Thưa thầy, dẫu biết sinh tử là quy luật...

Nghĩ đến thầy Lê Đình Kỵ và những thầy cô cùng thời, có thể liên hệ đến tình hình giáo dục rối ren kém hiệu quả hiện nay để trả lời một câu hỏi: Vì sao thuở đó đói ăn, chạy bom đạn mà thầy ra thầy, trò ra trò và học hành với đầy sự hứng khởi?

Thưa thầy, dẫu biết sinh tử là quy luật... - 1

Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ

 

Chúng tôi là lứa sinh viên học thầy Lê Đình Kỵ những năm kháng chiến chống Mỹ, tại khoa văn đại học Tổng hợp Hà Nội.

 

Thầy Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ dạy lý luận văn học; thầy Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Nguyễn Lộc dạy văn học Việt Nam; cô Nguyễn Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, thầy Nguyễn Văn Khoả dạy văn học phương Tây; thầy Nguyễn Tài Cẩn dạy ngôn ngữ... toàn những thầy cô nổi tiếng giỏi giang, yêu học trò, ai cũng là tác giả của nhiều bộ sách có giá trị trong toàn quốc.

 

Với thầy Lê Đình Kỵ, còn đặc biệt hơn vì thầy là chủ nhiệm lớp cuối khoá chúng tôi, vì vợ thầy sau này - cô Ngô Kim Long, lại là một bạn cùng lớp.

 

Ai cũng có ấn tượng về lối giảng của thầy. Thầy giảng bài rất từ tốn, mắt chẳng ngó ai, nhiều sinh viên hơi ngỡ ngàng vì đọc sách của thầy thấy tác giả rõ là một nhà lý luận rất giàu cảm xúc thẩm mỹ - có người nói đùa, văn của thầy rất “hoa lá cành”, rất bay bổng - không giống như khi thầy lên lớp quá nghiêm cẩn.

 

Không ít người đánh giá rằng trong hơn 20 tác phẩm nghiên cứu lý luận phê bình của giáo sư Lê Đình Kỵ, nổi bật nhất là công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du xuất bản năm 1970. Chúng tôi là lứa sinh viên được chứng kiến những năm tháng thầy Lê Đình Kỵ viết quyển sách ấy.

 

Suốt những năm khoa văn đi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom Hà Nội và miền Bắc, chúng tôi lên học ở vùng rừng núi xa, trong thung lũng ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Các thầy cô cũng chung cảnh sinh hoạt khó khăn ấy: đào hầm chữ A để tránh bom, cũng đi gánh gạo gánh muối, lội suối mùa nước lũ, và cũng bị ghẻ lở đói ăn y hệt sinh viên.

 

Có đêm đi tập văn nghệ về khuya, sinh viên bắt gặp thầy Lê Đình Kỵ đang soi đuốc cho cô Nô Na (người vợ Nga của thầy Nguyễn Tài Cẩn) đi mượn cái cặp nhiệt độ về cặp cho con cô bị sốt cao nơi rừng núi, xa thầy thuốc.

 

Thời gian khổ ấy chính là bối cảnh ra đời của quyển Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du mà chúng tôi là những người được cầm nó, học nó khi vừa ra đời còn thơm mùi mực. Ai cũng tranh thủ đọc nghiến ngấu và nhiều buổi đi rừng chặt củi còn tranh luận nhau khi ngồi nghỉ trên đỉnh dốc có cái tên sinh viên đặt cho là “Dốc tắt thở”.

 

Nghĩ đến thầy Lê Đình Kỵ và những thầy cô cũ của chúng tôi ngày đó, có thể liên hệ đến tình hình giáo dục rối ren kém hiệu quả hiện nay để trả lời một câu hỏi: Vì sao thuở đó đói ăn, chạy bom đạn mà thầy ra thầy, trò ra trò và học hành với đầy sự hứng khởi?

 

Thưa thầy, sinh tử là quy luật của cuộc đời. Thầy ra đi ở tuổi 87, đã là thượng thọ. Nhưng hình ảnh của thầy làm sao quên.

 

Chúng em sẽ luôn thương nhớ thầy.

 

Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải
Sài Gòn Tiếp Thị