Thưa thớt học sinh, trường giống lớp dạy kèm

(Dân trí) - Trong khi ở nhiều nơi học sinh thiếu lớp để học thì tại thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có một ngôi trường chỉ có 4 lớp, mỗi lớp có vẻn vẹn 3 đến 5 HS! Học trò thưa thớt khiến người ta ngỡ đây là lớp dạy kèm.

Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm gần đây ở cơ sở 2 của Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn.

Khi chúng tôi đến chỉ có 4 lớp đang học gồm lớp 1, 2, 3 và 4. Trường có 3 giáo viên cùng 16 em HS. Vì vậy không khí náo động của giờ ra chơi dường như không có ở đây. Lớp chỉ có vài ba học trò nên cô giáo gộp bàn học giống như dạy kèm.

Thưa thớt học sinh, trường giống lớp dạy kèm - 1
Một lớp học chỉ vẻn vẹn 4 cô trò.

Cơ sở 2 của Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ được nhiều người dân quen gọi là Trường tiểu học thôn Triêm Tây. Nhiều hoạt động của trường đều diễn ra ở cơ sở 1. Do cách sông trở đò nên muốn tham gia các hoạt động của trường, các em HS phải đi đoạn đường hơn 8km để tới cơ sở 1 của trường.

Hàng năm, giáo viên ở cơ sở 1 được luân phiên điều xuống dạy tại cơ sở 2. Cô giáo Nguyễn Thị Yến, giáo viên đang dạy lớp 4 ở Trường tiểu học thôn Triêm Tây cho biết: Chỉ có vài cô trò nên không khí lớp học tương đối buồn, còn đối với giáo viên chúng tôi công tác theo yêu cầu của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Thưa thớt học sinh, trường giống lớp dạy kèm - 2
Tại Trường tiểu học thôn Triêm Tây, bàn ghế dư thừa nên chất thành đống.

Thôn Triêm Tây nằm sát thôn 3 xã Cẩm Kim, TP Hội An nhưng hoàn toàn tách bạch với xã Điện Phương. Toàn thôn có 137 hộ dân. Bao đời nay, thôn Triêm Tây vẫn nằm tách biệt với xã Điện Phương mà không sát nhập vào xã Cẩm Kim, Hội An. Cũng có vài lần do đề nghị của người dân, việc sát nhập cũng được bàn bạc nhưng cuối cùng vẫn vậy. Cũng bởi địa hình chia cắt nên khi làm bất cứ giấy tờ hành chính nào người dân cũng phải qua đò đi Hội An rồi mới đi Điện Bàn.

Ông Nguyễn Văn Bòng, trưởng thôn Triêm Tây, cho biết thêm: Các gia đình gần sông phải di dời đi nơi khác do đất bị sạt lở nên việc càng thêm thiếu HS. Còn với chủ trương của huyện cũng như Phòng Giáo Dục và Đào Tạo là vẫn dạy dù còn 1, 2 HS.

Những người dân có con lớn, hiện đang đi làm hay đi học đại học kể rằng 10 năm trước, lớp học lúc đó nhiều nhất cũng 15, 16 em và vẫn đỡ thưa thớt hơn bây giờ rất nhiều. Trên thực tế, trong số phần lớn thanh niên ở thôn Triêm Tây đi học tập và làm ăn xa quê, không ít người lập gia đình ở nơi khác. Bởi vậy mà số HS ở thôn cũng vắng bóng theo.

Bài và ảnh: Thúy Phương