Thừa Thiên - Huế: “Lạ đời” những khoản thu đầu năm học

(Dân trí)- Tại các trường tiểu học, THCS, THPT, kể cả Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại Thừa Thiên - Huế đều có tình trạng “thu thêm” quá tay vào đầu năm học mới. Nhiều khoản thu với nhiều hình thức thu “lạ đời” ngày càng được các trường “tự biên diễn” để phụ huynh phải đóng.

Tại Trường tiểu học P.T, huyện Phú Vang, các mức thu phụ được trường “họp thông qua” trước khi diễn ra năm học. Đến ngày nhập học, cả phụ huynh lẫn học sinh đều “tròn mắt” bởi những khoản thu không đâu vào đâu như: tiền hỗ trợ học tập: 25.000đ, phí bảo vệ (trả tiền cho bảo vệ trường): 20.000đ, phí cho giáo viên học thể dục (trả tiền cho giáo viên dạy thể dục ở trường): trên 20.000đ… 

Tại Trường THPT H.B.T, TP Huế, các học sinh vừa nhập học đã “được” nhận ngay một giấy báo nộp tiền với tổng giá trị 250.000đ. Trong có ghi nhiều loại quỹ như: Quỹ vệ sinh, quỹ hoạt động thanh niên, quỹ chữ thập đỏ, quỹ hỗ trợ thư viện, quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất và cả lương cho …giám thị. Ngoài ra còn thu tiền tin học, tiền gửi xe máy, xe đạp… cao hơn năm trước.

Trường tiểu học X.P, TP Huế còn làm phiền phụ huynh bằng các quy định cứng nhắc như vở nào kèm màu nấy (ví dụ: vở Toán bao giấy màu xanh dương và bìa ni lông, vở đầu bài màu đỏ, vở Tiếng Việt màu vàng, vở tăng tiết bao ni lông kèm nhãn…).

Thừa Thiên - Huế: “Lạ đời” những khoản thu đầu năm học - 1
Một bảng thu với nhiều khoản mà 1 trường tiểu học tại TP Huế yêu cầu học sinh đóng đầu năm học 2010-2011.

Ngoài ra, vấn đề học trái tuyến cũng bị “định” giá theo “chuẩn” từng trường. Trường nào có nhiều giáo viên dạy tốt, học sinh học giỏi - đạt giải cao thì học sinh vào học trái tuyến phải đóng phí cao gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn lần các trường “hạng trung”.

Theo ông Lê Thư, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện tượng lạm thu đầu năm học hiện đã trở nên phổ biến trong nhiều trường tại địa bàn tỉnh. Năm 2010 hiện tượng này đang diễn ra tại nhiều trường hơn và hình thức thu cũng “lạ đời” hơn. Hầu hết các trường và khối cấp trên địa bàn tỉnh đều có thu thêm những khoản ngoài quy định.

Hiện tình trạng này không chỉ diễn ra ở 3 khối tiểu học, THCS, THPT mà khối Giáo dục thường xuyên cũng có xuất hiện với mức thu ít hơn các khối trên vì số lượng học sinh ở khối này ít hơn.

Tuy Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gửi hướng dẫn đến các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng GD-ĐT TP Huế về việc tăng cường quản lý hoạt động thu - chi trong nhà trường như: các khoản thu trường công lập chỉ được thu duy nhất còn 1 khoản là học phí (trừ bậc tiểu học), các khoản thu xây dựng trường không được phép thu… nhưng đến nay các trường vẫn thu như thường.

Ông Thư cũng cho biết nguyên nhân lạm thu là do các trường đã “lách” luật, lợi dụng sơ hở của phụ huynh học sinh để “khống chế” mức thu ngay từ đầu năm khi chưa có cuộc họp chung giữa phụ huynh và nhà trường. Có trường “tinh vi” hơn: cũng họp công khai nhưng khi đề xuất mức thu thêm thì cứ theo chiều hướng: năm sau phải thu nhiều hơn năm trước vì trượt giá, thế là toàn thể phụ huynh cũng đành “ngậm ngùi” mà nộp cho trường.

Một phụ huynh (xin được giấu tên) tâm sự: “Trường bắt thu thế nào thì chúng tôi cũng cắn răng đóng theo thế ấy mà thôi. Con mình học trong đó, phụ thuộc vào các thầy cô. Lỡ thầy cô “giận” thì e con mình bị ảnh hưởng”.

Theo kế hoạch, vào 2 tuần nữa, đoàn thanh tra Sở GD-ĐT sẽ đi kiểm tra 10 trường “tiêu biểu” tại tỉnh Thừa Thiên - Huế về vấn nạn lạm thu đầu năm học nhằm chấn chỉnh lại tình trạng này.

Đại Dương