Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ

(Dân trí) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, chuẩn bị các điều kiện, tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016; có biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.

Với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng chỉ đạo cần nâng cao hiệu quả hoạt động các quỹ về phát triển khoa học công nghệ; khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm; tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, con số trên 24.000 tiến sĩ được nêu trong Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2013 là số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 do Tổng cục Thống kê tiến hành. Tuy nhiên, đây là số lượng tiến sĩ trên cả nước, đang hoạt động trong mọi ngành nghề, lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục cho đến khoa học và công nghệ và thậm chí cả những tiến sĩ không còn làm việc nữa. Cũng trong cuốn sách này, năm 2012, số lượng tiến sĩ tham gia nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam là 11.501 người.

Theo số liệu từ cuộc điều tra nghiên cứu và phát triển năm 2014 do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) tiến hành cùng với Điều tra Doanh nghiệp 2014 của Tổng cục Thống kê, được công bố trong sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014, cho thấy, năm 2013 Việt Nam có 12.261 tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (chiếm 9% trong tổng số 128.998 cán bộ nghiên cứu).

Cũng theo kết quả tổng hợp của các cuộc điều tra trên, số lượng cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ chủ yếu tập trung ở khu vực nhà nước (11.411 người trên tổng số 12.261 người, chiếm 93%), tiếp đến là khu vực ngoài nhà nước (830 người, chiếm 6,8%) và còn lại là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong tổng số 12.261 tiến sĩ, có 3.637 tiến sĩ là nữ, chiếm gần 30%. Chủ yếu số nữ tiến sĩ làm việc trong khu vực nhà nước (3.198 người, chiếm gần 88%).

Thống kê số lượng tiến sĩ theo khu vực hoạt động cho thấy trường đại học là khu vực có số lượng tiến sĩ nhiều nhất (7.959 người, chiếm gần 65%), tiếp sau là khu vực các các viện, trung tâm NC&PT (3.367 người, chiếm gần 28%). Khu vực doanh nghiệp có tỷ lệ cán bộ nghiên cứu là tiến sĩ thấp nhất.

Hồng Hạnh