Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích sự nguy hiểm của nhà trẻ “chui”

(Dân trí)-Hiện nay, tại nhiều địa phương, các nhóm dạy trẻ không phép tăng nhanh, đơn vị quản lý không kiểm soát kịp. Nhiều lớp trẻ tự phát thiếu chuyên môn đã để lại hậu quả khôn lường đối với trẻ, gây bức xúc xã hội. Vậy tại sao có lớp trẻ tự phát? Ai chịu trách nhiệm?

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Rẻ, tiện là gửi con!

Vì sao đã nhiều năm rồi, chúng ta vẫn để tình trạng thiếu trường lớp, không đảm bảo an toàn cho trẻ em, nhất là con em công nhân trong các khu công nghiệp? Làm thế nào giải quyết dứt điểm tình trạng này, thưa Thứ trưởng?

Hiện cả nước đã có 13.741 trường mầm non (tăng hơn 300 trường so với năm học trước), trong đó: công lập chiếm 88%, ngoài công lập chiếm 12 %. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) của những người lao động làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất ở một số tỉnh/thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai...) là rất lớn. Các trường mầm non công lập, kể cả trường mầm non tư thục tuy tăng về số lượng hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ.

Nguyên nhân một phần là do các trường công lập thiếu cơ sở vật chất, số lượng giáo viên chưa đáp ứng đủ. Mặt khác, thời gian đón và trả trẻ được quy định theo giờ hành chính nên không phù hợp với điều kiện làm việc theo ca kíp của các phụ huynh là công nhân. Một số trường tư thục có chất lượng thì mức thu học phí cao so với thu nhập của công nhân lao động. Việc quy hoạch xây dựng các KCN, khu chế xuất lại chưa quan tâm dành đất xây dựng trường mầm non. Vì vậy, phụ huynh thường tìm đến các nhóm lớp tư thục với mức học phí rẻ, thời gian trông giữ trẻ linh hoạt, tiện lợi cho việc đưa đón con... Bên cạnh nhiều nhóm lớp được cấp phép, vẫn còn không ít nhóm lớp được mở ra tự phát, chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập. Chính các cơ sở nhóm lớp này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản chấn chỉnh và đang thực nhiều giải pháp phối hợp với các ban, ngành, các địa phương từng bước khắc phục tình trạng này.

Bộ đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức và trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng; chỉ đạo các trường mầm non công lập hỗ trợ giúp đỡ các nhóm lớp tư thục trên địa bàn về chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra về các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và việc đảm bảo an toàn cho trẻ...

Việc đảm bảo trường lớp cho con em công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có kế hoạch và lộ trình, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của các doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho người lao động an tâm sản xuất.

Theo phản ánh từ các địa phương, hiện nay, điều kiện để mở các nhóm lớp mầm non ngoài công lập rất “thoáng”. Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, người muốn mở nhóm lớp mầm non chỉ cần tốt nghiệp bậc THCS - nghĩa là chỉ cần học hết lớp 9?

Quy chế tổ chức hoạt động của trường mầm non tư thục đã quy định tiêu chuẩn của chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là: có phẩm chất, đạo đức, sức khoẻ tốt; có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non ít nhất là 30 ngày hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý.

Để thành lập được nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giáo viên, nhân viên cũng được quy định rất chặt chẽ. Cụ thể, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, đảm bảo an toàn, thoáng, mát, đủ ánh sáng, sàn nhà láng xi măng hoặc lát gạch hay bằng gỗ, được vệ sinh sạch sẽ... Giáo viên có phẩm chất, đạo đức tốt, thương yêu và tôn trọng trẻ em; sức khoẻ tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm; có bằng trung cấp sư phạm mầm non, đối với những người có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm mầm non ít nhất là 30 ngày... Đối với những nơi khó khăn, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được thành lập có thể chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình, người nuôi dạy trẻ phải được bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non tối thiểu 3 tháng do cơ quan quản lý giáo dục địa phương tổ chức...

