, kĩ năng chưa có trong các môn học, nhưng lại rất cần chuẩn bị cho học sinh để có thể đối mặt với những thách thức của cuộc sống; do đó cần tích hợp giáo dục các kiến thức và kĩ năng đó thông qua các môn học.

Vậy chủ trương dạy học tích hợp có gì mới so với chương trình hiện hành không, thưa Thứ trưởng? Chúng ta sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì khi thực hiện?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tất nhiên là có một số điểm khác biệt. Cụ thể, tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học, tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá giáo dục.

Việc dạy tích hợp không phải là vấn đề xa lạ trong giáo dục phổ thông (GDPT), giáo viên đã ít nhiều dạy học tích hợp trong chương trình hiện hành, giáo viên đều đã được học, được dạy các kiến thức tích hợp trong chương trình GDPT; nội dung giáo dục và phương án tích hợp trong chương trình mới sẽ không làm thay đổi số lượng giáo viên hiện hành.

Khó khăn, thách thức khi thực hiện chủ trương dạy học tích hợp trong chương trình mới là chúng ta còn hạn chế về kinh nghiệm xây dựng chương trình, biên soạn SGK và hướng dẫn dạy học theo hướng tích hợp (đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu tích hợp); cần có sự thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lý về ý nghĩa của dạy học tích hợp, vận dụng một số kỹ thuật và phương pháp dạy học để bảo đảm yêu cầu của dạy học tích hợp.

Để có thể khắc phục khó khăn trên, cần xây dựng chương trình môn học, biên soạn SGK và các tài liệu dạy học theo yêu cầu tích hợp phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam; tổ chức trao đổi, học hỏi và vận dụng kinh nghiệm dạy học tích hợp của một số nước có nền giáo dục phát triển; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý hiện nay, đào tạo giáo viên mới đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp.

Vậy giải pháp về giáo viên và tổ chức dạy học các môn học tích hợp ở THCS sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nội dung các môn học tích hợp được thiết kế gồm kiến thức thuộc từng phân môn, gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học (môn Khoa học Tự nhiên) và Lịch sử, Địa lý (môn Khoa học Xã hội), Lịch sử, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng, an ninh (môn Công dân với Tổ quốc); đồng thời có các chuyên đề kiến thức liên phân môn. Nhà trường lựa chọn giáo viên đang dạy môn nào hiện nay thì sẽ dạy phân môn tương ứng trong SGK mới, bồi dưỡng và phân công giáo viên có chuyên môn phù hợp nhất dạy từng chuyên đề cụ thể.

Các biện pháo hỗ trợ giáo viên đó là bồi dưỡng, tự bồi dưỡng giáo viên để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan; giáo viên dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, cùng nhau trao đổi, thiết kế các chủ đề tích hợp qua đó phát triển năng lực dạy học tích hợp.

Nếu nói như vậy có nghĩa, đối với môn Khoa học Tự nhiên thì 3 giáo viên sẽ sử dụng chung một cuốn sách để giảng dạy?

Trong những năm trước mắt thì đúng như vậy. Ở môn Khoa học Tự nhiên có 3 phân môn là Vật lý, Hóa học và Sinh học. Giáo viên ứng với phân môn nào thì sẽ dạy phân môn đó. Đối với chuyên đề kiến thức liên phân môn thì các bộ môn có thể ngồi lại với nhau để xây dựng và chọn giáo viên tốt nhất để triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng đội ngũ giáo viên vẫn ổn định khi chúng ta thực hiện chương trình mới.

Các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên mới dạy được cả cuốn sách tích hợp.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Hùng (thực hiện)
(Email hungns@dantri.com.vn)