Trong bối cảnh trường mầm non công lập chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh, để thu hút các tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia mở các cơ sở GDMN ngoài công lập, việc quy định tiêu chuẩn đối với chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo (người đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục) chưa cao.

Bộ GD-ĐT sẽ tập hợp, lắng nghe ý kiến của các nhà giáo, CBQLGD, của xã hội để xem xét chỉnh sửa một số tiêu chuẩn của chủ nhóm lớp phù hợp hơn, nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm của họ đối với việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu các chủ nhóm lớp chấp hành đúng các quy định của Quy chế, đặc biệt là các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và được kiểm tra, cấp phép theo quy định thì các nhóm lớp đó hoạt động tốt, đảm bảo an toàn cho trẻ .

Trẻ em phải được nâng niu chăm sóc.

Trẻ em phải được nâng niu chăm sóc. Trong ảnh: Học sinh trường mầm non Hoa Trà My - Hà Nội.

Khuyến khích các doanh nghiệp xây trường mầm non

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang đi theo một… quy trình ngược. Đó là ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi mà… “bỏ rơi” trẻ lứa tuổi nhỏ hơn. Các trường mầm non công lập cũng dần biến thành trường “mẫu giáo” vì không còn lớp cho trẻ nhà trẻ. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Việc huy động trẻ 5 tuổi đến trường đã đạt tỷ lệ rất cao (trên 98%) trước khi có chủ trương PCGDMN trẻ 5 tuổi, hiện nay chúng ta đang tập trung nâng cao chất lượng, chuẩn bị tốt tâm thế để trẻ vào học lớp 1.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Nhà nước dành sự ưu tiên hơn cho trẻ 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1 và trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi để làm tiền đề cho PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Đối với trẻ độ tuổi nhà trẻ, để đáp ứng nhu cầu gửi con ngày càng tăng của nhân dân, rất cần sự chung tay góp sức của gia đình, cộng đồng, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể. Đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp có đông nữ công nhân làm việc đầu tư xây dựng các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ với đầy đủ điều kiện theo quy định, tạo sự yên tâm cho các bậc phụ huynh khi gửi con, góp phần nâng cao năng suất làm việc của người lao động.

Hiện nay, rất nhiều cơ sở trông trẻ tại gia đang hoạt động trong khắp các hang cùng, ngõ hẻm, nay mở, mai đóng. Trong khi đó, bài ca muôn thuở vẫn luôn là “lực lượng thanh tra” quá yếu và thiếu. Xin hỏi, Bộ GD-ĐT nhìn nhận thế nào trước bất cập này?

Theo phân cấp quản lý, UBND xã, phường, thị trấn quản lý các nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn; phòng GDĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục. Tuy nhiên, ở một số nơi, UBND phường, xã chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý các nhóm lớp tư thục, dẫn tới tình trạng các nhóm lớp chưa được cấp phép vẫn tồn tại và hoạt động hoặc chưa kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho trẻ em. Mặt khác, sự phối hợp giữa phòng GD-ĐT với chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra.

Việc giải quyết bất cập, khó khăn này này cần được nhìn nhận khách quan, từ nhiều phía. Trước hết, phụ huynh có con gửi trẻ cần phải tìm hiểu, xem xét thật kỹ trước khi gửi con mình đến nhóm lớp, đừng chỉ vì tiện, rẻ, mà gửi con thiếu suy tính. Thứ 2, là trách nhiệm của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, khu dân cư trong việc giám sát, phát hiện kịp thời những nhóm lớp mở chui; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về các kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khoa học; công khai trên các phương tiện truyền thông các nhóm lớp được cấp phép để phụ huynh biết và lựa chọn.

Việc kiểm tra, cấp phép của UBND xã, phường phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định hiện hành. Các cấp quản lý giáo dục phải chủ động phối hợp với chính quyền trong việc kiểm tra và kiên quyết trong xử lý vi phạm.

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của gia đình, của các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội, ngành giáo dục mong muốn các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp cùng quan tâm chung tay khắc phục những bất cập trên, đảm bảo sự an toàn cho trẻ.

Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh